Đừng bắt trẻ khổ luyện

Thứ tư, 15/02/2012, 15:14
Tuần qua, cộng đồng mạng xôn xao về video clip em bé 4 tuổi người Trung Quốc phải mình trần chạy trong giá tuyết do người cha muốn em rèn luyện thể lực.

Khoan tính đến hiệu quả lâu dài của phương pháp rèn luyện này, song chúng ta có thể xem lại việc rèn luyện thể lực làm thế nào cho trẻ được khỏe, mà không phải nhận những hậu quả xấu. Chưa kể ngày nay nhiều cha mẹ không quan tâm đúng mực việc rèn luyện thể chất cho con, dẫn đến việc trẻ bị béo phì hay “ra gió là bị bệnh”...

Lợi ích

Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, hoạt động thể lực và chơi đùa đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của trẻ và thanh thiếu niên vì góp phần tạo sự thoải mái về nhận thức, thể chất, xã hội và cảm xúc. Những trẻ ít vận động thường có khuynh hướng trở thành người lớn lười hoạt động.

Hoạt động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng, hạ huyết áp, tăng cholesterol có ích, giảm nguy cơ đái tháo đường và một số loại ung thư. Đặc biệt hoạt động thể lực còn giúp trẻ mạnh khỏe về mặt tâm thần, gồm cả việc xây dựng lòng tự tin và ý thức giá trị của bản thân.

 

 
Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM học môn bóng rổ - Ảnh: N.C.T.

 

Một chế độ tập luyện thể lực vừa phải và đều đặn giúp tăng cường miễn dịch, nhờ đó nâng cao khả năng đề kháng với bệnh tật. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc tập luyện thể lực đều đặn và vừa phải làm giảm tần suất và mức độ nặng của cảm cúm - nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Với những trẻ béo phì ít hợp tác, hoạt động thể lực và chơi đùa không chỉ giúp làm giảm cân mà còn tăng cường khả năng hợp tác của trẻ, giảm các thói quen xấu vốn làm nặng nề thêm tình trạng béo phì.

Ngoài trời

 

Bệnh vì ăn quá no, mặc quá ấm

Trong Thượng kinh ký sự, danh y Hải Thượng Lãn Ông kể chuyện ông được mời vào phủ chúa Trịnh để khám bệnh cho thế tử yêu Trịnh Cán. Trịnh Cán là con của chúa Trịnh Sâm và tuyên phi Đặng Thị Huệ.

Mặc dù được bồi bổ cao lương mỹ vị và được nhiều ngự y trong triều ngày đêm chăm sóc, vị thế tử này vẫn là đứa trẻ ốm yếu liên tục nên khí lực khô kiệt, thân hình gầy gò, xanh xao. Các quan ngự y đành phải lắc đầu bó tay.

Sau khi thăm bệnh xong, Hải Thượng Lãn Ông cho rằng “thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên phủ tạng yếu đi”. Như vậy, theo vị danh y, nguyên nhân chứng bệnh của thế tử Cán là do được ăn quá no, mặc quá ấm, luôn sống trong môi trường trướng phủ màn che mà không có khoảng không gian tự do ngoài trời như bao đứa trẻ khác. Quan niệm tiến bộ này được các nhà chuyên môn, cả Đông y lẫn Tây y, đều nhất mực tán đồng.

 
Tâm lý của các bậc làm cha mẹ bao giờ cũng thấy con mình bé bỏng, mong manh và sợ cho trẻ tiếp xúc với nắng, gió và các hoạt động đòi hỏi vận động sẽ làm bé mất sức, dễ đau ốm. Đây là quan niệm cần phải thay đổi.

Trẻ em như cây non. Dĩ nhiên cây non cần được chăm nom, bảo vệ tránh mưa bão, nắng hạn. Nhưng cây non cũng cần ánh sáng, cần khoảng không để lớn lên và cũng cần thử thách để có thể cứng cáp đương đầu với những phong ba bão tố sau này. Trẻ em cũng vậy.

Các cụ thường dạy: học ăn, học nói, học gói, học mở. Chúng tôi xin thêm: trẻ em cần học tập miễn dịch. Hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển, chúng ta không thể thử thách bằng một môi trường quá “độc hại” như bắt trẻ phải cởi trần phong phanh trong giá rét hoặc vắt kiệt mồ hôi trong các phòng tập thể thao thành tích cao. Nhưng chắc chắn trẻ cần được hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực ngoài trời không hề làm trẻ bệnh nhiều hơn mà ngược lại.

Chế độ tập luyện

Mỗi ngày trẻ cần tham gia hoạt động thể lực ở mức độ vừa phải, ít nhất 60 phút. Tuy nhiên ngay lúc đầu không nên bắt trẻ phải đạt được mục tiêu này, mà cần kiên nhẫn trong thời gian dài theo cách sau đây:

* Tăng dần thời gian hoạt động thể lực đi kèm với việc giảm dần thời gian bất động (xem truyền hình, chơi game hoặc nói chuyện qua điện thoại).

* Cho trẻ tham gia những hoạt động mà trẻ thấy vui thích, không nên bắt buộc theo ý thích chủ quan của người lớn. Mục đích cho trẻ vận động chứ không phải để đạt được bất kỳ thành tích nào.

* Cha mẹ phải làm hình mẫu về một lối sống hoạt động và luôn cố gắng tạo cơ hội cho trẻ tham gia hoạt động.

Vậy hoạt động thể lực như thế nào là vừa phải? Chúng ta hãy lấy quy tắc mười số. Khi trẻ ngồi yên là mức độ 0 và khi trẻ gắng sức tối đa nhất có thể là độ 10. Hoạt động thể lực vừa phải ví dụ đi bộ nhanh cùng nhóm là khoảng 5-6. Hoạt động có mức gắng sức khá nhiều như chạy nhảy, đuổi bắt trong sân trường là 7-8.

Với trẻ thanh thiếu niên thì ngoài 60 phút vận động mức độ vừa phải, mỗi tuần nên có ít nhất ba lần vận động mức độ khá nhiều liên quan đến các hoạt động rèn luyện sức cơ (tập thể hình) và độ chắc của xương (nhảy dây, chạy bộ, chơi bóng).

Trong điều kiện khó khăn về không gian và thời gian như ở các thành phố lớn của VN, việc cho trẻ tham gia tập luyện một môn thể thao nào đó như thể dục nhịp điệu, bơi lội, tập võ, đạp xe là những chọn lựa thích hợp và nên khuyến khích.

Hiện nay, nhiều trường học chuẩn bị đưa môn bơi lội vào chương trình. Đây là cải tiến cần sự tán đồng và hỗ trợ của các bậc phụ huynh. Điều quan trọng là cần tập luyện đều đặn. Không nên thỉnh thoảng bắt trẻ tập bù vì sẽ dễ làm trẻ kiệt sức và bị bệnh hơn.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn