|
Trong quá trình nghiên cứu cách não phát triển trong giai đoạn đầu đời của trẻ, các chuyên gia của Đại học North Carolina (Mỹ) phát hiện các vùng chất trắng đảm trách nhiệm vụ liên kết các khu vực khác nhau của não đã không hình thành sớm ở trẻ sau này bị chứng tự kỷ so với trẻ phát triển bình thường. Sự thay đổi này trầm trọng hơn ở trẻ sau này phát bệnh tự kỷ, theo chuyên gia Jason Wolff đang nghiên cứu về những bất thường trong quá trình phát triển. Ngược lại, ở não của trẻ bình thường, các vùng chất trắng hình thành một cách nhanh chóng. Theo đó, bộ não tự tổ chức với tốc độ khá nhanh.
Kết quả nghiên cứu đăng trên chuyên san American Journal of Psychiatry cho thấy trong năm đầu đời của trẻ, có khả năng can thiệp hoặc thậm chí phá vỡ tiến trình phát triển của chứng tự kỷ trước khi nó mọc rễ bên trong não. “Rất có khả năng cải thiện hậu quả cho những trẻ không may”, theo chuyên gia Wolff. Ông khẳng định năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của não bộ, và cũng là lúc các triệu chứng đầu tiên của chứng tự kỷ bắt đầu xuất hiện. Trong cuộc nghiên cứu, các chuyên gia theo dõi sự phát triển não của 92 trẻ sơ sinh khi chúng mới được 6 tháng, và khi 1 - 2 tuổi. Tất cả đối tượng đều có anh chị bị tự kỷ và kết quả cho thấy chúng đối mặt với nguy cơ bị chứng rối loạn này cao hơn.
Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp quét não tân tiến gọi là DTI, một dạng quét MRI nhưng cho phép theo dõi những sự thay đổi trong tổ chức não của đối tượng theo thời gian. Khi đối tượng được 2 tuổi, có đến 28 trẻ bị tự kỷ trong khi 64 em may mắn thoát khỏi số phận giống như anh chị. Từ đó nhóm của ông Wolff xác định được những dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn nguy hiểm trên. Các nghiên cứu trước đó xác định được những sự khác biệt về thể tích não ở trẻ 2 tuổi, và những nhà nghiên cứu khác cũng đã theo dõi các vùng chất trắng ở trẻ lớn hơn đã phát chứng tự kỷ, nhưng chưa có nhóm nào kiểm tra cấu trúc trên ở trẻ mới 6 tháng tuổi như đội của chuyên gia Wolff. Thực tế có quá nhiều vùng chất trắng bị ảnh hưởng cho thấy tự kỷ là hiện tượng của toàn bộ não chứ không ảnh hưởng riêng lẻ một hay hai khu vực nào.
Về câu hỏi điều gì đã gây nên tình trạng khác biệt trong phát triển não, chuyên gia Wolff cho rằng còn quá sớm để có thể xác định được. Tuy nhiên, nhiều cuộc nghiên cứu đã đưa ra cùng một kết luận về sự tương tác phức tạp giữa các gien, cũng như cảm nhận và kinh nghiệm của đứa trẻ đối với thế giới. Và trong khi việc quét não đã giúp phơi bày sự khác nhau giữa trẻ sẽ bị tự kỷ và trẻ khỏe mạnh, chuyên gia Wolff cho biết nhóm của ông không đề nghị sử dụng biện pháp này trong việc chẩn đoán rối loạn ở trẻ mới 6 tháng tuổi. Thay vào đó, phát hiện trên cho phép giới chuyên gia hiểu rõ hơn về sự phát triển của chứng tự kỷ. Theo ông Wolff, trẻ con không đột ngột rơi vào tình trạng tự kỷ mà nó có hẳn một quá trình giống như ủ bệnh trước khi đối tượng thực sự rơi vào vòng xoáy không lối thoát của chứng rối loạn này.
Theo thanhnien.vn