Binh sĩ các nước tham gia hội thao quân sự Army Games tại Nga đã được trải nghiệm bộ trang phục chiến đấu bộ binh tương lai Ratnik-2. Khoảng 70 bộ trang phục Ratnik-2 đã được trưng bày tại Tyumen, Tây Siberia, hãng tin TASS cho biết.
“Binh sĩ các quốc gia tham gia tranh tài tại Army Games được cung cấp bộ thiết bị chiến đấu Ratnik-2 để hoàn thành các bài thi. Đây là lần đầu tiên, các binh sĩ nước ngoài được sử dụng bộ trang phục Ratnik-2”, Đại úy Sergei Tikhonenko, trưởng bộ phận vũ khí, tên lửa và pháo binh Trường Chỉ huy kỹ thuật quân sự cao cấp Tyumen nói.
Tuy nhiên, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam lại không thể mặc vừa bộ trang phục Ratnik. Nó quá rộng so với kích cỡ người Việt Nam.
Bộ trang phục Ratnik này đã được các kỹ sư Nga thiết kế lại để phù hợp với chiến sĩ Việt Nam. (Ảnh: TASS). |
“Các đại diện Việt Nam hơi buồn vì trang phục quá lớn so với họ. Chúng tôi đã làm việc cẩn thận hơn để điều chỉnh Ratnik-2 cho đại diện Việt Nam và tất cả đều hài lòng. Bộ trang phục phù hợp với mọi binh sĩ sẽ đảm bảo tính công bằng và không gây cản trở cho các đội trong quá trình tranh tài tại Army Games”, đại úy Tikhonenko nói.
Đây là lần đầu tiên chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được trải nghiệm bộ quân phục chiến đấu tối tân của Nga.
Ratnik là hệ thống chiến đấu bộ binh tương lai được thiết kế cho các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Nga. Hệ thống gồm quân phục chiến đấu thế hệ mới được bọc giáp hiện đại với khả năng chống chịu cao với vũ khí cá nhân, thiết bị nhìn đêm, đèn pin, hệ thống liên lạc và tai nghe đặc biệt.
Bộ trang phục Ratnik bảo vệ 90% cơ thể binh sĩ. Nó được chế tạo từ loại vải đặc biệt có thể chống chịu với lửa. Thành phần quan trọng nhất trong chương trình Ratnik là súng trường tiến công AK-12. Các kỹ sư đã tối ưu hóa súng trường này để phù hợp với các hoạt động chiến đấu công nghệ cao ở hiện tại và tương lai gần.
Hệ thống chiến đấu Ratnik đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm trong một số đơn vị tinh nhuệ của quân đội Nga. Moscow cũng đang lên kế hoạch xuất khẩu bộ trang phục này cho các nước trên thế giới.
Theo Zing