Mùa xuân e dè phấn hoa

Thứ tư, 15/02/2012, 15:54
Mùa xuân muôn hoa đua nở làm cuộc sống thêm tươi đẹp, nhưng đây cũng lại là mùa khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên” với căn bệnh dị ứng phấn hoa.

Khó chịu chỉ vì hoa

Dị ứng phấn hoa là một dị ứng nguyên, do con người hít phải bụi phấn hoa khi chúng được phát tán trong không khí gây nên. Khác với những loại dị ứng do thức ăn qua đường ruột như khi ăn phải thịt bò, đồ biển…, những chất kích ứng với cơ thể có thể bị phóng thích ra ngoài, dị ứng phấn hoa rất khó loại trừ triệt để vì là bệnh qua đường hô hấp.


Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, người bị dị ứng với phấn hoa sẽ có những biểu hiện: ngứa mũi, hắc hơi, chảy nước mũi dị ứng. Phân biệt với người hay bị tiết dịch mũi do nhiễm trùng, viêm xoang thường có nước mũi đục: trắng, vàng hoặc xanh đục, dị ứng phấn hoa gây nên những cơn chảy mũi dữ dội, nước mũi trong veo. Nước mũi chảy nhiều tác động lên thành sau họng gây ho. Một buổi sáng đẹp trời, bạn đi làm ngang công viên, vườn hoa hoặc ngửi những bông hoa rồi bỗng dưng thấy khó chịu, đôi khi cơ thể nổi mề đay hoặc khó thở thì đó là dấu hiệu cho biết nhiều khả năng bạn bị dị ứng với phấn hoa.

Tại Việt Nam, số ca dị ứng phấn hoa thường rất ít, ở những thể nhẹ. Do ngành công nghiệp hoa tại nước ta không phát triển mạnh như ở nước ngoài nên những triệu chứng gặp phải chỉ khiến người bệnh khó chịu trong một mùa nào đó, thông thường là mùa xuân khi hoa nở nhiều. Nếu tình trạng dị ứng nặng như tức ngực, khó thở thì phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Phấn hoa bám trên da có thể làm thành những vết giống như vết xước, gây đau rát và có mụn mủ. Nhiều người lầm tưởng triệu chứng trên là của bệnh Zona (dời leo), tuy nhiên một điểm khác là dị ứng phấn hoa thường xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể: mặt, cổ, vùng da ẩm ướt, ra mồ hôi nhiều. Thường những người hay đi tắm biển, đi bơi hoặc tập thể dục trong công viên lúc cơ thể đổ mồ hôi tiếp xúc phấn hoa gây nên triệu chứng trên.

Hoa có nhiều loại và người ta khó có thể biết được loài hoa nào và đối tượng nào dễ bị dị ứng nhất. Cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, tùy theo cơ địa của từng người. Tuy nhiên, với những người tiếp xúc với hoa thường xuyên hoặc từ nhỏ thì thường cơ thể sẽ sản xuất ra những kháng thể khiến bệnh dị ứng phấn hoa trở nên ít xuất hiện hơn.

Đôi khi, ở những thể nhẹ, người ta cũng không để ý khi cơn dị ứng bất chợt đến rồi bất chợt đi và tái diễn theo mùa từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng phấn hoa gây ho kéo dài, người bệnh sẽ bị bội nhiễm gây viêm hô hấp trên. Những triệu chứng gây ra khiến bệnh nhân trở nên bực bội, khó chịu; ít nhiều gây những phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và công việc, sinh hoạt hàng ngày của họ.

Để dị ứng phấn hoa không là “kẻ cản lối”

Thử tưởng tượng một lúc nào đó, bạn cứ ho sặc sụa trên bàn làm việc hoặc hắc hơi liên tục, nước mũi chảy ròng khi đang tiếp chuyện với khách hàng thì điều gì sẽ xảy ra? Ắc hẳn bạn cũng chẳng muốn gặp ai hoặc hẹn hò với người yêu khi đâu đó trên khuôn mặt, trên cổ có mề đay với những nốt mụn nước lấm tấm. Chính vì vậy, phát hiện đúng bệnh, điều trị kịp thời sẽ giúp bạn an tâm và tự tin hơn.


Do không có nhiều điều kiện đầu tư máy móc hiện đại để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh nên việc điều trị dị ứng phấn hoa sẽ được thực hiện khi các bác sĩ và bệnh nhân có một quá trình theo dõi lâu dài thông qua những kích ứng trên cơ thể khi tiếp xúc với hoa, tình trạng qua các mùa… Vì ngoài dị ứng phấn hoa, còn có hàng trăm dị nguyên khó xác định khác như dị ứng với bụi, lông chó mèo… cùng các triệu chứng tương tự nhau.

Ở nước ngoài, khi phát hiện một bệnh nhân bị dị ứng phấn hoa, các bác sĩ và dược sĩ sẽ dùng chính loại phấn hoa đó để bào chế ra một loại chất tiêm vào dưới da, thường là 1 lần/tuần. Mục đích của việc này là giúp cơ thể thích ứng dần với các dị nguyên của phấn hoa. Người bệnh được giải mẫn cảm, giải dị ứng nhờ loại hoa mà họ bị dị ứng trước đó.

Bệnh viện Da Liễu TP.HCM hiện nay có thể xét nghiệm dị ứng dựa trên định lượng kháng thể đặc hiệu IgE theo công nghệ MAST CLA1. Các bác sĩ sẽ dùng máy xét nghiệm phân tích định lượng kháng thể đối với từng loại dị nguyên và xác định bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm dị ứng phấn hoa hầu như không có, chỉ những dị nguyên như hỗn hợp cỏ phấn hương, hỗn hợp cỏ rong, hỗn hợp các loại cây, nấm mốc… Thông thường, người bị dị ứng phấn hoa sẽ được cho dùng các loại thuốc chống dị ứng để điều trị. Đối với những người hay chảy mũi nhiều, thuốc chống dị ứng còn giúp làm khô hoặc khó tiết dịch.
 

Phương Nam
(tổng hợp)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích