Số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi trong tuần qua, từ khoảng 40 trường hợp vào cuối tháng 3 đến 89 trường hợp tính đến cuối ngày 3/4, theo số liệu của chính quyền Tokyo.
Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, triển vọng rất ảm đạm, ông Kentaro Iwata, một chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại ĐH Kobe, đánh giá. Ông liên tục cảnh báo rằng Nhật Bản đang làm chưa đủ để ngăn virus phát tán.
“Nhật Bản cần dũng cảm để thay đổi, khi chúng ta biết chúng ta đang đi sai đường…Chúng ta có thể thấy thành phố New York tiếp theo ở Tokyo”, ông Iwata nói.
New York đang là tâm dịch COVID-19 của Mỹ. Số lượng ca mắc tăng gấp đôi sau chu kỳ 5 ngày, theo tính toán của CNN. Cho đến nay đã có 2.900 người ở đó thiệt mạng.
Tính đến ngày 3/4, Nhật Bản có 3.329 ca mắc và 74 trường hợp tử vong.
“Giai đoạn bắt đầu dẫn đến thời điểm bùng nổ ở Tây Ban Nha, Pháp, Italy, TP.New York cũng thực sự như tình hình của Tokyo hiện nay”, ông Iwata nói.
Ông cho rằng Nhật Bản cần xét nghiệm nhiều hơn nữa.
Tính đến ngày 3/4, Tokyo đã xét nghiệm cho chưa đến 4.000 người trong 13,5 triệu dân của thành phố. Và mới có tổng số 39.466 người trong tổng số 125 triệu dân của Nhật Bản được xét nghiệm, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Đây là số lượng quá nhỏ so với các quốc gia ở khu vực và thế giới. Tính đến ngày 3/4, Hàn Quốc, dù có dân số ít hơn Nhật Bản, đã xét nghiệm cho hơn 440.000 người.
Chính phủ Nhật Bản nói rằng hệ thống xét nghiệm của họ là phù hợp và tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
“Xét nghiệm những người có nguy cơ lây nhiễm thấp sẽ là lãng phí nguồn lực. Chúng tôi yêu cầu những người có một số triệu chứng hãy ở nhà trong một thời gian”, CNN dẫn thông cáo từ Bộ Y tế Nhật Bản.
Từ chối xét nghiệm
Một bệnh nhân mắc COVID-19 tên là Issei Watanabe nói với CNN từ phòng bệnh viện ở Tokyo rằng anh bị khó thở giữa những đợt ho. Các bác sĩ xác nhận anh là “ca nhẹ” và dự kiến cho anh xuất viện vào thứ 3 tuần tới.
Watanabe năm nay 40 tuổi, không hút thuốc, sức khoẻ tốt. Các triệu chứng của anh xuất hiện rất nhanh. Đau toàn thân, ớn lạnh, mất khứu giác và vị giác.
Lúc đầu khi đề nghị xét nghiệm, anh bị từ chối. Anh bị sốt cao đến 40 độ C trong 5 ngày liền trước khi được xét nghiệm. Kết quả cho thấy anh dương tính với virus corona.
Watanabe nói rằng anh đã lây bệnh cho ít nhất 2 người trong thời gian đó.
“Mọi người không biết nên làm gì. Thực sự đang thiếu thông tin hữu ích”, Watanabe nói với CNN. “Cuộc sống nằm trong tay bạn. Hãy ở nhà. Chớ có ra ngoài”, anh nói.
Watanabe lo lắng Nhật Bản có tới hàng chục triệu người dân trên 65 tuổi. Anh biết anh sẽ hồi phục, nhưng nhiều người già thì khó có thể.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo cái giá đắt về mạng người nếu virus corona lây lan nhanh chóng trong xã hội già hoá này.
Không phong toả
Thủ tướng Abe Shinzo nhiều lần khẳng định tình hình ở Nhật Bản không đến mức phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay cần phong toả Tokyo.
