Thế giới đã ghi nhận 44 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Thứ tư, 28/10/2020, 16:04
Tính đến 22 giờ ngày 27/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 44.234.182 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.171.260 ca tử vong.

Vòng tròn Olympic được trưng bày tại sân vận động Quốc gia Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 27/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 44.234.182 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.171.260 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là  32.440.992 người.

Nhật Bản sẵn sàng cơ sở y tế phòng, chống COVID-19 tại làng vận động viên Olympic Tokyo

Nhật Bản sẽ thành lập một cơ sở y tế tại làng vận động viên Olympic Tokyo để điều trị cho các vận động viên và huấn luyện viên bị  nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời thiết lập "một trung tâm kiểm soát bệnh lây nhiễm" trong khuôn khổ ủy ban tổ chức Olympic Tokyo để kiểm soát các biện pháp phòng chống COVID-19.

Trong thông báo ngày 27/10, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kazuhiro Sugita, đồng thời là Chủ nhiệm ủy ban phụ trách chống dịch COVID-19 của chính phủ, cho biết cơ sở y tế trên sẽ chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của các vận động viên, lựa chọn bệnh viện điều trị phù hợp và tổ chức vận chuyển bệnh nhân.

Trong khi đó, trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm có nhiệm vụ phối hợp với trung tâm y tế và phòng khám đa khoa trong làng vận động viên Olympic Tokyo để theo dõi tình trạng sức khỏe của các vận động viên và phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, đồng thời thu thập và chia sẻ những thông tin liên quan đến virus SARS-CoV-2.

Cùng với đó, các phòng khám đa khoa trong làng vận động viên Olympic Tokyo cũng sẽ triển khai một khoa điều trị ngoại trú để chẩn đoán những người có triệu chứng của COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Ủy ban Phòng chống COVID-19 đầu tháng trước nhằm đảm bảo xử lý kịp thời đại dịch trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo, dự kiến vào mùa Hè 2021.

Số ca nhập viện tại Bỉ cao nhất trong 7 tháng qua

Ngày 27/10, nhà virus học tại Bỉ, ông Steven Van Gucht, cho biết trong 24 giờ qua có thêm 689 trường hợp phải nhập viện điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Bỉ, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Van Gucht nhận định tình hình dịch COVID-19 tại Bỉ hiện rất đáng lo ngại và các bệnh viện sẽ đối mặt với sức ép rất lớn trong những tuần tới. Ông kêu gọi người dân Bỉ tuân thủ các quy định  của chính phủ về phòng chống dịch.

Hiện số bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại các bệnh viện ở Bỉ là 5.554 người, so với mức kỷ lục 5.759 người ghi nhận ngày 6/4. Ông Van Gucht dự báo kỷ lục không mong muốn này có thể sẽ bị phá vỡ vào ngày 28 hoặc 29/10. Ông nhấn mạnh nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các đơn vị chăm sóc đặc biệt sẽ quá tải vào giữa tháng 11.

Số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy Bỉ hiện là quốc gia châu Âu có số ca mắc COVID-19 cao nhất tính theo tỷ lệ dân số. Theo đó, với tỷ lệ trung bình 1.390,9 ca mắc mới trên 100.000 dân trong 14 ngày, Bỉ đã vượt CH Séc (1.379,8 ca/100.000 dân).

Bỉ hiện đứng thứ 2 châu Âu, sau Cộng hòa Séc, về tỷ lệ tử vong do COVID-19, với 5,8 ca trên 100.000 dân. Con số này tại Séc là 12,3 ca trên 100.000 dân.

Dự kiến, trong ngày 28/10, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo sẽ họp với thủ hiến các vùng để tham vấn nhằm đảm bảo các công dân, doanh nghiệp được bảo vệ trong đại dịch.

Bỉ không áp dụng các biện pháp thống nhất trên toàn quốc trong phòng chống dịch COVID-19 vì các chính quyền vùng có thẩm quyền đưa ra những quy định riêng của vùng.

Đức lên kế hoạch tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 27/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa kêu gọi người dân ý thức và nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

The gioi da ghi nhan 44 trieu ca nhiem virus SARS-CoV-2 hinh anh 1
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 24/10/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Trong tuyên bố đưa ra tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: " Mặc dù mỗi người dân đều biết cách có thể tự bảo vệ mình, tuy nhiên nếu chúng ta chủ quan và không tuân thủ những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của loại virus này  thì chúng ta sẽ rơi vào tình huống khó khăn nhất định". Dự kiến tại cuộc họp với lãnh đạo các bang của Đức vào ngày mai (28/10), Thủ tướng Merkel sẽ thúc đẩy việc áp đặt thêm các biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế sự lây lan nhanh đáng lo ngại hiện nay của dịch COVID-19.

