Áp lực của vai diễn “hoàn hảo”

Thứ tư, 22/02/2012, 10:28
Chưa khi nào hai từ “hoàn hảo” được dùng phổ biến như hiện nay. Đâu chỉ trong các cuộc thi tài năng, nghệ thuật, mà ngay cả trong chuyện gia đình, người ta cũng đang đưa ra những tiêu chí để bắt kịp nhau, để trở thành một cặp đôi hoàn hảo trong mắt mọi người.



 
 

Người tám lạng, kẻ gồng cho được nửa cân

 

Trong buổi làm chạp họ, Hạnh Giang (*) đang ngồi nhặt rau phía ngoài hè, vô tình nghe mấy bà chị họ bên chồng rù rì với nhau: “Cậu Trường nhà mình học giỏi từ nhỏ, đã lấy bằng tiến sĩ, đi Tây, đi Mỹ, biết nhiều thứ vậy mà không hiểu sao lại gặp mợ Giang chẳng giỏi giang là bao”. Tiếng ai đó phản ứng, “ăn thua là ở tính nết, phụ nữ học chi cho lắm, ở nhà nuôi con, thờ phụng cha mẹ chồng là được lắm rồi”. Một giọng the thé đáp lại: “Cũng phải có chút học thức chứ. Như cô ấy, chỉ mới xong cao đẳng, trong khi họ nhà mình ai cũng đỗ đạt cao”.

 

Hạnh Giang bê rổ rau đi rửa mà lòng chùng xuống như dây đàn bị đứt. Học xong cao đẳng thì Giang lập gia đình. Cô cũng tính liên thông lên đại học nhưng lại mang bầu, sinh con, rồi Trường - chồng cô đi nghiên cứu sinh nước ngoài, nên cô phải gác sự nghiệp qua một bên, xin một chân kế toán nho nhỏ, dành thời gian thay chồng lo cho hai con.


Khi Trường về nước, trở thành giám đốc một tập đoàn đa quốc gia, Giang cũng đi theo chồng tới dự những bữa tiệc sang trọng, nhưng luôn ngại ngùng khi đối mặt với các đồng nghiệp của chồng là những người tài năng, hoàn hảo ngay cả bên ngoài. Ngay cả ở dòng họ bên chồng, người có học thức thấp nhất cũng là thạc sĩ. Mỗi lần giỗ chạp, cô chỉ mon men dọn dẹp dưới bếp, ngại ngồi cùng bàn với mọi người. Riết rồi cô mang trong lòng nỗi mặc cảm “đũa lệch” khi chồng mình ngày càng nổi tiếng, thành đạt, còn cô chỉ dừng lại ở góc bếp gia đình.

 

Không như Hạnh Giang, Hà Mai quyết tâm thay đổi mình để xứng với người chồng là giám đốc vùng ở châu Á của một tập đoàn Mỹ. Tan sở, cô chạy đến các lớp học ngoại ngữ đến 9, 10 giờ đêm mới về nhà. Cô còn dành trọn hai ngày cuối tuần, bỏ ra vài ngàn đô cho những khoá học đánh golf, chơi tennis, khiêu vũ. Cứ rảnh rỗi Mai lại lang thang các cửa hàng đồ hiệu, lùng cho mình những món đồ đắt tiền, rồi học cách trang điểm, chăm sóc sắc đẹp, đặt chuyên gia tạo mẫu tóc, thiết kế trang phục cho cô.


Bữa tiệc cuối năm, nhân viên trong công ty ai cũng trầm trồ khen ngợi phu nhân của sếp sang trọng, ăn mặc đúng phong cách quý bà. Sau bản khiêu vũ sành điệu, toàn thể nhân viên vỗ tay rầm rộ, khâm phục vợ chồng sếp trai tài - gái sắc. Sau bữa đại tiệc, Mai được một tờ báo xin phỏng vấn, rồi đưa lên hình lên trang bìa như một quý bà thành đạt. Đầy tự hào, Mai khoe với chồng, nhưng ông xã cô bình thản nói: “Những gì em đã khẳng định vừa qua, anh không phản đối, nhưng anh chỉ thích em nấu ăn ngon, chăm con khoẻ, đơn giản vậy thôi. Anh không đòi hỏi em phải cố gắng hoàn mỹ ở mọi phương diện”.

