"Thời chiến" của kinh tế Việt Nam

Thứ hai, 30/03/2020, 11:41
Vào buổi chiều chủ nhật ngày 22/3, khi cả nước đang trong ngày nghỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức kêu gọi toàn quân, toàn dân bước vào "thời chiến" khi phải đối mặt với kẻ địch hoàn toàn khác: Dịch bệnh do Covid-19 gây ra.

Dịch bệnh gây ra nhiều vấn đề về cả sức khỏe, an toàn, tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội. Có thể nói, kể từ khi Đổi mới, mở cửa nền kinh tế, chưa khi nào kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn như hiện tại. Nhiều lĩnh vực kinh tế từ nhỏ đến lớn chịu ảnh hưởng xấu, dẫn đến những nguy cơ bất ổn về an sinh, xã hội.

Giữa bối cảnh đó, Chính phủ cũng xác định vực dậy nền kinh tế là một trong những nghiệm vụ quan trọng hàng đầu, song song với chống dịch. Quyết tâm này đang được thể hiện bằng một loạt giải pháp nhanh chóng, và cả cách làm đột phá mang tính “thời chiến”.

“Câu hỏi đặt ra là làm sao Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các doanh nghiệp, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm đã gần như cả đời gắn bó với ngành thống kê và hiện giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Theo kinh nghiệm của ông, quý I hàng năm tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn các quý khác bởi trùng vào dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Tuy vậy, trong 6 năm là người đứng đầu Tổng cục Thống kê, chưa khi nào ông Lâm chứng kiến tăng trưởng quý I xuống thấp như năm nay.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới thông báo, tăng trưởng kinh tế quý I đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất 10 năm qua. Đây là mức tăng cao hơn một chút so với quý I/2009 khi đó đạt 3,14%. Lúc đó, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ.

‘Thoi chien’ cua kinh te Viet Nam hinh anh 1 bieu_do_GDP.jpg

Năm nay, dịch Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0. Bloomberg thì nhận định nhiều nước sẽ tăng trưởng âm. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng đang có một cuộc suy thoái kinh tế mới, thậm chí lớn hơn cuộc suy thoái 2007-2008 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có thể tăng trưởng âm.

‘Thoi chien’ cua kinh te Viet Nam hinh anh 2 QUOTE1_TRAI_PHAI.jpg

Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế là 200% GDP, được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới cũng đang gặp những khó khăn lớn. Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế càng “mở” nghĩa là càng dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.

Năm 2009, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là 120% GDP (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) thì đến năm 2020, độ mở là 200% GDP.

Quý I, nhiều người cho rằng kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” vì dịch Covid-19, suy giảm ở cả 2 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Ngành nông nghiệp và dịch vụ được cho là ảnh hưởng trực diện nhất khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Khi đó, một loạt mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản ứ đọng, không thể xuất khẩu. Thống kê tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp trong quý này chỉ là 0,08%, nghĩa là gần như đứng yên.

Dịch lan ra các nước Đông Bắc Á khác, khiến ngành dịch vụ cũng bắt đầu lao dốc. Ngành dịch vụ mũi nhọn là du lịch ngay lập tức suy giảm lượng khách. Quý I, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18%. Riêng khách châu Á giảm 21%. Khi dịch bệnh lan sang châu Âu và Mỹ, lượng khách từ những thị trường này cũng giảm mạnh.

Các ngành “ăn theo” du lịch là vận tải hàng không, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, bán lẻ… cũng giảm tăng trưởng, hoặc tăng trưởng âm. Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng(khoảng 1,3 tỷ USD). Năm ngoái khu vực dịch vụ tăng 6,5%, năm nay sụt giảm xuống còn 2,73%.

Dịch Covid-19 cũng gây ra nhiều sóng gió cho ngành công nghiệp. Khi dịch bùng phát ở các nước Đông Bắc Á, công nghiệp Việt Nam đối mặt với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu. Thậm chí một số ngành nghề, chỉ thiếu một chất phụ gia từ Trung Quốc, cũng phải “đắp chiếu” cả dây chuyền sản xuất.

Sau đó, dịch được kiểm soát ở Trung Quốc, việc giao thương thuận lợi hơn thì các ngành công nghiệp lại khó khăn về đầu ra khi dịch lan sang châu Âu và Mỹ. Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm ngoái là Mỹ (60,7 tỷ USD), EU (41,7 tỷ USD), ASEAN (25,3 tỷ USD)… lại đang lao đao vì dịch, khiến việc giao thương và kinh doanh đình trệ.

Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn không chỉ quý I mà còn quý II. Do vậy, đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là rất khó khăn.

Gia đình ông Hoàng, bà Lan ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) được hàng xóm hay nói vui là “gia đình dân số vàng”. Lý do nôm na là cả 4 thành viên đều đang ở độ tuổi làm ra tiền, mà chẳng phải nuôi ai phụ thuộc.

Ông Hoàng làm thợ hàn, vợ bán đồ ăn sáng ở đầu phố, cậu con trai lớn thì làm hướng dẫn viên du lịch, cô con gái mới ra trường cũng bắt đầu làm việc ở một khách sạn nhỏ. Tổng thu nhập trung bình của cả “gia đình dân số vàng” là khoảng 35 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Hoàng không quá quan tâm đến những con số % suy giảm về kinh tế thường xuyên được nhắc đến trên truyền hình khi dịch Covid-19 ập đến. Nhưng có một thực tế là thu nhập của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng mạnh.

