|
Tàu khảo sát Dong Fang 3 của Trung Quốc. (Ảnh: Global Security). |
Salvador Panelo, người phát ngôn phủ Tổng thống Philippines, cho rằng khi Philippines chưa sở hữu vệ tinh, nước này có thể tận dụng hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ để giám sát các tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. "Việc đó không có gì sai trái", Panelo nói.
Theo ông, hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ ký năm 1951 cho phép hai nước cùng thiết lập các năng lực an ninh để chống lại các cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng nhắc đến ý tưởng nhờ Mỹ trợ giúp khi bày tỏ quan ngại về vụ tàu chiến Trung Quốc nhiều lần âm thầm đi qua eo biển Sibutu thuộc lãnh hải Philippines mà không thông báo cho chính quyền Manila. Các tàu chiến Trung Quốc được cho là tắt hệ thống nhận dạng tự động để tránh bị Manila phát hiện.
"Radar của chúng tôi không thể phát hiện tàu Trung Quốc trên Biển Đông ở khoảng cách xa, nhưng nước có vệ tinh như Mỹ có thể giám sát hiệu quả", Lorenzana nhấn mạnh.
Mỹ chưa bình luận về tuyên bố này của Philippines, tuy nhiên Washington đang nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng với đồng minh Manila trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động ngày càng quyết liệt trên Biển Đông. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tuần trước đi qua Biển Đông và ghé thăm cảng Manila của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 9/8 tuyên bố sẽ trao công hàm phản đối ngoại giao việc hai tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong EEZ của nước này. Dữ liệu theo dõi hàng hải do chuyên gia Ryan Martinson, giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, công bố hôm 7/8 cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong EEZ của Philippines, cách bờ biển phía Đông nước này khoảng 80 hải lý.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến thăm Trung Quốc cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Duterte khẳng định lý do ông lên kế hoạch đến Bắc Kinh vì Trung Quốc "đang trì hoãn bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và đó là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố".
Duterte cho hay trong chuyến thăm ông sẽ bàn về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như gây sức ép để Bắc Kinh không tiếp tục trì hoãn COC.
Quan hệ Philippines - Trung Quốc được tăng cường đáng kể dưới thời Duterte, nhưng ông vấp phải không ít phản ứng từ các quan chức và dư luận do cách hành xử bị coi là "mềm mỏng" trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo VNE