Ông nói rằng những biện pháp quyết liệt đó sẽ càng gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đã chịu nhiều tổn thất do hậu quả của đại dịch và việc phải hoãn Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.
Các nghị sĩ Nhật Bản đang cân nhắc một gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn, bao gồm gói tiền mặt để phát cho các hộ gia đình. Nhưng chính phủ Nhật Bản bị nhiều người chỉ trích vì kế hoạch phát 2 chiếc khẩu trang vài cho mỗi gia đình.
Nhật Bản đã thắt chặt hạn chế đi lại, cấm cảnh người nước ngoài từ hơn 70 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và phần lớn châu Âu. Nhật Bản cũng tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay và yêu cầu tất cả du khách đến đây phải tự cách ly trong 14 ngày, dù việc thực hiện tự cách ly không bị giám sát chặt chẽ.
Đang có một nỗi lo lắng ngày càng lớn trong xã hội Nhật rằng những cảnh báo từ chính phủ về sự nguy hiểm của virus có thể đến với người dân quá muộn.
Tuần trước, rất đông người tập trung ở lễ hội hanami để ngắm hoa anh đào. Một số người đeo khẩu trang, nhưng nhiều người khác không đeo.
Những bức ảnh chụp lễ hội được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trong và ngoài nước, dẫn đến việc đóng cửa một số công viên ở Tokyo vào cuối tuần qua.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và Thủ tướng Abe thúc giục người dân ở nhà, tránh đi lại, và thực hiện giãn cách xã hội. Một số người nghe, nhưng nhiều người không.
Chính sách của chính phủ Nhật hiện nay là cố gắng khống chế các ổ dịch bằng cách tầm soát các ca nhiễm và nghi nhiễm để cách ly.
Những người ủng hộ cách ly cho rằng những thói quen của người Nhật như cúi đầu chào thay vì bắt tay, đeo khẩu trang y tế, rửa tay và vệ sinh miệng thường xuyên, có thể giúp Nhật Bản tránh được tình trạng bùng phát ca bệnh như ở nhiều nước khác.
Khi được hỏi rằng liệu Nhật Bản có được bảo vệ nhờ văn hoá không ôm hôn và bắt tay, ông Iwata nói rằng “đó có thể là một trong những lý do Nhật Bản có ít ca nhiễm hơn so với ở châu Âu và Mỹ”.
Ông cho rằng lý thuyết này “có lý” nhưng “chưa được chứng minh”. Ông không tin Nhật Bản nên hoạch định chiến lược đối phó dựa trên hy vọng rằng thói quen giữ vệ sinh tốt là đủ để bảo vệ Tokyo.
Thống đốc Koike và Thủ tướng Abe thúc giục người dân thủ đô làm việc tại nhà. Nhưng giống như những tập đoàn lớn như Honda, Toyota và Nissan, làm việc từ xa là điều không khả thi đối với khoảng 80% các công ty Nhật Bản, theo số liệu của chính phủ năm 2019.
Nhiều người dân vẫn đi tàu điện để vào thủ đô. Các toa tàu vẫn đông chặt người trong giờ cao điểm. Dù một số bách hoá tổng hợp và khoảng 500 cửa hàng Starbucks tạm đóng cửa, nhiều quán bar và nhà hàng vẫn mở cửa và đầy khách.
Thống đốc Koike hôm qua thông báo rằng 628 trong tổng số 750 giường bệnh ở Tokyo dành cho bệnh nhân COVID-19 đã có người nằm, chủ yếu là những người có triệu chứng nhẹ.
Giới chức đang đàm phán để chuyển các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc sức khoẻ tương đối tốt đến những cơ sở lưu trú như khách sạn, bà Koike cho biết.
Bà cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng và thúc giục người dân ở nhà. Đường cong dịch bệnh ở Tokyo dường như tiếp tục đi lên. Tình hình có thể đang xấu đi.
Theo TPO