Cách tiếp cận không thương tiếc của Singapore khi chống Covid-19

Thứ ba, 10/03/2020, 08:21
Singapore được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là ví dụ của việc phát hiện và kiềm chế dịch hiệu quả, dù không phải nước nào cũng có đặc thù tương tự để học theo cách làm này.

Singapore có 130 ca nhiễm trên tổng số 100.000 ca của thế giới tính đến ngày 6/3, và chưa có ca tử vong. Giới chức y tế Singapore có ra nhiều biện pháp chống dịch, với những lợi thế có sẵn như diện tích nhỏ, tiêu chuẩn y tế cao, và khả năng áp đặt các biện pháp khắt khe dễ vấp phải phản đối ở các nơi khác.

Công chúng ủng hộ biện pháp nặng tay

Chẳng hạn, cuối tháng trước, chính quyền hủy giấy tờ thường trú của một người đàn ông 45 tuổi vì đã chống đối lệnh cách ly tại nhà. Người này không trả lời điện thoại, và không ở nhà khi các nhân viên y tế tới kiểm tra.

Theo đó, vào ngày 20/2, khi vừa đến sân bay Changi, người này được gửi thông báo yêu cầu cách ly vì trước đó đã đến Trung Quốc. Tuy nhiên, ông ta không trả lời các cuộc gọi điện thoại và cũng không có mặt tại địa điểm cư trú khai báo khi nhân viên di trú đến kiểm tra tình trạng cách ly.

Ngày 23/2, dù bị cơ quan chức năng thông báo vi phạm lệnh cách ly, người đàn ông vẫn cố tình rời khỏi Singapore tại sân bay Changi. Cơ quan di trú sau đó đã từ chối cấp giấy phép tái nhập cảnh, đồng thời tước thẻ cư trú lâu dài của người này.

Cach tiep can khong thuong tiec cua Singapore khi chong Covid-19 hinh anh 1 106356238_1580103351885gettyimages_1196398955_AFP.jpeg

Hai du khách đeo khẩu trang tại Vịnh Marina ở Singapore. Ảnh: AFP.

Hai người Trung Quốc khác đang bị truy tố vì cung cấp thông tin sai về nơi lui tới, một trong số đó đã cho kết quả dương tính, còn người kia là người tiếp xúc gần.

Theo Straits Times, người chồng tên Hu Jun (38 tuổi) từ Vũ Hán đến Singapore vào ngày 22/2, được xác nhận nhiễm virus corona ngày 31/1. Ông được chữa khỏi bệnh và xuất viện vào ngày 19/2. Người vợ tên Shi Sha (36 tuổi) cũng là người Trung Quốc nhưng sống ở Singapore.

Theo Bộ Y tế Singapore, sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác nhận đôi vợ chồng đã khai báo không chính xác về lịch trình di chuyển, gây nguy cơ cho cộng đồng.

“Một số người nói như vậy hơi nặng tay”, Bộ trưởng Nội vụ K Shanmugam thừa nhận trên một bài đăng Facebook. Nhưng ông giải thích: “Trong giai đoạn này, chúng tôi cần tất cả hợp tác. Mọi người cần biết chúng ta sẽ không ngần ngại hành động mạnh tay”.

Công chúng dường như ủng hộ cách tiếp cận không thương tiếc này. “Những biện pháp được coi là nặng tay ở các nước khác lại có lý trong mắt người dân”, Eugene Tan, giáo sư luật tại Đại học Quản trị Singapore (SMU), nói với Nikkei Asian Review.

Ông nói người Singapore “đang tin tưởng cách chính phủ ứng phó với dịch bệnh”, dẫn đến sự hợp tác giữa công dân, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Điều tra nhanh chóng quá trình tiếp xúc

Đóng vai trò then chốt trong chiến lược chống virus của Singapore là việc điều tra quá trình tiếp xúc - truy vết hành trình của bệnh nhân để tìm thêm các ca bệnh khác, bằng việc phỏng vấn bệnh nhân, liên hệ với những người tiếp xúc, thu thập dữ liệu từ các hãng tàu xe, hàng không.

