40 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình tới bóng ma chiến tranh thương mại

Thứ ba, 18/12/2018, 11:28
40 năm từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách, tương lai của phép màu kinh tế Trung Quốc trở nên bấp bênh trước thách thức lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Khi Victor Gao lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc vào những năm 1970, ôtô và xe tải hiếm tới nỗi anh cùng những đứa trẻ khác sẽ đuổi theo chúng trên những con đường đất, vui mừng khôn xiết trước cảnh tượng kỳ lạ này.

Ngày nay, Trung Quốc là nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới với công suất gấp đôi Mỹ.

“Tôi chưa từng nghĩ tới ngày một gia đình Trung Quốc bình thường có thể sở hữu một chiếc ôtô. Tôi cũng chưa từng trông đợi Trung Quốc sẽ là quốc gia sản xuất ôtô lớn. Ngay cả trong mơ, tôi cũng chưa từng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều ôtô hơn Mỹ”, Gao nói với CNN.

Ngày 18/12 đánh dấu 4 thập kỷ kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu quá trình “Cải cách và Mở cửa”, biến Trung Quốc từ quốc gia nghèo đói thành siêu cường kinh tế.

Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc năm 1982 so với ngày nay. Ảnh: CNN.

Thời huy hoàng của “Cải cách - Mở cửa”

Tháng 12/1978, khi Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu được coi là khởi đầu của kỷ nguyên cải cách trước các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, GDP của Trung Quốc chỉ dưới 150 tỷ USD. 40 năm sau, con số này đã tăng lên 12 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ.

Tác động của “Cải cách - Mở cửa” sâu rộng tới mức người ta có thể dễ dàng quên mất rằng Trung Quốc đã tiến xa thế nào trong chưa đầy nửa thế kỷ qua.

Năm 1978, Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực do hàng chục năm sai lầm trong quản lý kinh tế và chính trị. Hàng trăm triệu công nhân chủ yếu ở nông thôn bị suy dinh dưỡng mãn tính. Nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ.

Ngày nay, Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu. Chỉ trong 20 năm qua, sự giàu có của người dân đã tăng gấp 4 lần. Trung Quốc hiện có 600 tỷ phú, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Trong lịch sử, sự vươn lên thần tốc của Trung Quốc có công lớn của Đặng Tiểu Bình, người được coi là nhà cải cách táo bạo sau khi lên nắm quyền thay Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (ngoài cùng bên trái) gặp Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán New York John Phelan (ngoài cùng bên phải) vào năm 1986. Ảnh: Xinhua.

Ông Đặng đã góp phần tạo nên cách tiếp cận độc đáo, thử nghiệm nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế và một số quyền tự do cá nhân. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Không quan trọng mèo đen hay mèo trắng, miễn là nó bắt được chuột”.

Từng chút một, đất nước bắt đầu thay đổi. Nông dân có thể bán sản phẩm dư thừa và kiếm lời. Các doanh nhân thành lập doanh nghiệp của riêng họ. "Đặc khu kinh tế" cho phép thương mại tự do được thành lập tại các khu vực riêng.

Trong hai thập kỷ qua, nền kinh tế phát triển đã mang lại cho giới lãnh đạo Trung Quốc nền tảng lớn hơn bao giờ hết.

Kể từ khi Trung Quốc lần đầu tìm cách gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008, Bắc Kinh chưa lần nào cần nhờ cậy Washington hay ông lớn nào khác.

Khủng hoảng lớn nhất của Tập Cận Bình

Trung Quốc giờ không còn là nước nghèo. Quốc gia này đã thay đổi đến mức không thể nhận ra trong vài thập kỷ qua.

Năm 2018, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong chờ được ăn mừng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại bất ngờ và khốc liệt, buộc Bắc Kinh phải xem xét lại các kế hoạch kinh tế của mình.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc. Ngược lại phương hướng tăng cường kiểm soát của Tập Cận Bình, Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải mở rộng cửa hơn và giảm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính.

