|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu sáng 19.3 |
Sáng nay, 19.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long làm rõ trách nhiệm thẩm định của Bộ đối với dự án Luật Giáo dục trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 29 của Ban chấp hành T.Ư Đảng.
Theo bà Minh, có 2 nội dung đã được nêu rõ trong Nghị quyết 29, đó là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, và thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm từ năm 2020. Trong tờ trình ban đầu của Chính phủ đưa 2 nội dung này vào nhưng qua thẩm định của Bộ Tư pháp thì 2 nội dung này đã bị bỏ đi.
"Đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích rõ hơn quan điểm của Bộ Tư pháp trong vấn đề này", bà Minh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp thống nhất quan điểm giáo viên hưởng thang bậc lương cao nhất, vì điều này là hoàn toàn phù hợp và nghề giáo là nghề cao quý.
Tuy nhiên, theo ông Long, hiện vẫn còn một số băn khoăn. Cụ thể, hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị đề án cải cách tiền lương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Khi rà soát lại thấy rằng các quy định lương và phụ cấp quy định tại khá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, từ luật, nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng.
"Theo nguyên lý nhất quán là các vấn đề về chế độ chính sách không quy định trong pháp luật chuyên ngành. Việc quy định tiền lương giáo viên trong Luật Giáo dục có phần ảnh hưởng nguyên tắc này", ông Long cho hay, nhưng đồng thời thừa nhận việc đợi văn bản quy định chung về chính sách cho tất cả các đối tượng, trong đó có nhà giáo thì sợ sẽ chậm.