Singapore đã nhanh chóng cấm khách từ Trung Quốc từ ngày 1/2. Biện pháp mạnh tay này đã cho phép chính quyền tránh tình trạng trường học, doanh nghiệp phải đóng cửa, đồng thời mang lại những lời khen cho chính quyền.

“Singapore không để sót hòn đá nào, đã xét nghiệm mọi ca bệnh giống cúm và viêm phổi”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard đăng tải vào giữa tháng 2 ước tính rằng nếu mọi quốc gia có khả năng xét nghiệm như của Singapore, thế giới sẽ phát hiện ra 2,8 lần số ca nhiễm hiện nay.

Nhưng không phải nước nào cũng có lợi thế như Singapore. Singapore chỉ rộng 720km2 và có dân số dưới 6 triệu người. Kể từ khi độc lập năm 1965, chính quyền đã kiểm soát chặt chẽ và đưa nền kinh tế lọt vào hàng ngũ giàu nhất châu Á, theo Nikkei Asian Review.

Singapore đã học được kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003 khi nước này mất đi 33 mạng người. Ngoài ra, trong dịch Covid-19, chính quyền đã ưu tiên việc chia sẻ thông tin về nơi bệnh nhân tới lui, và ưu tiên việc đó hơn là quyền riêng tư.

Cách ứng phó với Covid-19 ở Singapore được dựa trên kiến thức khoa học, dữ liệu thực tế và nghiên cứu y tế. Điều đó tạo nên một phản ứng hợp lý và nhanh chóng”, ông Tan, giáo sư SMU cho biết. “Không chần chừ trước những biện pháp mạnh tay như cách ly, phân phối khẩu trang theo hạn mức, và thực thi các lệnh cách ly”.

Cach tiep can khong thuong tiec cua Singapore khi chong Covid-19 hinh anh 2 2020020112083216331_1_Reuters.jpg

Đóng vai trò then chốt trong chiến lược chống virus của Singapore là việc điều tra quá trình tiếp xúc. Ảnh: Reuters.

Chính phủ cũng lập tổ công tác để khuyến khích rửa tay sạch sẽ, đồng thời mua quảng cáo mỗi ngày trên trang nhất của Straits Times, đề nghị bạn đọc nếu có triệu chứng thì hãy đi khám và không đến trường hay đi làm, dù có triệu chứng nhẹ.

Họ cũng đề nghị người dân tôn trọng, biết ơn các y bác sĩ đang gánh phần lớn cuộc chiến chống dịch - những “anh hùng ở tiền tuyến”. Ngoài ra, các Bộ trưởng sẽ không nhận lương một tháng để ủng hộ chống dịch.

Tất nhiên, nỗ lực chống dịch gặp những khó khăn. Chẳng hạn, khi mức báo động tăng từ “vàng” lên “cam” (mức cao thứ nhì) vào ngày 7/2, người dân đổ xô đi mua mì gói và giấy vệ sinh.

Các quan chức cũng biết rõ cuộc chiến chống virus còn lâu mới kết thúc. Ngày 6/3, 13 ca nhiễm mới được ghi nhận - nhiều nhất trong một ngày. Nếu số ca tăng vọt, khả năng điều tra quá trình tiếp xúc các bệnh nhân sẽ bị quá tải.

Lawrence Wong, Bộ trưởng phụ trách về phát triển quốc gia, nói với các phóng viên ngày 3/3 rằng chính phủ đang tính thêm cách để ngăn chặn dịch.

“Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần sẽ có sự tăng vọt về số ca nhiễm ở Singapore, như đã xảy ra ở các nước”, ông phát biểu.

Theo Zing

Các tin cũ hơn