Con trai và con gái ông Hoàng được công ty cho nghỉ không lương vô thời hạn vì ngành du lịch lao dốc, gần như không còn duy trì hoạt động. Bà Lan phải nghỉ tạm việc bán đồ ăn sáng vì lệnh đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, nhưng phần nhiều vì vắng khách. Duy nhất, công việc của ông Hùng vẫn duy trì nhưng tần suất ít hơn do các đơn hàng cũng giảm mạnh.

‘Thoi chien’ cua kinh te Viet Nam hinh anh 3 QUOTE2_DESKTOP.jpg

Những thành viên gia đình ông Hoàng là một trong hàng triệu lao động của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói dịch bệnh đang làm gia tăng tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp, thậm chí kéo theo những vấn đề về an ninh, trật tự.

“An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”, ông nói.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.

Thống kê cho thấy số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2 là trên 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng 1 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại TP.HCM, chính quyền thành phố thống kê có tới 600.000 người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành dệt may Việt Nam, một trong những ngành có nhiều lao động nhất cả nước cho biết có khoảng 6.800 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động đang gặp khó khăn bởi dịch. Nguy cơ mất việc, nghỉ không lương, nợ lương… là hiện hữu.

Ở một góc nhìn khác, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra con số tổng mức bán lẻ hàng hóa những tháng đầu năm đang thấp hơn nhiều so cùng kỳ, dù rơi vào tháng Tết. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thu nhập của người lao động giảm do dịch Covid-19 đang khiến nhiều gia đình phải hạn chế chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Từ đó kéo tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm sâu.

Thậm chí, nhiều người vay tiêu dùng để mua trả góp nhà, xe, điện thoại, đồ gia dụng… còn gặp khó khăn hơn bình thường. Theo đó, do dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế khiến thu nhập của nhiều người giảm mạnh. Trong khi họ vẫn phải trả một khoản tiền trả góp hàng tháng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng để có đủ tiền trả góp ngân hàng, người vay phải tiết giảm tiền sinh hoạt hàng ngày đi rất nhiều.

Việc giảm chi tiêu khiến cầu của nền kinh tế giảm, kéo theo cung cũng giảm. Từ đó lại càng làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ngày 31/3, dự kiến Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn luận về giải pháp khắc phục những khó khăn, vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh “thời chiến”.

Người đứng đầu Chính phủ hiểu rằng trong lúc này, một giải pháp đơn lẻ là không đủ cho rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Do đó, những trọng tâm rất lớn mà Chính phủ sẽ bàn thảo là tháo gỡ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự.

Về tháo gỡ sản xuất kinh doanh, Chính phủ quyết tâm vực dậy nền kinh tế nhanh sau dịch. Các biện pháp được nhấn mạnh là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Về chính sách tài khóa, 2 giải pháp được nêu ra là đẩy nhanh vốn đầu tư công và giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

Hiện tại, vốn đầu tư công còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng(khoảng 30 tỷ USD). Trong số này có tiền cho nhiều dự án quan trọng đã được Quốc hội thông qua, đã sẵn và chỉ đợi giải ngân. Điển hình như khoản 55.000 tỷ đồngđể Chính phủ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông.

‘Thoi chien’ cua kinh te Viet Nam hinh anh 4 QUOTE3_DESKTOP.jpg

Ngoài ra, Quốc hội đồng ý cấp tiền cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 23.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư là ưu tiên số 1 lúc này. “Tiền đã có sẵn, chỉ cần giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân sẽ kích thích cả chiều cầu và cung, không cần phải bơm thêm, không làm ảnh hưởng bội chi, không làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô”, ông nói.

Về giải pháp tài khoá khác là giảm thuế, Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất và các loại thuế phí khác. Cơ quan này cũng đang được giao đề xuất biện pháp cắt giảm chi thường xuyên.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại có gói 285.000 tỷ đồngvới lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thể được vay tiền để trả lương cho nhân viên với lãi suất 0%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những gói hỗ trợ hiện tại còn ít và mong muốn các bộ ngành nghiên cứu những gói hấp dẫn hơn để vực dậy nền kinh tế.

Về giải pháp an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng mới đề xuất gói 6 điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Bộ này đề xuất miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tử tuất… cho khoảng 1,5-3 triệu người, tương ứng khoảng 150.000-200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách.

Về giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự, Thủ tướng cũng giao Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.

Nhắc lại tinh thần thời chiến, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh ngoài quyết tâm thì phải có cách làm đột phá. Ông yêu cầu phải đổi mới cách làm, cải cách thủ tục, để “như trong thời chiến”. Thủ tục đang là một trong những điểm nghẽn để hiện thực hóa nhiều giải pháp mà các bộ ngành đang đề xuất.

Thủ tướng cho rằng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới là điều rất quan trọng. Trong những khó khăn hiện tại, ông vẫn cho rằng cơ hội vẫn ở phía trước khi đất nước dập dịch xong, bắt tay vào vực dậy nền kinh tế. Cơ hội của nền kinh tế được ví như một chiếc lò xo đang bị nén sẵn sàng bật lên.

Để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế”, ông nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn