Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK năm học 2020 - 2021. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc chỉnh sửa/hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện. Tuy nhiên, để xảy ra bức xúc trong dư luận về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, hội đồng thẩm định và tác giả. Trong đó, công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt; việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều còn chưa kịp thời. Ông nhận xét gì về giải trình này của Bộ GD-ĐT?
GS NGUYỄN LÂN DŨNG: Không chỉ SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều có “sạn” mà tập 2 cũng nhiều “sạn”. Như thế là không ổn. Với nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, rõ ràng học sinh lớp 1 không thể học Lev Tolstoy (nhà văn Nga) hay ngụ ngôn La Fontaine. Bộ sách Cánh Diều này do GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) chủ biên. Theo tôi, đã làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thì không nên chủ biên SGK.
Bộ GD-ĐT đã thống nhất sẽ sửa các nội dung mà dư luận phản ánh đồng thời yêu cầu nhà xuất bản và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời cho giáo viên dạy học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ 1. Theo ông, giải pháp này đã ổn chưa?
Tôi cho là chưa phù hợp. Nếu chỉnh sửa, hiệu đính rồi in tài liệu chỉnh sửa đính kèm thì cũng sẽ là tài liệu rất dài, gây thêm khó khăn cho giáo viên, học sinh. Và phát miễn phí cho học sinh thay thu tiền? Điều đó không đơn giản. Chính vì vậy mà nhiều ý kiến đề nghị thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, thay bằng sách của bộ khác. Dù với cách nào thì tôi cũng thấy rất lãng phí. SGK phải dùng đi dùng lại nhiều năm để tránh lãng phí, chỉ vì sai sót mà sách phải bỏ đi thì vô cùng lãng phí, đáng tiếc. Ở nhiều nước, SGK họ dùng nhiều năm. Dù phương án nào thì tổng số tiền bị lãng phí rất lớn, là tiền của của người dân cả, trong đó không ít người nghèo.
Xác định trách nhiệm thì mới không lặp lại sai sót, không để lãng phí, nhất là chúng ta đã, đang và sẽ làm SGK mới từ lớp 2 đến lớp 12. Từ sự việc này, theo ông, chúng ta phải truy rõ trách nhiệm của ai: tác giả viết sách, hội đồng thẩm định hay Bộ GD-ĐT?
Ở đây, lỗi lớn nhất là Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia. Không thể trách người viết sách được vì mỗi người một quan điểm. Khi đã khẳng định chương trình là pháp lệnh, SGK là tham khảo thì người viết SGK có quyền viết sách theo quan điểm của họ. “Ai viết SGK cũng được” nhưng vai trò thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia mới là quan trọng.
Người viết sách có thể do trình độ, quan điểm, tư tưởng nên viết SGK theo cách của họ nhưng trách nhiệm của hội đồng thẩm định chính là người “gác cửa”. Nếu cho qua thì sách mới được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nếu “gác cửa” không tốt thì đó là lỗi. Đó là chưa kể, tôi nghe có thành viên hội đồng thẩm định nói đã góp ý rồi, yêu cầu chỉnh sửa rồi mà nhóm tác giả không nghe. Điều đó lại càng phi lý. Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia có toàn quyền, không thể có chuyện tác giả viết sách không nghe.
Tôi chưa nói tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vì thực ra, theo quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK nhưng người thẩm định mới là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp nhất. Đó là lý do mà nhiều ý kiến nói Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia nếu làm không hết trách nhiệm của mình thì phải thay bằng Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia khác.
Ông có cho rằng, quy trình thẩm định SGK còn lỗ hổng, cần phải có quy trình thẩm định chặt chẽ hơn?
Về góc độ quản lý nhà nước, tôi biết Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn về việc biên soạn SGK, thẩm định SGK, trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Do đó, hội đồng, từng cá nhân trong hội đồng thẩm định phải thể hiện đúng vai trò “gác cửa” của mình.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Cần thẩm định kỹ hơn Về trách nhiệm, theo quy định của luật đã rõ: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK. Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn về việc biên soạn SGK, thẩm định SGK, trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Vì vậy, tôi cho rằng, sau trường hợp cụ thể với bộ sách Cánh Diều, việc hướng dẫn biên soạn SGK như thế nào cũng cần kỹ lưỡng hơn, nêu các yêu cầu cụ thể hơn; trách nhiệm của hội đồng thẩm định cũng phải thẩm định kỹ lưỡng hơn và có yêu cầu cương quyết hơn với các tác giả. Mặt khác, Bộ GD-ĐT phải tăng cường lấy ý kiến của dư luận thông qua các kênh khác nhau, mời các chuyên gia độc lập phản biện trước khi hội đồng thẩm định thông qua và Bộ GD-ĐT chính thức cho phép triển khai vào thực tế. |