Vũ khí cực mạnh của dơi khiến virus "tắt điện" nhưng vô tình gây hại cho hệ miễn dịch người!

Thứ sáu, 17/04/2020, 14:28
Số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên đến trên 2 triệu với gần 128.000 người chết. Tuy nhiên trước đại dịch này, đã từng có nhiều bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người gây ra ảnh hưởng lớn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho biết đây là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Điều này đặt ra câu hỏi: vì sao các bệnh truyền nhiễm này lại nguy hiểm đối với con người?

Có giả thuyết cho rằng con người đã nhiễm virus SAR-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) từ tê tê - loài động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Giới khoa học đã khẳng định chắc chắn loài virus này có nguồn gốc từ động vật, tuy nhiên vẫn chưa thể biết cụ thể đó là loài nào. Dơi, tê tê hay cả hai?

Số người mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã lên đến trên 2 triệu với gần 128.000 người chết. Tuy nhiên trước đại dịch COVID-19, đã từng có nhiều bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người gây ra ảnh hưởng lớn.

Bài học từ quá khứ

Ví dụ, theo một báo cáo quốc tế vào năm 2012, thế giới có 56 bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, là nguyên nhân gây ra 2,5 tỷ ca bệnh và 2,7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Điển hình là bệnh dại, bệnh do nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, bệnh sốt Q, sốt xuất huyết, cúm gia cầm, Ebola và bệnh than.

Ảnh bệnh than

Chỉ tính trong thế kỷ trước, các bệnh hô hấp như bệnh cúm truyền nhiễm từ động vật đã tàn phá và lấy đi nhiều sinh mạng. Khoảng 50 triệu người chết do cúm Tây Ban Nha năm 1918 và 700.000 người chết do cúm Hồng Kông vào năm 1968.

Nguyên nhân được cho là có liên quan đến hệ miễn dịch của con người, động vật truyền virus và quá trình chọn lọc tự nhiên.

Virus truyền nhiễm từ động vật và hệ miễn dịch của con người

Một trong số các nguyên nhân mà virus truyền từ động vật sang người rất nguy hiểm là do hệ miễn dịch của con người chưa bao giờ tiếp xúc với chúng nên chúng ta không biết cách nào để đối phó.

Mặc dù hầu hết các loại virus xâm nhập vào cơ thể đều bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt hoặc bị đào thải qua hệ tiêu hóa, nhưng vẫn có một số loại không bị loại bỏ, thậm chí còn có thể nhân lên trong tế bào con người.

Thời điểm virus (có nguồn gốc động vật) có thể nhân lên trong cơ thể người đầu tiên mắc bệnh rất quan trọng. Vì đây là cột mốc mang tính quyết định chúng có thể đột biến, tiến hóa trong những điều kiện chọn lọc ngặt nghèo ở cơ thể người để lần đầu tiên thích nghi và cải thiện khả năng nhân lên ở vật chủ mới.

Khi virus xâm nhập, hệ thống miễn dịch của con người phản ứng lại, bắt kịp sự tiến hóa của virus và nhanh chóng tạo ra đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, do cơ thể chưa từng có miễn dịch với loại virus này nên cần phải nhanh chóng tạo ra miễn dịch mới. Nhưng miễn dịch này thuộc loại miễn dịch thích ứng nên phải mất vài ngày hoặc lâu hơn để hình thành. Khoảng thời gian đó đủ để cho virus có thể nhân lên ồ ạt trong tế bào hoặc tiến hoá thêm để chống lại hệ miễn dịch.

Cuộc chiến ác liệt

Khi xâm nhập vào cơ thể, giữa virus và hệ miễn dịch sẽ xảy ra một cuộc chiến đấu ác liệt. Sau cùng, hoặc một bên bị loại bỏ, hoặc cả hai buộc phải chấp nhận cùng chung sống.

Tạp chí y khoa Medical News Today đã phỏng vấn TS Christopher Coleman, Assistant Professor (Giáo sư trợ lý) về Miễn dịch học và truyền nhiễm tại Đại học Nottingham ở Anh về vấn đề này.

Ảnh chân dung TS Coleman

Theo TS Coleman, nhìn chung có một giả định rằng, khi virus biến đổi và thích nghi với vật chủ mới, chúng sẽ ít gây nguy hiểm hơn để đảm bảo cơ hội được nhân lên và sống trong tế bào của vật chủ. Điều này tuy không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thông thường khi một loại virus sống thích nghi với con người lâu dài, nó sẽ ít nguy hại hơn vì tế bào và virus phải cùng nhau tồn tại.

Trong một số trường hợp, có loài virus có thể sống thích nghi hoàn toàn với tế bào người nhưng hoàn toàn vô hại.

Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các chủng virus corona gây bệnh ở người đã liệt kê một số chủng virus corona gây bệnh ở động vật, gồm virus gây viêm phế quản ở gà, virus gây viêm màng bụng ở mèo, hay virus viêm dạ dày ruột là loại gây tử vong hầu hết ở heo con. Tuy nhiên, may mắn thay các loại virus này không thể gây bệnh cho con người.

Ngoài ra, một khi virus không chỉ tiến hóa ở động vật mà còn có khả năng lây nhiễm cho người thì nó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Điều này đặc biệt đúng khi hệ miễn dịch của loài động vật này rất khác với người, hoặc khi động vật có những cơ chế phòng vệ đặc biệt mà người không có.

Loài dơi và phản ứng "siêu miễn dịch"

Thực tế các loại virus nguy hiểm như SARS, MERS và Ebola đều có nguồn gốc từ loài dơi nhưng không hề gây bệnh cho chúng. Vậy thì loài dơi có gì mà chúng ta không có? Làm thế nào dơi có thể sống, tồn tại và mang theo virus trong mình?

Ảnh dơi: Có lẽ đã đến lúc phong chức "siêu anh hùng", "siêu đối thủ" cho loài động vật nhỏ bé này. Nguồn: storymaps

Trong một nghiên cứu mới do TS. BS. Cara Brook tại Đại học California Berkeley thực hiện, khả năng miễn dịch độc đáo duy nhất của loài dơi cho phép chúng duy trì trong cơ thể một lượng virus lớn mà không bị bệnh. Theo Brook và các cộng sự: "Một số con dơi đã kích hoạt liên tục phản ứng miễn dịch chống lại virus theo cơ chế interferon."

"Với hầu hết các loài động vật có vú khác, phản ứng miễn dịch quá mức như vậy sẽ gây ra phản ứng viêm có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, loài dơi đã hình thành được cơ chế chống viêm giúp chúng không bị ảnh hưởng gì"-nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Đây thực sự là một lợi điểm của loài dơi nhưng nó lại gây hại cho các loài động vật có vú khác. Loài dơi có khả năng phòng vệ tốt như vậy là động lực buộc virus phải nhân đôi nhanh hơn. Khả năng miễn dịch độc nhất của loài dơi cuối cùng khiến cho virus trở lên mạnh hơn. Nó giống như quá trình cạnh tranh với một đối thủ xuất sắc và kết quả là giúp bản thân mạnh mẽ hơn.

Thực tế, Brook và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm trên dòng tế bào từ hai loài dơi khác nhau. Kết quả cho thấy ở cả hai loài dơi, virus đã chống lại phản ứng kháng virus của dơi bằng cách lây lan nhanh hơn từ tế bào này sang tế bào khác.

Họ kết luận: "Điều này cho thấy phản ứng siêu miễn dịch của loài dơi có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình tiến hóa của virus. Trong khi dơi được bảo vệ và không bị ảnh hưởng gì thì các loài động vật khác, kể cả con người lại không được an toàn."

Brook nhận định: "Không giống như dơi, nếu hệ miễn dịch của người phản ứng quá mức và hàng loạt như vậy thì sẽ tạo ra phản ứng viêm lan tỏa. Trong khi dơi lại có khả năng thích nghi độc đáo để tránh được điều đó."

Nguồn gốc của virus SARS-Cov-2 từ đâu? Dơi, tê tê hay rắn?

Đang có nhiều giả thuyết về loài động vật truyền bệnh COVID-19 cho con người, đó có thể là tê tê, dơi hoặc rắn. Việc xác định được cụ thể loài động vật nào đặc biệt quan trọng vì sẽ giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về cấu trúc di truyền của virus cũng như tìm ra biện pháp đối phó. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng chủng virus corona mới này có thể đến từ nhiều loài vật chủ khác nhau.

Ảnh tê tê: Các nhà khoa học cho rằng có thể tê tê không phải là loài duy nhất lây bệnh COVID-19

Coleman cho rằng giả thuyết về nguồn gốc tê tê của virus SARS-Cov-2 khá hợp lý. Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng tê tê là ​​nguồn lây duy nhất mà có thể còn có loài khác nữa.

Ví dụ, với virus SARS-CoV (gây bệnh SARS-hội chứng viêm hô hấp cấp), cầy hương là loài bị nghi ngờ nhiều nhất nhưng một số loài động vật có vú khác cũng bị nghi ngờ.

Ảnh cầy hương: Ở Việt Nam, các nhà "nhậu học" rất thích ăn thịt cầy hương.

Ngoài ra, mặc dù virus MERS-CoV được cho bắt nguồn từ lạc đà một bướu nhưng cũng có các bằng chứng khác cho thấy nó cũng có thể bắt nguồn từ các loài lạc đà khác.

Tuy nhiên bất kể là loài động vật nào, điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi "virus đã biến đổi lúc nào và ở nơi đâu".

Hai kịch bản thay thế cho COVID-19

Ảnh chân dung Andersen

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm nghiên cứu của Giáo sư dự bị (Associate Professor) Kristian Andersen, chuyên gia về miễn dịch học và vi trùng học tại Viện nghiên cứu Scripps ở LaJolla, California, Hoa Kỳ đã sử dụng các dữ liệu sẵn có để xác định xem nguồn gốc của chủng virus gây bệnh COVID-19 là tự nhiên hay do con người tạo ra.

Kết quả chỉ ra rằng virus hoàn toàn là sản phẩm của quá trình tiến hóa tự nhiên, và tùy thuộc vào mức độ thích nghi của virus ở động vật hay con người sẽ dẫn đến những diễn biến khác nhau của đại dịch.

Nói cách khác, nếu virus đã tiến hóa đến trạng thái thích nghi với hệ miễn dịch của động vật thì trên động vật, chúng cũng sẽ tiếp tục truyền đặc tính này cho nhau, khi đó virus sẽ tiếp tục tiến hoá và gây bệnh trở lại cho con người.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn cho rằng điều này sẽ giải thích tại sao virus có thể lây lan nhanh như vậy. Chính vì virus SARS-CoV-2 đã hình thành được cơ chế gây bệnh ở động vật cũng như khả năng sinh sôi và lây lan nhanh chóng một khi thâm nhập được vào cơ thể người.

"Ngược lại, nếu quá trình thích nghi xảy ra ở người trước, thì ngay cả khi quá trình truyền từ động vật sang người lặp đi lặp lại, chúng vẫn không thể gây bệnh ở người nếu không có cùng một loại đột biến."

Do đó vấn đề đặt ra là làm cách nào để giảm thiểu khả năng xảy ra sự bùng phát tương tự trong tương lai. Hiện tại, không thể biết chắc chắn được kịch bản nào có nhiều khả năng hơn, chúng ta đành phải chờ đợi kết quả từ các nghiên cứu sâu hơn.

Nhiễm Toxosplasma hay sốt Q là bệnh gì?

Nhiễm Toxoplasma hay nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma do một loại vi sinh vật sống trên các loài chim, động vật và con người gây ra. Nó ảnh hưởng đường tiêu hóa (bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn), tim, dây thần kinh và da. Nhiễm Toxoplasma nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu như đang hóa trị, có HIV và ghép tạng.

Bệnh có thể có triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và nổi hạch. Lây qua việc ăn thịt sống hay chín tái của động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt thịt cừu và thịt heo, hoặc qua việc tiếp xúc với cát vệ sinh cho mèo hoặc phân mèo bị nhiễm bệnh. Ăn trái cây hoặc rau củ nhiễm bẩn, từng tiếp xúc mầm bệnh nhưng chưa được nấu chín hoặc rửa sạch cũng có thể mắc bệnh. Phụ nữ mang thai có thể truyền ký sinh trùng qua trẻ sơ sinh theo đường máu.

Bệnh sốt Q chủ yếu lây qua các gia súc có sừng như cừu, bò, dê; tiếp đến là mèo, chó, lợn, ngựa, trâu, ngỗng… Động vật hoang dã: gặm nhấm, chim, sóc ve, cá… cũng đều có thể là các ổ chứa mầm bệnh trong tự nhiên. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với da, len, thịt, nhau thai, nước ối, nước tiểu, phân của con vật bị bệnh; hoặc tiếp xúc với quần áo, chất thải của bệnh nhân. Bệnh thường cấp tính.Nhiễm Toxosplasma hay sốt Q là bệnh gì?

Nhiễm Toxoplasma hay nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma do một loại vi sinh vật sống trên các loài chim, động vật và con người gây ra. Nó ảnh hưởng đường tiêu hóa (bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn), tim, dây thần kinh và da. Nhiễm Toxoplasma nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu như đang hóa trị, có HIV và ghép tạng.

Bệnh có thể có triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và nổi hạch. Lây qua việc ăn thịt sống hay chín tái của động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt thịt cừu và thịt heo, hoặc qua việc tiếp xúc với cát vệ sinh cho mèo hoặc phân mèo bị nhiễm bệnh. Ăn trái cây hoặc rau củ nhiễm bẩn, từng tiếp xúc mầm bệnh nhưng chưa được nấu chín hoặc rửa sạch cũng có thể mắc bệnh. Phụ nữ mang thai có thể truyền ký sinh trùng qua trẻ sơ sinh theo đường máu.

Bệnh sốt Q chủ yếu lây qua các gia súc có sừng như cừu, bò, dê; tiếp đến là mèo, chó, lợn, ngựa, trâu, ngỗng… Động vật hoang dã: gặm nhấm, chim, sóc ve, cá… cũng đều có thể là các ổ chứa mầm bệnh trong tự nhiên. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với da, len, thịt, nhau thai, nước ối, nước tiểu, phân của con vật bị bệnh; hoặc tiếp xúc với quần áo, chất thải của bệnh nhân. Bệnh thường cấp tính.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn