Phẩm màu, chất bảo quản giúp thực phẩm trông tươi ngon và bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên, không ít người vì chạy theo lợi nhuận đã sử dụng những hóa chất này một cách vô tội vạ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thông thường, những thức ăn có chứa phẩm màu và chất bảo quản trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây độc hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự lạm dụng các chất ngoài danh mục cho phép, không nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.
Sử dụng hóa chất trên thực phẩm
Phẩm màu
Mặc dù không có giá trị về dinh dưỡng nhưng lại hết sức quan trọng để tạo nên màu sắc tươi tắn, tăng tính hấp dẫn cho thực phẩm. Phẩm màu được sử dụng phổ biến trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, hạt dưa hoặc các loại thực phẩm bày bán trên lề đường như: thịt quay, thịt nướng... Các màu tổng hợp được dùng để nhuộm đỏ như sudan hay rhodamine là một trong những hóa chất có nguy cơ gây ung thư.
Chất bảo quản
Chất bảo quản thường xuất hiện trên các sản phẩm không nhãn hiệu, bao bì hoặc xuất xứ không rõ ràng và rất khó nhận biết bằng mắt thường. Chất này dùng để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại quá trình thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh vật hay do các thay đổi không mong muốn trên thực phẩm. Nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng các chất bảo quản để kéo dài thời gian chờ phân phối sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, chúng trở nên nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật nhằm chăm sóc cho các loại rau, củ, quả được xanh, ngon, tươi, mỡ màng hơn bình thường hoặc trừ sâu và diệt cỏ. Dùng thực phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật có thể khiến bạn bị ngộ độc cấp tính như tức ngực, khó thở, chảy nước mũi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, rối loạn nhịp tim… Khi chất này tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ có nguy cơ gây ngộ độc mạn tính, phá hủy các cơ quan nội tạng và dẫn đến các chứng ung thư.
Ngoài ra, còn rất nhiều loại hóa chất được cho vào thực phẩm nhằm vào lợi ích kinh tế mà quên đi sự an toàn cho người sử dụng như chất tẩy trắng, hàn the, formol, urea…
Nhận biết và lựa chọn thực phẩm an toàn
Đối với thực phẩm tươi sống:
- Rau, củ, quả:
Nhận biết bằng mắt, bạn hãy quan sát phần gần cuống quả hay kẽ lá, là nơi tích tụ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất vì đó thường là phần lõm trên quả. Rau càng xanh tốt thì bạn càng nên cẩn thận khi chọn mua.
Để không bị ngộ độc do ăn phải rau quả có chứa thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản, bạn không nên mua hoặc sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường. Rửa rau quả ít nhất 3 lần trước khi dùng. Tốt nhất sau khi rửa bạn vẫn nên ngâm rau trong nước muối hoặc thuốc tím. Cần thiết rửa dưới vòi nước chảy để tẩy các thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại. Sử dụng nước muối hoặc thuốc tím cũng rất có lợi vì muối làm tăng quá trình hòa tan, khuếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước; còn thuốc tím làm oxy hóa các chất hữu cơ, tạo ra các chất khác ít độc hơn.
- Thịt, cá: Bằng cảm quan bạn có thể nhận biết được thịt đã cũ, ôi thiu và thịt mới. Thịt mới trông khô ráo, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm tự nhiên. Miếng thịt có độ rắn chắc, đàn hồi cao, không bị dính và nhớt khi chạm tay vào. Mỡ có màu sắc, hình dạng và mùi vị bình thường, trông láng và trong. Khi luộc, nước trong, tạo ra lớp mỡ với vết mỡ to trên bề mặt và mùi vị thơm ngon.
Thịt ôi thiu sẽ rất dễ nhận biết. Cụ thể, miếng thịt sẽ có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, dần ngã sang màu đen. Màng ngoài nhớt khi chạm tay vào, màu mỡ tối, thịt không còn giữ được độ rắn chắc. Khi cắt ra miếng thịt bị ướt. Khi bạn ấn tay vào phần thịt, vết lõm không trở lại bình thường ngay được. Nước canh khi nấu sẽ vẩn đục, mùi vị hôi và hầu như không còn vết mỡ.
Nhận biết cá bị nhiễm độc qua mùi vị, mắt, mang và mình cá. Thường cá nhiễm độc mắt mờ và đục, không nhấp nháy ánh sáng, lồi ra ngoài; mang có màu đỏ sẫm; xương sống cong hay bị dị dạng, phần đuôi thường chuyển sang màu xanh và mùi tanh cá không bình thường, pha lẫn những mùi khác lạ như mùi dầu khí, than đá hoặc phảng phất cả mùi thơm.
Đối với thực phẩm đã chế biến:
Bạn cần tập thói quen mua các thực phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, ghi rõ ngày sản xuất và hạn dùng. Bên cạnh đó, không nên chọn những thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, lòe loẹt vì có nhiều khả năng bị tẩm hóa chất.
Đối với thực phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, có đầy đủ thông tin như nhãn của sản phẩm sản xuất trong nước, đó là quy định bắt buộc của Nhà nước.Trường hợp không rõ sản phẩm có dùng phụ gia hay không, hay sản phẩm không rõ nguồn gốc, bạn có thể liên hệ với Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế Dự phòng (tại địa phương nơi mình đang cư trú) để được thông tin hoặc tư vấn cụ thể.