Không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, phường, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có việc thành lập thành phố Thủ Đức là nội dung của đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, đề án đã trình Quốc hội và đang được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước khi Quốc hội thông qua.
Sau hơn 6 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở đã tinh gọn hơn, không phát sinh vấn đề lớn, quyền đại diện và quyền dân chủ của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao.
Thực tiễn này cho thấy tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ bước đi đầu tiên đã phát huy nhiều kết quả, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Nhà nước.
Hiệu quả từ thí điểm
Mặc dù chưa văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm “chính quyền đô thị” nhưng về bản chất, chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.
Ở Việt Nam hiện có 2 thành phố được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị kể từ ngày 1/7/2020 gồm Hà Nội (không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường) và Đà Nẵng (không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường).
Với Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức chính quyền đô thị đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, đồng bộ, toàn diện và được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, thành phố đã có hơn 6 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường trên diện rộng, số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường).
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây thông qua nhiều kênh như đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp…
Thông tin rõ hơn về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố đã có hơn 6 năm thí điểm về không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường, không phát sinh vấn đề lớn.
Thành phố đã thực hiện thêm các cơ chế mới để tăng quyền giám sát gồm Đảng giám sát chính quyền; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định 1374 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh của người dân, trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo.
Thực hiện mô hình đô thị thông minh, chính quyền các cấp nhận thông tin qua điện thoại di động, email để xử lý các vấn đề hằng ngày. Hằng năm, Thường vụ Thành ủy Thành phố cùng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của 4 cơ quan Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra của chính quyền, kiểm tra giám sát của Đảng.
Tăng tính tập trung, thống nhất cao
Theo đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại 19 quận, 259 phường trên địa bàn. Sau khi thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, trên địa bàn Thành phố còn lại 16 quận, 249 phường (giảm 2 quận do thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, 10 phường và tăng 1 thành phố).
Về thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân ở cấp huyện, nhất là cấp xã, chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế, văn hóa-xã hội trên địa bàn. Các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, kết cấu hạ tầng đô thị, tài chính-ngân sách, tổ chức-nhân sự… chủ yếu do chính quyền Thành phố quyết định. Cơ cấu tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp có nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh, gọn, hiệu quả.
Trong khi đó, với vai trò đô thị đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh cần tính chất tập trung, thống nhất cao, được quản lý thống nhất theo quy hoạch phát triển chung của toàn đô thị mà không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý và không gian của từng đơn vị hành chính nội bộ (quận, phường).
Bản thân Hội đồng Nhân dân cấp dưới không thể quyết định được những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương, mà chủ yếu phải do Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định, dẫn tới sự gián đoạn tính thống nhất, xuyên suốt của quản lý đô thị.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường sẽ giúp bộ máy của Thành phố hoạt động năng động, quản lý đô thị một cách hiệu quả hơn. Cơ quan hành chính ở quận, phường quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương, đồng thời tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách.
Cùng với đó, trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường, thẩm quyền quyết định các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công, thu-chi ngân sách Nhà nước thuộc về Hội đồng nhân dân Thành phố. Khi đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sự tập trung, thống nhất cao trong quản lý, giải quyết các “điểm nghẽn” của Thành phố như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Từ đó, việc giải quyết, xử lý sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay do liên quan đến thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều cơ quan.
Cần thiết ban hành Nghị quyết
Hiện nay, đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Quốc hội và đang được các đại biểu cho ý kiến trước khi ban hành Nghị quyết.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của Thành phố là thực sự cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Thành phố.
Việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của Thành phố. Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố thực hiện chính thức hay thí điểm đều là cơ sở pháp lý cần thiết để Thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Khái quát thực tiễn phát triển của Thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Thành phố có diện tích bằng 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9%, kinh tế đóng góp 22% cho nên áp lực quản lý rất lớn về mặt công việc.
Số đầu việc phát sinh hằng ngày rất lớn, trong khi trên 1km2, thành phố tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. Những hoạt động này phải được đáp ứng nhu cầu phát sinh, giải quyết kịp thời. Sự chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Vì thế, thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp cho quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường.
Theo TTXVN