Chiều 22-4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đồng ý là một số địa phương của TP.Hà Nội như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có những ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày là có nguy cơ cao. Các địa phương TP.HCM, Bắc Ninh, một số huyện của Hà Giang là nhóm có nguy cơ. Nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại và yêu cầu có các biện pháp phòng, chống dịch.
Sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới
Theo Thủ tướng, chúng ta phải chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch.
Trong ba tháng qua, Việt Nam kiên trì áp dụng nhiều biện pháp rất mạnh, cách ly xã hội kịp thời nên sáu ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm, TP.HCM là 19 ngày.
COVID-19 đang là nguy cơ toàn cầu và Việt Nam cần thích nghi, kiểm soát, phải tiếp tục ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại bằng việc ngăn chặn từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực những ca nhiễm. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao và chưa tiếp nhận khách du lịch từ bên ngoài vào.
Đến nay vẫn chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả với COVID-19 nên phải xác định trạng thái bình thường mới.
Theo đó, việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở nơi sinh hoạt công cộng, cộng đồng; thường xuyên rửa tay sát khuẩn, kể cả sát khuẩn các phương tiện, công cụ. Quy định mức tối thiểu khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên, sản xuất, kinh doanh, trong lớp học, nhà hàng, tàu xe…
Cơ quan chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tập trung đông người. “Các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM cần chú ý việc này” - Thủ tướng nói.
Một trạng thái mới nữa là nếp sống văn minh, văn hóa, tác phong làm việc mới. Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc biệt, những đối tượng này cần liên lạc ngay, làm theo hướng dẫn của y tế, bác sĩ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều 22-4. Ảnh: VGP
Chủ tịch các tỉnh, thành quyết việc nới lỏng
Thủ tướng đồng ý với các biện pháp nới lỏng cách ly xã hội mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề xuất.
Cụ thể, sẽ có ba nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa phương của Hà Nội lại có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có những ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày thì cần áp dụng nghiêm Chỉ thị 16, còn những nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định để thực hiện việc phòng, chống dịch đối với những địa phương trên.
Các địa phương như TP.HCM, các vùng khác của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, một vài huyện của Hà Giang được đặt vào nhóm có nguy cơ để theo dõi, kiểm soát nhưng tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hoạt động. Những nơi này phải đề cao cảnh giác, có các biện pháp cụ thể trong phòng, chống COVID-19.
Những nơi có nguy cơ và nguy cơ cao, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền có trách nhiệm quyết định việc tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Chủ tịch các tỉnh, thành này căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng, các quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn chi tiết tại địa phương và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đó.
Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu, các dịch vụ.
Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc phòng, chống dịch và tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ về y tế đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, khu dân cư, nhất là vùng dễ lây lan dịch bệnh.
Các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng nhận thức để có biện pháp chủ động, điều chỉnh lối sống, sinh hoạt phù hợp trong bối cảnh còn xảy ra dịch bệnh.
Đặc biệt, phổ cập cho người dân, hướng dẫn chi tiết, đặc biệt là cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính với COVID-19 trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cộng đồng.
Các địa phương nghiên cứu bộ quy tắc của TP.HCM
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu việc phòng, chống dịch là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân.
“Tôi hoan nghênh TP.HCM có bộ quy tắc trên các loại hình sản xuất, kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt. Không được để môi trường dễ lây nhiễm. Những nơi kinh doanh dịch vụ dễ lây nhiễm càng phải có quy tắc chặt chẽ trong phòng, chống dịch” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đồng ý với ý kiến của chủ tịch UBND TP.HCM là sắp tới sẽ có hội nghị trực tuyến toàn quốc đối với hàng triệu doanh nghiệp trong cả nước để truyền đạt tinh thần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phòng dịch nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Tiếp tục tạm dừng hoạt động vũ trường, karaoke... Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan. Các ngành công an, quân đội, địa phương... phải đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt lưu ý tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người, thể thao đông người. Ở một số khu vực, tiếp tục dừng các lễ hội, sự kiện đông người. Các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, tiệm trang điểm, tiệm hoa, sở thú tiếp tục tạm dừng hoạt động. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đông người phải có cách ly… Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành giáo dục đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, cho học sinh học qua mạng trong thời gian qua, chủ động phương án tổ chức thi THPT, tuyển sinh đại học. Thủ tướng lưu ý kỳ thi THPT sắp tới phải đảm bảo chất lượng, an toàn trong điều kiện có dịch bệnh. |
Theo PLO