“Ông Tập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt sự nghiệp của mình và vào lúc này, ông ấy không có nhiều lá bài như người Mỹ”, Willy Lam, giáo sư tại Đại học Hong Kong và nhà phân tích Trung Quốc lâu năm, nói với CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 1/12 ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AP.

Cuộc chiến thương mại không chỉ làm lu mờ lễ kỷ niệm “Cải cách - Mở cửa”, làm đình trệ các kế hoạch kinh tế của ông Tập, mà còn làm nổi bật lỗ hổng chính trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Tập Cận Bình coi Trung Quốc như đại dương mà không bão táp nào có thể suy suyển nhưng cơn bão mà nó đang đối mặt chính là sự chấn động lớn nhất tới nay”, Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Enodo econom, London, nói với New York Times.

Năm nay, ông Tập Cận Bình đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ và có thể trở thành chủ tịch trọn đời nếu muốn. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra, công chúng có thể sẽ đổ trách nhiệm cho cá nhân ông Tập về một cuộc suy thoái kéo dài.

Gần đây, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, một hành động trả đũa rõ ràng cho việc Canada bắt giữ lãnh đạo Huawei, công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc, theo yêu cầu của Washington.

Mặc dù vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn giữ giọng điệu hòa nhã với chính quyền Trump về vụ bắt giữ cũng như các cáo buộc tấn công tin học do lo ngại việc leo thang chiến tranh thương mại sẽ làm tổn thương nghiêm trọng kinh tế quốc gia.

Tổng thống Trump đã cảm nhận được lợi thế. “Trung Quốc vừa tuyên bố rằng nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự đoán vì Chiến tranh thương mại với chúng ta”, ông viết trên Twitter hôm 14/12. (Thực tế sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi Mỹ áp đặt thuế quan)

Nỗ lực duy trì thành quả kinh tế

Vừa qua, Trung Quốc đã bơm thêm tiền để cứu trợ nền kinh tế. Cơ quan quản lý cũng đã ra lệnh cho các ngân hàng cho các doanh nghiệp tư nhân vay nhiều hơn.

Các bộ trưởng hứa sẽ bồi thường cho các doanh nghiệp không sa thải công nhân. Việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường cũng được nới lỏng để các nhà máy gây ô nhiễm có thể tiếp tục mở cửa.

Một số nhà kinh tế tin rằng mức tăng trưởng sẽ cải thiện vào giữa năm tới. Tuy nhiên, theo New York Times, Trung Quốc khó có thể vắt kiệt nền kinh tế giống như trước đây.

Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được trưng bày nổi bật trong triển lãm Cải cách và Mở cửa ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN.

Trên giấy tờ, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ ổn. Dữ liệu chính thức cho thấy mức tăng trưởng 6,5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên dưới bề mặt, sự giảm tốc đang dần bắt đầu. Doanh số ôtô trong 3 tháng gần đây giảm kỷ lục. Thị trường nhà đất cũng có dấu hiệu ảm đạm khi số lượng mặt bằng sử dụng sụt giảm.

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong năm tới, đặc biệt ở các khu vực ven biển phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Nhiều chuỗi cung ứng đến Mỹ đã lấp đầy hàng tồn kho nhờ dự trữ, vì vậy các nhà nhập khẩu Mỹ có thể cần ít hàng hóa hơn trong những tháng tới.

Thành quả của những cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình sẽ không thể sớm phai mờ. Trung Quốc đã thay đổi mãi mãi và bất kể kết quả cuộc chiến thương mại với Mỹ ra sao, người Trung Quốc vẫn có thể trông đợi cuộc sống sung túc hơn, lâu dài hơn.

Tuy nhiên, theo Frank Ching, học giả của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, làn sóng chính trị hiện tại đang làm mờ đi những công sức của ông Đặng.

“Tôi ngờ rằng lễ kỷ niệm lần thứ 50, tức 10 năm sau, hay xa hơn nữa, sẽ rất nhạt nhòa”, Ching bình luận.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích