6/11 xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã cũ
Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM, BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, cả 3 cơ sở của bệnh viện đều không đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong khám chữa bệnh của người dân, từ diện tích đến cấu trúc xây dựng, cơ sở vật chất…
Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, môi trường điều trị chật chội, áp lực giường bệnh khiến bệnh viện phải cho bệnh nhân xuất viện sớm. Nhiều trường hợp lẽ ra cần điều trị thêm nhưng buộc phải xuất viện.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm Cấp cứu 115. Trong năm qua, Trung tâm tiếp nhận hơn 20.000 cuộc gọi cấp cứu nhưng cả Trung tâm chỉ có 11 xe cứu thương, trong đó 6 xe đã cũ.
BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Sở Y tế đã nhiều lần đề xuất mua thêm xe cứu thương để đáp ứng tối đa việc tiếp cận hiện trường nhanh nhất, cứu chữa bệnh nhân hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kiến nghị của Sở Y tế không được Sở Tài chính đồng thuận.
Không chỉ cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, thu nhập của nhân viên y tế tại những nơi này cũng vô cùng bi đát.
Hiện nay, thu nhập trung bình của cán bộ, nhân viện y tế tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Do đặc thù công việc, ngoài thu nhập chính, các bác sĩ gần như không có thu nhập thêm sau giờ làm nên đời sống vô cùng khó khăn. Cũng chính vì vậy mà nhiều năm nay bệnh viện gần như không tuyển được bác sĩ mới, các bác sĩ lâu năm đã gần nghỉ hưu, nếu không có chính sách thay đổi, vài năm nữa bệnh viện sẽ không còn bác sĩ để điều trị.
Tình trạng tại Trung tâm Cấp cứu 115 còn bi đát hơn. Người thu nhập thấp nhất chỉ có 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ trung bình cũng chỉ 4 - 6 triệu đồng mỗi tháng trong khi đặc thù cấp cứu rất căng thẳng, môi trường làm việc nguy hiểm. Năm 2017, tại Trung tâm đã có 23 người nghỉ việc và rất khó khăn khi tuyển người mới.
Theo Infonet