Ngày 16/9, Anh, Pháp và Đức gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc. Cùng với các công hàm phản đối của các quốc gia khác trước đó, 3 nước châu Âu phản bác mạnh mẽ các yêu sách phi lý về "đường cơ sở thẳng" và "quyền lịch sử" của Trung Quốc tại Biển Đông. Các chuyên gia nhận định đây là tiếng nói mạnh mẽ chưa từng thấy của các quốc gia lãnh đạo châu Âu đối với Bắc Kinh trước những tranh chấp trong khu vực.
Trung Quốc liên tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền "đường chín đoạn" phi pháp ở Biển Đông. Đây là hành động phi pháp theo luật biển UNCLOS.
Thông điệp cứng rắn chưa từng có
Công hàm chung của 3 nước châu Âu năm nay khác hẳn với tuyên bố chung của năm ngoái, khi chỉ bày tỏ quan ngại hay kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông của Philippines năm 2016.
Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, Tiến sĩ Hosoda Takashi chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, thông điệp cứng rắn, chưa từng có của các nước này là có lý do và các yếu tố chính trị có nhiều thay đổi.
“Thứ nhất, đối với nhiều nước châu Âu, giá trị phổ quát của nền dân chủ là bảo vệ nhân quyền và tuân thủ các nguyên tắc ‘pháp quyền’. Tuy nhiên, Trung Quốc coi ‘quyền lực’ là giá trị quan trọng nhất, thực hiện các hành vi độc đoán, không tuân thủ các quy tắc luật biển ở Biển Đông. Hơn nữa, đối với các quốc gia châu Âu, ‘công bằng’ cũng là tiêu chí quan trọng và Bắc Kinh không đáp ứng tiêu chí này ở nhiều khía cạnh, kể cả kinh tế và thương mại.
Thứ hai, Ủy ban châu Âu (EC) dưới thời Chủ tịch Von der Leyen cố gắng đưa EU trở thành một bên tham gia, có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề mang tính toàn cầu. EU muốn trở thành ‘người chơi’ ngang hàng với Mỹ và Trung Quốc trên bình diện quốc tế.
Thứ ba, Pháp, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macron đang nỗ lực trở thành lãnh đạo của châu Âu, muốn đóng vai trò tích cực hơn giải quyết các vấn đề hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Đức cam kết tham gia tích cực hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn Anh hướng đến tầm nhìn chiến lược, trở thành ‘người chơi toàn cầu’, tăng cường quan hệ với Mỹ để đảm bảo vị thế toàn cầu của Anh”, ông Hosoda Takashi phân tích.
Còn theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên hợp quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, động thái này của Anh, Pháp và Đức là điều tích cực, tiến triển mới, bổ sung và làm rõ hơn cũng như bày tỏ tiếng nói mạnh mẽ hơn cho lập luận từ trước đến nay của 3 nước này về vấn đề Biển Đông.
“Anh, Pháp và Đức đã nói rõ rằng đây là công hàm bổ sung, không thay đổi quan điểm nhất quán của các nước này từ trước đến nay về vấn đề Biển Đông. Các nước này luôn thể hiện quan điểm ủng hộ tự do hàng hải.
Còn lần này, cũng trên cơ sở đó, Anh, Pháp và Đức nói rõ hơn những hành động của Trung Quốc như là yêu sách về quyền lịch sử, việc vẽ đường cơ sở của quần đảo, sử dụng phần IV của Công ước Luật Biển năm 1982 - chỉ dành riêng cho các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ của các quốc gia khác, là không đúng”, chuyên gia Nguyễn Hồng Thao chia sẻ với VTC News.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Thao nhận định, việc EU ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong thời gian gần đây, không chỉ trên khía cạnh chính trị, an ninh mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế là xuất phát từ nhiều lý do, trong đó việc EU thất vọng với hành xử của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
“Trong thời gian qua, EU cũng thất vọng với cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Vì vậy, EU muốn thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, nhất là giai đoạn sau COVID-19.
Giai đoạn hậu COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lớn, thay đổi bàn cờ chính trị thế giới, do đó EU không muốn mình bị tụt hậu, muốn trở thành đối trọng ngang hàng với Mỹ và Trung Quốc. EU không muốn phụ thuộc vào Washington hay Bắc Kinh”, chuyên gia Nguyễn Hồng Thao phân tích.
Đồng quan điểm, theo Tiến sĩ Hosoda Takashi, các hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua khiến cho lãnh đạo EU nhận ra rằng không thể chia sẻ giá trị chính trị chung với Bắc Kinh.
“Tháng 3/2019, EU đã công khai bày tỏ Trung Quốc là ‘đối tác đàm phán, đối thủ kinh tế và đối thủ hệ thống’, mặc dù trước đó Brussel đã mô tả Bắc Kinh là ‘đối tác kinh tế’. Kể từ đó, họ đã cân nhắc và lo lắng về hành vi của Trung Quốc đối với trật tự thế giới sau Thế chiến II. Cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay là có hại nghiêm trọng cho các quốc gia châu Âu.