 

Chúng ta phát triển như thế nào cũng đừng để mất cái tôi thuần khiết trong con người mình. Đừng đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn để hướng tới, để rồi tự mình cảm thấy bị áp lực với tiêu chuẩn đó.

 

Chúng ta phát triển như thế nào cũng đừng để mất cái tôi thuần khiết trong con người mình. Đừng đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn để hướng tới, để rồi tự mình cảm thấy bị áp lực với tiêu chuẩn đó.

Bên trong vỏ bọc hoàn hảo

 

Đương nhiên chỉ có người gàn mới phản đối một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Nhưng, mọi chuyện sẽ như thế nào nếu sự hoàn hảo chỉ là cái vỏ bên ngoài, như trường hợp của cặp vợ chồng Thuý Bạch - Thanh Vinh. Cứ mỗi lần lớp cũ họp mặt, bạn bè ai ai cũng ngưỡng mộ cho sự chăm sóc nhau của hai người. Thuý Bạch là trưởng phòng truyền thông của một công ty lớn. Thanh Vinh là trưởng khoa của một bệnh viện nổi tiếng. Cuộc sống của họ đúng tiêu chuẩn nhà ba tấm, xe bốn bánh, hai con (một trai, một gái). Ấy vậy mà ba năm sau họ đã đưa đơn ra toà ly dị.

 

Anh Vinh giải thích với luật sư: “Ba năm qua, tôi như là một diễn viên thứ thiệt, không còn là mình. Tới bữa ăn phải kéo ghế cho vợ ngồi, lấy thức ăn cho vợ, rót nước cho nàng, đun nước cho vợ tắm. Ra đường, dù kẹt xe, chen chúc vẫn phải nắm chặt tay vợ. Cuối tuần, bận rộn thế nào cũng phải ghé tiệm hoa mua về tặng vợ. Sinh nhật nàng bắt buộc không thể thiếu hoa và những ngọn nến tạo hình trái tim.


Trước khi ngủ phải hôn vợ, sáng thức dậy cũng phải hôn. Và tất tật những điều đó cô ấy cũng lặp lại với tôi. Tôi đã cảm giác những thứ đó nhạt nhẽo, vô hồn. Tôi hành động theo vô thức chứ không theo trái tim, dù tôi thật lòng yêu cô ấy. Cũng có thể vì dư luận từ bạn bè, đồng nghiệp nên chúng tôi luôn giữ cái đẹp trong mắt mọi người. Nhưng, chuyện gì đến rồi cũng đến. Khi đã không còn hoàn hảo trong mắt nhau, tốt hơn, chúng tôi nên chọn hướng đi cho mỗi người”.

 

Hạnh phúc không có tiêu chuẩn

 

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, trung tâm tư vấn Tình yêu hôn nhân gia đình TPHCM, nhận định: “Ai cũng yêu và khát khao mình hoàn hảo trong mắt người khác. Ai cũng muốn cuộc sống vợ chồng của họ như trên phim ảnh. Nếu điều này bắt nguồn từ một sự tự nhiên, một hành động từ trái tim thì quá lý tưởng. Nhưng, một khi hai vợ chồng thực hiện những hành vi ấy chỉ vì trách nhiệm, vì buộc phải làm thì e rằng hai từ hạnh phúc cũng buộc vì thế mà sinh ra.

Tất nhiên trong cuộc sống gia đình, nếu một trong hai người thành công, tài giỏi, thì người còn lại phải tự hoàn thiện sao cho được cân bằng, xứng lứa vừa đôi. Nhưng bạn nên nhớ, chúng ta phát triển như thế nào cũng đừng để mất cái tôi thuần khiết trong con người mình. Đừng đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn để hướng tới, để rồi tự mình cảm thấy bị áp lực với tiêu chuẩn đó. Hãy sống với nhau trong một tinh thần hoà thuận, hướng tới nhau, chứ đừng vì những tiêu chuẩn mà dư luận ngấm ngầm đặt ra cho bạn”.

 

Theo SGTT


Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn