Teen có thể “gặp họa” vì lạm dụng thuốc

Thứ sáu, 17/02/2012, 14:08
Lạm dụng quá nhiều thuốc xịt mũi, nhỏ mắt, dầu gió… nhiều teen không biết rằng cách chăm sóc bản thân quá kĩ này có thể gây họa cho sức khỏe.


Xịt nhiều gây… “điếc” mũi

 

Một thời gian dài, cô bạn Hoàng Anh (lớp 12, THPT Bảo Lâm, Lâm Đồng) dùng thuốc xịt mũi naphazolin (có tác dụng co mạch, tạo thông thoáng khoang mũi) như “thuốc tiên”, khi cảm cúm, nghẹt mũi hoặc chỉ hơi nhảy nước mũi là đem thuốc ra xịt vô tội vạ. Hiện hai bên mũi của Hoàng Anh luôn khó thở, hầu như điếc đặc, không ngửi được, và bạn phải điều trị viêm mũi bằng đốt điện tại bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn.

 

Theo bác sĩ Tạ Văn Thuận, bác sĩ điều trị ca bệnh của Hoàng Anh, hiện có khá nhiều thuốc nhỏ mũi, xịt mũi có nguồn gốc từ thuốc co mạch. Do có tác dụng co mạch, tạo thông thoáng đường thở, khi nhỏ hoặc xịt thuốc vào mũi, bạn sẽ hết nghẹt mũi, viêm mũi hay khó thở ngay.
 

 

Các bạn trẻ cần được tư vấn của bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.  
 

“Thực chất, loại thuốc này chỉ trị các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, nóng mũi chứ không điều trị bệnh tận gốc, bệnh sẽ tái phát ngay khi không dùng thuốc. Nếu lạm dụng thuốc, bệnh ở mũi có thể bị biến chứng, gây viêm nhiễm, thậm chí mất khả năng khứu giác”, bác sĩ khuyến cáo.

 

Chăm sóc mũi đúng cách: Rửa mũi bằng nước sạch, nước muối sinh lí 0,9%, tốt nhất là dùng nước biển phun sương (có chứa nhiều khoáng như bạc, kẽm, đồng, mangan...) khi bị ngứa mũi, nghẹt mũi.

 

Sau khi dùng xong xịt mũi, bạn cần lau kĩ vòi xịt, đậy nắp cẩn thận để tránh vô tình đưa vi khuẩn vào mũi trong lần sử dụng sau. Khi bị nghẹt mũi kéo dài quá 3 ngày, bạn nên đi khám bác sĩ và chữa trị tận gốc. Ngoài nước biển, nước muối sinh lí, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi theo chỉ định của bác sĩ.

 

Mê nhỏ mắt có thể gây mù

 

Nguyễn Văn Vĩnh (lớp 10 A2, THPT Việt Yên, Bắc Giang) tự nhận mình là một “con nghiện” thuốc nhỏ mắt. Từ đau mắt đỏ đến bụi bay vào mắt, thậm chí ngồi học bài mà buồn ngủ là Vĩnh lôi thuốc nhỏ mắt ra nhỏ.

 

Cho đến ngày bạn cảm thấy luôn bị tức mắt, nhức đầu, đến bệnh viện Mắt Trung Ương khám thì tá hỏa khi nghe bác sĩ chẩn đoán: Vĩnh mắc bệnh tăng nhãn áp (hay bệnh glôcôm).

 

“Trước đây, phần lớn ca bệnh này là người già nhưng vài năm gần đây, những bạn trẻ, học sinh, sinh viên cũng mắc bệnh. Nếu bệnh để lâu không điều trị, sẽ gây mù” bác sĩ Hoàng Cương, người điều trị ca bệnh của Vĩnh cho biết.

 

Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra những hậu quả khó lường trước.  


Chăm sóc đôi mắt đúng cách: Bạn chỉ nên nhỏ mắt với nước muối pha loãng 0,9 % khi khô mắt, ngứa mắt. Không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt, nhất là các loại chứa corticoid với những tên thương mại như Polydexa, Neodex, Polydecaron, Dexacol...

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, thuốc chứa corticoid dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả tốt trong điều trị, nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây đục thủy tinh thể và đặc biệt là tăng nhãn áp nếu lạm dụng trong thời gian hơn 2-3 tuần. Tăng cường ăn những loại quả, củ có màu vàng sẫm như bí đỏ, cà rốt, đu đủ, gấc… để bổ sung vitamin tự nhiên cho đôi mắt khỏe mạnh, long lanh.

 

Dầu xoa - “Sát thủ” tiềm ẩn

 

Dầu xoa (dầu gió) là một trong những loại thuốc thông dụng với tất cả mọi người. Nhiều người sử dụng dầu gió như một loại “dược liệu đa năng”, dùng thoa, hít, uống, xông hơi và cả pha nước tắm mà không biết chúng cũng gây họa khó lường.

 

Theo các bác sĩ, dù là sản phẩm không kê toa, dầu gió vẫn là thuốc. Thành phần của dầu gió chủ yếu là tinh dầu bạc hà (chứa methol) và methyl salicylat cùng các chất chiết xuất từ tinh dầu như khuynh diệp, quế, trà, long não.

 

“Methyl salicylat có tác dụng phụ gây xung huyết da, nên sản phẩm có chứa chất này thường chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài, xoa bóp giảm đau. Nhiều người do thiếu hiểu biết đã dùng để uống dẫn tới ngộ độc dầu gió, có thể nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, bệnh viện quân đoàn IV (Bình Dương) cho biết.

 

Bác sĩ Phúc khuyến cáo các bạn teen nên xem kĩ thành phần và cách sử dụng trước khi dùng dầu gió. Không dùng dầu gió khi vừa ốm xong, vừa xoa dầu xong không nên ra gió và cần nhớ đây là một loại thuốc không thể dùng bừa bãi.

 Theo Dantri

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích