Tiêu trừ độc tố
Những năm gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để MXH để phát tán thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá, gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Họ đưa lên internet và MXH một số mặt trái, góc khuất của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, chưa rõ ràng để dẫn dắt, hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực; tác động vào tư tưởng, đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Họ lợi dụng một số sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác thông tin trên báo chí phản ánh về những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội, để hư cấu, xuyên tạc, thổi phồng, lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, đăng tải thông tin thật - giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tuyên truyền, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; bịa đặt về bí mật nội bộ Đảng.
Từ đó lôi kéo, kích động vào một bộ phận cán bộ hưu trí, trí thức, văn nghệ sĩ hòng để đưa ra những quan điểm không đồng thuận, phản biện vô nguyên tắc, phản đối gay gắt với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Trước tình hình đó, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân...”.
Cuối năm 2018, đề cập đến vấn đề MXH, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, yêu cầu cần tăng cường chỉ đạo, định hướng quản lý báo chí xuất bản và tăng cường quản lý thông tin trên MXH, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, MXH đã và đang có tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng của xã hội.
Chúng ta cần biết rõ, nắm vững để “sống chung”, cũng như quản lý, định hướng nó. MXH là thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật toàn thế giới áp dụng, tuy nhiên cả thế giới cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong quản lý MXH, đối phó với mặt trái của MXH. Sự tác động của MXH là rất lớn, nên chúng ta phải chủ động thông tin định hướng để người dân hiểu rõ các vấn đề liên quan; không để các thế lực thù địch lợi dụng MXH để chống phá, kích động.
Thắt chặt quản lý
Mới đây, vào đầu tháng 10-2020, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT-TT, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên MXH. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (A05) đã vào cuộc.
Cùng các cơ quan chức năng, A05 đã yêu cầu Google và Facebook gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng ngàn clip, nội dung, bài viết nhảm nhí, xấu độc, trái thuần phong mỹ tục, trái với pháp luật Việt Nam. A05 cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí để mỗi người dân có ý thức chấp hành pháp luật, không bị lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm đạo đức, lan truyền thói hư, tật xấu vì lợi nhuận. Đồng thời, tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp không chấp hành.
Theo Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, cần phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp để quản lý internet trên cơ sở hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng và các luật, bộ luật liên quan. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của internet, nhất là MXH, luôn xuất hiện vấn đề mới khiến cho một số quy định pháp luật trở nên lạc hậu, bất cập hoặc không còn phù hợp, vì vậy cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của MXH.
Sự tiến bộ, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật ở nước ta cần tạo khung pháp lý qua quản lý đồng bộ đối với trang điện tử, MXH; thắt chặt việc tạo tài khoản cá nhân; có điều luật xử lý người lợi dụng internet để hoạt động chống chính quyền, lừa đảo kinh tế, tấn công các tổ chức, cá nhân... Bên cạnh việc biểu dương, ủng hộ người tốt, đưa thông tin tốt, cũng cần phải phê phán, răn đe người không tốt, xử lý người đưa tin xấu, độc.
"Cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội, thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Cùng với đó, phải xác định dòng thông tin tích cực của báo chí là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm"
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
|
Vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay là cần hoạch định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm chủ động, kịp thời, hiệu quả trong quản lý truyền thông MXH. Đó là giải pháp công nghệ và biện pháp kỹ thuật phù hợp, theo kịp sự phát triển của internet, khuyến khích phát triển MXH từ nền tảng công nghệ trong nước, khuyến khích các cơ quan, tổ chức xây dựng MXH nội bộ. Giải pháp về công cụ giúp quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; định lượng truy cập MXH làm căn cứ đánh giá, xây dựng, thực hiện chính sách quản lý nhà nước.
Giải pháp về công cụ lọc giúp phát hiện tin giả, tin sai sự thật… từ đó chủ động ngăn chặn sự lan truyền, cảnh báo tin giả. Giải pháp về cơ chế phối hợp giữa đơn vị quản lý và doanh nghiệp giúp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên internet, MXH. Đây chính là trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, cũng như doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Việt Nam với thị trường 100 triệu dân, có môi trường internet mở đang được MXH nước ngoài khai thác tối đa để kinh doanh, trong khi các MXH Việt Nam lại èo uột, không thể hiện được vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội.
Tại sao các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… đã đầu tư, làm chủ, phát triển được các nền tảng MXH cho người dân nước mình sử dụng, mà Việt Nam lại khó vậy? Đây không chỉ là chuyện kinh doanh đơn thuần mà cần tầm nhìn chiến lược về làm chủ và bảo vệ không gian mạng của đất nước. Đó còn là việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt trên “thế giới ảo”.
Việc đẩy lùi hiểm họa từ mặt trái của MXH cần huy động sức mạnh tổng hợp mọi lực lượng, sự phối hợp của các tổ chức, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng.
Trên hết, khi tham gia MXH, mỗi cá nhân, dù ở độ tuổi nào, cương vị gì cũng cần xác định trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng trong đăng tải, chia sẻ, để lan tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu độc, tẩy chay các nội dung nhảm nhí, dung tục.
Theo SGGP