"Tôi hy vọng việc đóng băng tài trợ sẽ được xem xét lại và Mỹ sẽ một lần nữa ủng hộ công việc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp tục cứu người", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 22/4.
"Tôi hy vọng Mỹ tin rằng đây là khoản đầu tư quan trọng, không chỉ để giúp đỡ người khác mà còn để giữ an toàn cho nước Mỹ", ông Tedros nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước chỉ trích cách xử lý đại dịch Covid-19 của WHO và tuyên bố dừng cấp ngân sách cho tổ chức này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/4 nói Mỹ tin rằng Trung Quốc không báo cáo kịp thời sự bùng phát Covid-19 cho WHO, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh cho phép thanh tra viên đến phòng xét nghiệm Vũ Hán, nơi bị nghi để rò rỉ nCoV.
Tổng giám đốc WHO Tedros tại họp báo về Covid-19 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. |
Giữa những chỉ trích rằng đáng lẽ phải hành động sớm hơn để ngăn chặn đại dịch, Tedros bảo vệ quyết định của WHO khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1.
"Nhìn lại, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đúng thời điểm và khi thế giới có đủ thời gian để ứng phó", Tedros nói, thêm rằng vào ngày đó, thế giới chỉ ghi nhận 82 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc và chưa báo cáo trường hợp tử vong nào.
Theo Tedros, tình hình dịch bệnh ở Tây Âu đã ổn định hoặc đang giảm dần, song cảnh báo xu hướng gia tăng đáng lo ngại ca nhiễm tại các khu vực của châu Phi, Trung và Nam Mỹ. "Phần lớn các nước đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và một số nước bị ảnh hưởng sớm trong đại dịch đang bắt đầu chứng kiến ca nhiễm tăng trở lại", Tedros nói. "Đừng nhầm lẫn, chúng ta phải đi một chặng đường dài. Virus này sẽ tồn tại trong một thời gian dài".
Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia cấp cứu hàng đầu của WHO, lưu ý sự gia tăng các ca nhiễm ở châu Phi, đặc biệt Somalia ghi nhận mức tăng 300% trong tuần qua. "Châu Phi chỉ mới bắt đầu", Ryan nói.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,6 triệu người nhiễm và hơn 184.000 người tử vong. Quan chức WHO kêu gọi các nước tiếp tục đầu tư chuẩn bị đối phó đại dịch, đặc biệt ở châu Phi, châu lục chỉ có 76% quốc gia có hệ thống giám sát để phát hiện ca nhiễm.
Theo VNE