Virus nCoV khó tự lây truyền qua không khí

Thứ bảy, 01/02/2020, 09:16
nCoV lây lan qua các giọt dịch thể của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, đặc biệt nguy hiểm trong khoảng cách dưới 2 mét nhưng khó tự lây lan qua không khí.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết nguy cơ lây nhiễm tăng cao khi tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 2 mét trở xuống. Người nào vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với các giọt bắn bám trên các bề mặt, quần áo, tay, chân sẽ bị nhiễm.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy nCoV ủ bệnh trong khoảng 5 ngày, thời gian có thể rộng hơn từ hai đến 14 ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vào khu vực cách ly bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Khả năng lây lan trong thời gian ủ bệnh của nCoV và virus nói chung thấp, do virus chưa bị cơ thể đào thải thông qua các hoạt động ho, hắt hơi.

Về khả năng lây lan, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, virus nCoV sẽ lây nhanh và mạnh hơn so với chủng virus Corona gây bệnh SARS và MERS.

"Virus phải thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ nguồn bệnh mới có thể xâm nhập vào cơ thể người và không tự lây truyền qua đường không khí", bác sĩ Hà nói.

Vì vậy nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp và tránh hít phải các giọt bắn có nCoV. Thay khẩu trang thường xuyên và không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang.

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo nên che miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi để ngăn chặn virus phát tán ra môi trường xung quanh. Người dân cũng cần duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.

Theo Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế Lê Thanh Hải, nCoV tồn tại trong dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm cả thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh.

Khi người bệnh khạc nhổ hoặc hắt hơi sẽ làm dịch tiết phát tác trong không khí. Thông thường những hạt dịch tiết có kích thước trên 5micromet sẽ tự rơi xuống đất, những hạt dịch tiết trên 5 micronmet (rất ít) sẽ lơ lửng trong không khí.

Người bình thường vô tình hít phải hoặc bị hắt hơi, ho vào mặt, virut nCoV sẽ lọt vào mũi. Khi lọt vào hốc mũi thì 95% hạt dịch tiết chứa virut sẽ được niêm dịch trong hốc mũi bắt lại và được dẫn xuống họng sau đó được nuốt xuống dạ dày và bị dịch dạ dày tiêu diệt.

Trường hợp virut tấn công niêm mạc mũi sẽ gây triệu chứng nghẹt tắc mũi và chảy nước mũi rất nhiều. Vì vậy, việc tăng tiết dịch, hắt hơi là phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống nhanh nhất có thể tác nhân gây bệnh ra ngoài. Người có hắt hơi và ho cần che khăn giấy, ngăn virut phát tác để bảo vệ những người xung quanh.

Những người đi từ vùng dịch về nên tuân thủ việc khai báo y tế và cách ly trong 14 ngày do có thể đã mang mầm bệnh nhưng chưa khởi phát, dễ lây lan cho cộng đồng.

Nếu sau 14 ngày không phát bệnh, người đó có thể hoạt động bình thường.

Theo VNE

Các tin cũ hơn