Đặc biệt, sau khi ông Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện Séc, thăm chính thức Đài Loan, phía Trung Quốc đã đe dọa, gây sức ép lên ông và các thành viên trong đoàn sang thăm Đài Loan. Hành vi này của Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu nhận ra ‘không thể chia sẻ giá trị chính trị chung với Trung Quốc’”, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho hay.
Ông Hosoda Takashi cho rằng, động thái gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc của Anh, Pháp và Đức không hẳn đi theo lời kêu gọi của Mỹ bởi vì các nước châu Âu có lập trường, quan điểm riêng.
Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. (Ảnh: DigitalGlobe)
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Hồng Thao nhận định, việc Anh, Pháp và Đức gửi công hàm phản đối Trung Quốc cho thấy các nước châu Âu là một bên luôn đề cao tính thượng tôn của pháp luật, không muốn luật pháp quốc tế bị một nước nào đó chi phối.
“Hành động của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến giao lưu thương mại của các nước trên thế giới, trong đó có EU. Vì vậy, các nước châu Âu phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi trước hết của mình.
Còn nếu nói các nước châu Âu đi theo tiếng gọi hoàn toàn của Mỹ trong nhiều vấn đề, trong đó có việc chống lại Trung Quốc là không hẳn. Hiện nay, tất cả các nước, các bên đều phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong các mối quan hệ. Thế nên không phải lúc nào cũng là đồng minh, không phải lúc nào cũng đối lập với nhau mà luôn có sự đan xen giữa hai yếu tố này.
EU đồng quan điểm với Mỹ về những hành động không đúng luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông song điều này không có nghĩa là EU luôn ủng hộ, chung quan điểm với Mỹ trong tất cả các vấn đề khác. EU là đồng minh của Mỹ trong nhiều vấn đề song hiện nay quan hệ Mỹ - EU đang có nhiều vướng mắc, nhiều vấn đề còn bất đồng.
Tuy nhiên, EU và Mỹ có chung quan điểm trong việc không muốn luật pháp quốc tế bị thao túng bởi Trung Quốc, không muốn những quyền lợi chung của thế giới về tự do thương mại bị ảnh hưởng. Về điểm này, EU có thể hợp tác với Mỹ”, chuyên gia Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hồng Thao, "việc Anh, Pháp và Đức gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông khẳng định tính chính danh của Việt Nam và các nước khác trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời cho thấy sự ủng hộ của các nước đối với phán quyết của Tòa trọng tài thượng trực (PCA) cũng như việc thực thi, tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982”.
Các hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua khiến cho lãnh đạo EU nhận ra rằng không thể chia sẻ giá trị chính trị chung với Bắc Kinh. Tiến sĩ Hosoda Takashi |
Châu Âu liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc
Theo nội dung công hàm Anh, Pháp, Đức gửi lên Liên hợp quốc hôm 16/9, các nước này khẳng định vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên, cũng như phán quyết của tòa trọng tài ở Hà Lan năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và Trung Quốc.
Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm chung lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) trong bối cảnh ba cường quốc quan trọng của châu Âu đang tìm cách tăng cường sự hiện diện và vai trò ở các vùng biển lân cận Trung Quốc.
Anh và Pháp, hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có lợi ích rõ ràng ở Biển Đông. Cả hai đều có các lãnh thổ quan trọng, cũng như đối tác thương mại - đầu tư then chốt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong báo cáo chiến lược khu vực được công bố năm ngoái, Pháp cam kết "củng cố vị thế cường quốc khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nỗ lực bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh của công dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế".
Trong khi đó, đầu tháng này, Đức cũng đã cho thấy tham vọng hướng ra các vùng biển quốc tế thông qua định hướng chính sách dài 40 trang nói nước này hướng đến mục tiêu "đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Trước công hàm vừa gửi lên Liên hợp quốc, năm ngoái, Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung, kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông của Philippines năm 2016. Trong đó, ba nước này bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và khả năng diễn biến làm mất an ninh và ổn định trong khu vực.
Tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh diễn tập trên Biển Đông cùng hải quân Mỹ hồi tháng 1/2019. (Ảnh: Royal Navy)
Anh, Pháp và Đức kêu gọi tất cả các quốc gia ven Biển Đông "có hành động và giải pháp làm giảm căng thẳng và đóng góp vào duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực - bao gồm quyền của các nước ven biển trong vùng nước của mình cũng như quyền tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên biển Đông".
Tháng 8 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra thông cáo nêu quan điểm chỉ trích những hành động đơn phương thời gian qua tại biển Đông "làm căng thẳng leo thang và làm suy hại tới môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng tới phát triển kinh tế hòa bình tại khu vực".
Với việc gửi công hàm chung, phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Anh, Pháp và Đức là những nước mới nhất tham gia vào "Cuộc chiến công hàm". Cuộc chiến này đang được nhiều nước trong triển khai, đáng chú ý là bao gồm cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Australia. Việc có nhiều nước tham gia "Cuộc chiến công hàm" góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 13/7, Mỹ công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc "Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy 'chân lý thuộc về kẻ mạnh'".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam.