"Dừng quá 5 phút" vẫn chưa trả phí BOT xong, xử lý sao?

Thứ năm, 25/01/2018, 09:57
Biển "cấm dừng quá 5 phút" không phải là không có các văn bản pháp luật quy định, nhưng đặt tại các trạm BOT có khả thi trong việc giảm ùn tắc hay không lại là vấn đề khác.

Tài xế không mua vé qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp ngày 3-1

Thanh tra giao thông Cục Quản lý đường bộ 4 cùng các Sở Giao thông vận tải  sẽ chính thức ra tay xử lý lái xe vi phạm lệnh cấm dừng đậu quá 5 phút tại trạm BOT từ ngày 25-1.

Quyết định này đã hiện thực hóa đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc đặt biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" cách các cabin thu phí của các trạm BOT khoảng 50m.

Đây được cho là giải pháp nhằm đối phó với tình trạng ùn tắc kéo dài dẫn đến mất an ninh trật tự đang diễn ra ngày càng nhiều ở các trạm BOT thời gian gần đây.

Đề nghị này ngay từ đầu đã gây tranh cãi khi loại biển này không có trong nhóm biển cấm mà quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã quy định. PV ghi nhận thêm các ý kiến xung quanh đề nghị này.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (đơn vị quản lý 22 tỉnh và TP phía Nam), Tổng Cục đường bộ VN: Hoàn toàn đúng thẩm quyền

Ông Nguyễn Văn Thành

Ông Thành cho biết từ ngày 25-1, thanh tra giao thông của Cục Quản lý đường bộ 4 sẽ cùng với các Sở GT-VT kiểm tra và xử lý các lái xe ôtô vi phạm biển báo giao thông cấm dừng quá 5 phút đã được lắp đặt tại 19 trạm BOT.

Việc cắm biển cấm dừng quá 5 phút tại trạm thu phí, theo ông Thanh, là hoàn toàn đúng thẩm quyền tổ chức giao thông và đúng quy định theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2016/BGTVT).

Đối với những xe cố tình dừng, đỗ để cản trở giao thông, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu ra ngoài và xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 về "Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".

Những lái xe đã bị xử phạt dừng quá 5 phút mà vẫn cố tình tiếp tục dừng, đỗ, ông Thành nhấn mạnh, là cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Những trường hợp như vậy có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" tại điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông", được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 260, có thể bị phạt tù 3-10 năm.

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM: Trạm BOT bị phạt, lái xe cũng bị phạt

Ông Lê Hồng Việt

Ông Việt cho biết hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy định cấm dừng ôtô quá 3 phút, vi phạm sẽ bị xử phạt, như một biện pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông ở cổng ra vào sân bay.

Thời gian 3 phút là để tạo điều kiện cho hành khách và hàng hóa lên hoặc xuống xe. Trong một số trường hợp hành khách lên xuống xe không kịp thời gian, thanh tra Sở cũng không xử phạt nếu có lý do chính đáng.

Do đó, theo ông Việt, nếu đã có biển báo cấm dừng, đỗ xe trên đường phố hoặc ở khu vực trạm BOT mà lái xe vẫn dừng quá lâu là vi phạm luật giao thông, cần phải xử phạt, kể cả trường hợp lái xe ngồi trên xe và bật đèn đúng quy định.

"Đặc biệt là ở trạm BOT là khu vực không có hành khách và hàng hóa lên xuống, rõ ràng lái xe cố tình dừng, đỗ ôtô cản trở xe khác lưu thông là hành vi vi phạm, cần phải xử phạt", ông Việt nói.

Ông Việt chỉ ra, hiện pháp luật đã quy định rõ nếu trạm BOT vì thu phí mà gây ùn ứ xe sẽ bị xử tùy theo chiều dài dòng xe bị ùn ứ 200-500 m. Thế nên, lái xe cố tình dừng, đỗ gây cản trở giao thông tại trạm BOT cũng nên bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.

Điều 46 của Quy chuẩn 41 quy định có biển viết bằng chữ trong trường hợp không áp dụng các kiểu biển đã quy định. Hàng chữ viết trên biển tùy theo nội dung chỉ dẫn hoặc hiệu lệnh phải ngắn gọn. Biển dùng để báo cấm bắt đầu bằng chữ "Cấm".

Ông Vũ Ngọc Lăng - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông: Dừng xe quá 5 phút chưa xong giao dịch thì sao?

Theo ông Sơn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể về việc dừng, đỗ xe trên đường bộ. Việc cắm biển báo hiệu giao thông nào cũng phải tuân thủ theo luật và QCVN 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Tuy nhiên, biển "cấm dừng xe quá 5 phút" là loại biển chưa thấy từng được áp dụng ở Việt Nam.

"Cắm biển cấm dừng, đỗ xe với mục đích tránh ùn tắc giao thông, tránh chiếm phần đường của người đi bộ hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ là để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn. Nhưng cắm biển 'cấm dừng xe quá 5 phút' theo tôi là mang tính áp đặt", ông Sơn nhận định.

"Nếu dừng xe quá 5 phút mà giao dịch chưa xong, nhân viên thu phí chưa trả đủ tiền thừa cho lái xe thì lại xử lý lái xe sao?"

Ông Sơn nhấn mạnh Luật Giao thông đường bộ quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt) là cao nhất, có hiệu lực hơn đèn tín hiệu, biển báo.

"Vì vậy, những trường hợp cố tình dừng xe sai quy định gây cản trở giao thông tại trạm thu phí hoàn toàn có thể bị lực lượng chức năng xử lý thay vì cắm biển báo 'cấm dừng xe quá 5 phút'", ông Sơn nói.

Với những trường hợp tài xế cố tình dừng xe tại trạm thu phí để thay lốp, lau kính, hoặc cố tình tông gãy barier trạm thu phí…, ông Sơn cho rằng phải xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu đủ cấu thành lỗi mà luật đã quy định thì xử lý.

Theo TTO

Các tin cũ hơn