Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và người dân Việt Nam chung tay đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong thời gian qua đang thu hút sự chú ý của nhiều tờ báo và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, trong đó nhiều ý kiến nhận định dù không phải là quốc gia giàu có nhất ở Đông Nam Á, song Việt Nam đã trở thành "hình mẫu" chống dịch COVID-19 khi thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Báo The New York Times (Mỹ) đăng bài viết nêu rõ nhờ những nỗ lực "sáng suốt" chống virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm virus thấp hơn so với nhiều nước láng giềng.
Bài báo điểm những biện pháp kịp thời và hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng như hạn chế các chuyến bay nội địa, dừng tất cả các cuộc họp trong hai tuần và thực hiện cách ly khoảng 57.000 người để tránh virus lây lan rộng trong cộng đồng.
Tờ Deutsche Welle (Đức) phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến gay go này, lưu ý Việt Nam đã thực hiện một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, sử dụng lực lượng quân đội có kỷ luật, được người dân tin cậy và tôn trọng để tham gia chống dịch.
Chính phủ đã ví cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như "cuộc chiến chống giặc" và huy động người dân tham gia, trong khi chấp nhận tổn thất kinh tế không nhỏ.
Theo báo trên, "mọi người đang làm tất cả những gì có thể vì họ tin vào chính phủ trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống virus corona.”
Báo Rappler (Philippines) dẫn lại đánh giá của tờ báo uy tín Financial Times (Anh), cho rằng dù nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đã “trở thành hình mẫu về kiềm chế đại dịch" nhờ có ban lãnh đạo quyết đoán.
Trong khi đó, báo Evening Standard (Anh) chú trọng tìm hiểu điều kiện sinh hoạt của công dân Việt Nam và du khách nước ngoài tại các trung tâm cách ly.
Báo Komsomolskaya Pravda (Sự thật thanh niên, Nga) cũng phân tích những yếu tố giúp Việt Nam kiên cường trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Việt Nam đã bổ sung 190.000 tấn gạo vào kho dự trữ nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhân dân cả nước trong thời gian bùng phát đại dịch và tạm ngưng việc xuất khẩu gạo.
Tờ National Post (Canada) thông báo rằng Bộ Tài chính Việt Nam tuyên bố sẽ cung cấp gói 80.000 tỷ đồng (3,39 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.
Đài BBC dẫn đánh giá của các chuyên gia y tế, khẳng định Việt Nam đã nhận định “được và đúng đắn” về tính nguy cấp của đại dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia này, Việt Nam đã áp dụng chiến lược đúng đắn khi triển khai phương án cách ly kịp thời, ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, đồng thời Chính phủ Việt Nam đã xác định được những "thời điểm quan trọng" để quyết định cục diện sắp tới.
Trang mạng tờ The Diplomat đưa tin khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam hồi đầu tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó.
Hiện nay, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam tăng, chủ yếu do các du khách nước ngoài và người Việt Nam hồi hương, Việt Nam tiếp tục tăng cường nỗ lực nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này.
The Diplomat đã nhắc lại một số biện pháp mà Chính phủ Việt Nam triển khai, như ngừng cấp thị thực cho tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng, trung tâm giải trí cho đến cuối tháng Ba...
Đây là biện pháp tăng cường cho nhiều biện pháp khác cũng đã được triển khai.
Tờ báo nêu bật một thực tế là số trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam tương đối thấp hơn so với nhiều nước láng giềng trong khu vực, và đưa ra nhận định: "Tình hình hiện nay cho thấy mọi thứ ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát."
Theo The Diplomat, có nhiều lý do để lý giải về sự kiên cường của Việt Nam trong chống dịch COVID-19, và một trong số đó chính là vai trò của các nhà lãnh đạo.
Đơn cử như việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định ngừng tất cả các sự kiện, hoạt động và các cuộc tụ tập có trên 20 người ở Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh đây được coi là động thái dứt khoát và mạnh mẽ, khi Việt Nam có ít thời gian để hành động và SARS-CoV-2 sẽ lây lan nhanh hơn nếu không thực thi những biện pháp kịp thời và quyết liệt.
Bài viết còn đề cập tới tấm gương của các cá nhân ở Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.
Theo bài viết: "Có thể thấy nhiều sự hy sinh của các cá nhân ở Việt Nam đã được ghi nhận và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Ví dụ, những chiến sỹ quân đội Việt Nam nhường chỗ ngủ cho những người đến cách ly tại cơ sở cách ly do quân đội quản lý - hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên truyền thông xã hội".
Theo TTXVN