|
Máy bay Boeing 727-200 của Royal Khmer Airlines bỏ quên hơn 10 năm tại sân bay Nội Bài |
Không ai nhận định giá
Giải quyết những vấn đề liên quan đến chiếc máy bay bị bỏ quên tại Nội Bài, từ đầu năm nay, Cục Hàng không VN đã trình Bộ GTVT kế hoạch đấu giá máy bay này.
Theo đó, việc đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về đấu giá tài sản. Cục Hàng không VN sẽ là cơ quan thực hiện việc bán đấu giá máy bay. Về giá khởi điểm, theo Cục Hàng không VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Đầu tháng 5/2007, máy bay Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Sau đó, CHK quốc tế Nội Bài nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển tàu bay cũng như không có liên hệ nào. Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó đã có thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác máy bay (AOC) của RKA đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không VN có thể xử lý máy bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam. |
Cục Hàng không VN cũng đề nghị Bộ GTVT thành lập một tổ giám sát việc bán đấu giá và quản lý tiền thu được từ việc bán đấu giá máy bay.
Tiền bán đấu giá sẽ được thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên như sau: Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay; Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan; Các khoản nợ về thuế, lệ phí, phí; Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của tòa án;
Các khoản khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá, nếu còn, số tiền này sẽ được nộp cho ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, thời gian qua, dù Cục Hàng không VN công khai mời gọi các đơn vị có chức năng thẩm định giá thẩm định chiếc máy bay Boeing bỏ lại tại sân bay Nội Bài hơn 10 năm nay, nhưng không đơn vị nào nhận lời.
“Các đơn vị thẩm định giá trong nước từ chối vì họ chưa có kinh nghiệm và chiếc máy bay không còn chức năng chính - một phương tiện hàng không, mà chỉ còn chức năng trưng bày, làm quán cà phê... Trong khi đó, việc mời các tổ chức định giá nước ngoài không được tính đến vì “khả năng tiền định giá cao hơn giá trị tàu bay”, ông Thắng nói và cho biết thêm, Cục Hàng không VN đang xem xét khả năng sử dụng tàu bay này vào mục đích khác.
Cũng theo ông Thắng, hiện CHK quốc tế Nội Bài - đơn vị đang trực tiếp trông giữ tàu bay này đã có đơn gửi Cục Hàng không VN đề nghị giữ lại chiếc tàu bay để phục vụ công tác diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, dụng cụ huấn luyện.
Hiện, vẫn chưa có con số cuối cùng về khoản chi phí sân đậu chiếc tàu bay nặng 80 tấn này đến thời điểm hiện tại, song theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, CHK quốc tế Nội Bài từng có một báo cáo về chiếc B727-200 này. Theo đó, các khoản thu từ việc máy bay B727-200 của Royal Khmer Airlines đậu lại sân bay Nội Bài tính từ thời điểm ngày 1/12/2007 đến hết ngày 22/8/2014 đã lên tới 605.800 USD. Trong đó, riêng tiền dịch vụ sân đậu tàu bay là hơn 528.000 USD.
Học viện Hàng không tha thiết xin về làm giáo cụ
Theo thông tin của Báo Giao thông, Học viện Hàng không VN đã 3 lần gửi văn bản đến cơ quan chức năng đề nghị được tiếp nhận tàu bay Boeing 727-200 của Royal Khmer Airlines bỏ lại tại sân bay Nội Bài.
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, TS. Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không VN nêu rõ sự cần thiết và phương án tiếp nhận, khai thác tàu bay Boeing 727-200 làm giáo cụ thực hành, thực tập cho các học viên chuyên ngành Hàng không.
Theo bà Hằng, tàu bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan, giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành Hàng không. Hơn nữa, loại tàu bay này còn đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, tài liệu khai thác, quy trình… để các giảng viên có thể thiết kế các bài thực hành, thực tập theo đúng tiêu chuẩn của ngành Hàng không.
“Ngoài việc phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật hàng không, tàu bay này còn có thể được sử dụng làm giáo cụ để đào tạo các ngành và các môn học như: Tiếp viên hàng không, An ninh hàng không, Kiểm soát viên không lưu, Kiến thức cơ bản hàng không…”, bà Hằng nói thêm.
Được biết, nếu đề xuất trên được phê chuẩn, học viện sẽ tiếp nhận và kéo dắt về gửi tại khu vực quản lý của Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) tại sân bay Nội Bài (là đối tác hợp tác đào tạo với học viện) và thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của học viện tại Cam Ranh.
Để có thể khai thác được tàu bay này, học viện sẽ phải liên hệ với Boeing để xin bộ tài liệu phục vụ công tác đào tạo khai thác và bảo dưỡng tàu bay Boeing 727-200, sau đó cử giáo viên đi học các khóa đào tạo và bảo dưỡng; Xây dựng các bài tập, quy trình hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên, học viên hàng không.
Dự kiến, tổng kinh phí cho tất cả các khâu này khoảng 3 tỷ đồng, trong đó, thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của học viện tại Cam Ranh là nhiều nhất, lên tới gần 2,5 tỷ đồng.
Theo Báo Giao thông