"Trong khi chờ quyết định rõ ràng từ Thổ Nhĩ Kỳ về việc từ bỏ thương vụ mua S-400 Nga, việc bàn giao những thiết bị phụ tùng tiêm kích F-35 cho Ankara cùng hoạt động liên quan đã bị dừng", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Andrews cho biết hôm 1/4. Đây là bước đi cụ thể đầu tiên của Mỹ nhằm phong tỏa việc chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Moskva.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers sau đó cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị gạt khỏi dự án F-35 nếu tiếp tục theo đuổi hợp đồng S-400, đồng thời cho biết Washington đang tìm kiếm nguồn cung mới cho những linh kiện do Ankara sản xuất cho tiêm kích tàng hình này. Quốc hội Mỹ cũng đang nghiên cứu những dự luật cứng rắn, sẵn sàng cấm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình F-35 trong dài hạn.
"Tuy nhiên, hành động này có thể trở thành con dao hai lưỡi, khi khiến Mỹ mất một trong những khách hàng và đối tác sản xuất lớn nhất trong dự án F-35, ảnh hưởng tới dây chuyền chế tạo, trong khi lại mở ra cơ hội xuất khẩu lượng lớn chiến đấu cơ tàng hình Su-57 cho Nga", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cảnh báo.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu năm nhưng nhiều lần xảy ra căng thẳng do hàng loạt vấn đề, trong đó có quan điểm về lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Hợp đồng S-400 dường như chỉ là giọt nước tràn ly, thể hiện quan điểm độc lập của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước ảnh hưởng của Mỹ, nhất là từ sau cuộc đảo chính hụt nhắm vào ông này giữa năm 2016.
"Việc Washington gạt Ankara khỏi dự án F-35 là tin tức không thể tuyệt vời hơn với Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho tiêm kích Su-57, nước này cũng tích cực tìm kiếm khách hàng sau khi Ấn Độ rút khỏi chương trình PAK-FA", Rogoway nói.
Tiêm kích F-35A Thổ Nhĩ Kỳ bay thử tại Mỹ năm 2018. Ảnh: Lockheed Martin. |
Dự án PAK-FA chế tạo tiêm kích tàng hình Su-57 được Nga đầu tư nhiều tiền của trong vài năm qua, với tham vọng cạnh tranh với mẫu F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn về ngân sách quốc phòng khiến quân đội Nga không thể đặt mua số lượng lớn Su-57 vốn có giá thành tới 50 triệu USD/chiếc. Bộ Quốc phòng Nga mới chỉ đặt hàng số lượng hạn chế Su-57 để thử nghiệm, dự án PAK-FA cũng có nguy cơ đình trệ nếu Moskva không tìm được khách hàng xuất khẩu.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đặt mua nhiều tiêm kích F-35 nhất với số lượng dự kiến lên tới hơn 100 chiếc. Nếu Nga giành được đơn hàng lớn như vậy cho tiêm kích Su-57, họ sẽ có nguồn vốn khổng lồ để hoàn tất dự án, giảm giá thành chế tạo và tự mua thêm nhiều máy bay hơn mức 24 chiếc dự kiến. Việc phát triển các vũ khí riêng cho Su-57 cũng được tăng tốc", Rogoway nói thêm.
Chính phủ Nga cũng có thể đưa ra nhiều đề xuất hấp dẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm chuyển giao công nghệ trực tiếp trong hàng loạt dự án quốc phòng. Đây là một điều khoản rất có lợi cho Ankara, trong bối cảnh nước này đang phát triển tiêm kích thế hệ 5 mang tên mã TF-X, dự kiến ra mắt sớm nhất vào đầu thập niên 2030.
"Tiêm kích Su-57 hoặc bộ đôi Su-57 và Su-35S có thể tích hợp trực tiếp với mạng lưới các hệ thống S-400, giúp đơn giản hóa hoạt động tác chiến cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Điều này sẽ biến Su-57 thành một đối thủ rất đáng gờm của F-22 và F-35, nhất là khi nó sở hữu nhiều tính năng độc đáo chỉ có trên tiêm kích Nga", Rogoway nhận xét.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành khách hàng đặt mua tiêm kích tàng hình Su-57 đầu tiên của Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này cũng khoét sâu thêm những bất đồng trong khối NATO.
Tiêm kích Su-57 Nga bay thử đầu năm 2019. (Ảnh: Russian Planes.) |
"Câu hỏi là liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tách rời liên minh này đến mức nào, nhất là khi nó từng giúp Ankara trở thành cường quốc quân sự hiện đại. Quan hệ Mỹ - Thổ cũng có nguy cơ xuống dốc", Rogoway cảnh báo. Mỹ đang triển khai nhiều vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cũng vận hành nhiều khí tài hiện đại do Mỹ sản xuất như máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail và tiêm kích hạng nhẹ F-16C/D Block 50.
Washington sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản Ankara không còn là đồng minh thân cận, khiến Mỹ không thể tùy ý sử dụng không phận và căn cứ không quân Incirlik làm điểm tập kết cho các chiến dịch quân sự trong khu vực. "Đây chỉ là khởi đầu cho hàng loạt vấn đề nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ đồng minh", Rogoway nói.
Theo VNE