Tuyên bố này được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đưa ra hôm 14/8. Trước đó, ông Locsin lưu ý rằng Manila không cấm các nước thực hiện các hoạt động khảo sát theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng cần nhận được sự cho phép của chính phủ nếu hoạt động trong vùng lãnh hải của Philippines.
Ông Locsin nhấn mạnh với vai trò người giám sát, các nhà khoa học Philippines sẽ không thể lên các con tàu khảo sát của nước ngoài với tư cách là hành khách.
Tàu nghiên cứu Kasarinlan được các nhà khoa học Philippines sử dụng khi nghiên cứu ở Biển Đông. (Ảnh: The STAR) |
"Chúng tôi không thể lên tàu của họ với tư cách là hành khách. Các tàu nước ngoài phải chuyển giao quyền chỉ huy và kiểm soát cũng như tất cả các dữ liệu thu thập được cho người Philippines", ông cho hay.
Theo ông, nếu các tàu nước ngoài không tuân thủ, họ sẽ không được phép thực hiện bất cứ nghiên cứu nào.
Tuyên bố trên được người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra không lâu sau khi ông khẳng định đã thêm Trung Quốc vào danh sách các nước có tàu khảo sát bị cấm hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
"Tôi đã cấm các tàu khảo sát hàng hải, sửa đổi hạn chế đối với tàu Pháp và Nhật Bản bằng cách thêm Trung Quốc vào danh sách", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. viết trên Twitter hôm 12/8. Ông Locsin khẳng định việc tạo ra ngoại lệ một quốc gia sẽ khiến lệnh cấm trở nên không còn giá trị.
Tuần trước, chuyên gia Ryan Martinson, Giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đăng tải loạt hình ảnh cho thấy 2 tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong EEZ của Philippines.
"Nếu họ chỉ có ý định nghiên cứu cá hay đại dương thì đó không phải là vấn đề an ninh. Nhưng nếu tàu của họ đang làm những việc khác như do thám vị trí của chúng tôi thì đó lại là chuyện khác", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh, nói thêm rằng không chỉ tàu khảo sát mà cả tàu chiến của Bắc Kinh cũng đi qua lãnh hải Philippines.
Ngoại trưởng Locsin mới đây cũng trao công hàm phản đối về sự hiện diện của 2 tàu khảo sát Trung Quốc. Đây là lần trao công hàm phản đối thứ 3 gửi tới Bắc Kinh của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines từ hồi tháng 6 liên quan tới hoạt động của các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Philippines.
Theo VTC