Trong khi đó, tờ Bild (Hình ảnh) của Đức cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc một loạt các biện pháp hạn chế mới bao gồm đóng cửa các nhà hàng và quán bar cũng như cấm tổ chức các sự kiện công cộng. Bên cạnh đó, các trường học và  trung tâm chăm sóc ban ngày vẫn mở cửa, trừ các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, các cửa hàng bán lẻ cũng được phép mở cửa với những hạn chế mới nhất định

Thủ hiến bang Bayern Markus Söder và Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cũng kêu gọi một cách tiếp cận thống nhất trên toàn quốc để đối phó với đại dịch COVID-19. Cả hai cùng cho rằng mặc dù việc áp dụng các biện pháp tái phong tỏa có giới hạn sẽ gặp khó khăn và không dễ dàng, song hy vọng Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các bang không đưa ra các biện pháp "nửa vời" mà cần tập trung cho một giải pháp hiệu quả.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành, đa số người dân Đức đang mong chờ chính phủ sớm áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn. Bên cạnh đó, hơn 60% người dân cho rằng các nhà hàng, cửa hiệu và trường học sẽ đóng cửa.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã cảnh báo với tốc độ lây nhiễm như hiện nay thì số ca nhiễm mỗi ngày ở Đức có thể đạt mức 20.000 ca vào cuối tuần, Phát biểu khi tham dự một hội nghị kinh tế trực tuyến Đức-Pháp diễn ra ở thủ đô Berlin, ông Almaier cho biết số ca nhiễm mới ở Đức đang tăng theo cấp số nhân, khoảng 70-75% so với tuần trước."

Tronng khi đó, Theo Viện dịch tễ Robert Koch, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 27/10 ở Đức là 11.409 ca, tăng gần 7000 ca so với hôm 20/10.

Ecuador kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với Mỹ Latinh

Ngoại trưởng Ecuador Luis Gallegos mới đây đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác với các nước Mỹ Latinh và Caribe để đảm bảo nguồn cung cấp y tế và các vắcxin tiềm năng ngừa dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến bên lề phiên họp thứ 38 của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribê của Liên hợp quốc (Cepal), Ngoại trưởng Gallegos đã nêu bật những thách thức mà các quốc gia có thu nhập trung bình phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch, như sự yếu kém của hệ thống y tế công, mức nợ cao và không gian tài chính hạn chế.

Theo đó, quan chức ngoại giao Ecuador hối thúc cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy hợp tác thích hợp với khu vực để đảm bảo quyền tiếp cận y tế, thuốc và nguồn vắcxin tương lai để phòng bệnh COVID-19.

Theo báo cáo chung được thực hiện bởi Cepal và Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), tỷ lệ dân số sống trong cảnh nghèo cùng cực tại Mỹ Latinh và Caribe có thể lên tới 83,4 triệu người trong năm 2020 như một hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Ecuador nằm trong số những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID109. Theo số liệu cập nhật, quốc gia Nam Mỹ tính tới nay đã ghi nhận 162.178 ca nhiễm bệnh, trong số đó số ca tử vong là 12.573 trường hợp.

New York tăng cường các biện pháp cách ly khi mùa lễ hội tới gần

Theo phóng viên TTXVN tại địa bàn, thành phố New York đang tiến hành tăng cường các biện pháp cách ly đối với khách du lịch tới từ các bang khác nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong thời điểm mùa lễ hội đang tới gần.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 27/10, thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi người dân New York tránh đi du lịch trong thời gian tới trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở nhiều bang trong nước Mỹ và trên thế giới đang tăng trở lại.

The gioi da ghi nhan 44 trieu ca nhiem virus SARS-CoV-2 hinh anh 2
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông bày tỏ lo ngại thành phố của mình đã từng là tâm dịch sẽ phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ hai nếu công tác phòng ngừa không được thực hiện triệt để.

Ông de Blasio tuyên bố thành phố New York áp dụng chặt chẽ quy định cách ly 14 ngày đối với khách tới từ 38 bang của nước Mỹ và 2 vùng lãnh thổ của Mỹ là Guam và Puerto Rico đồng thời sẽ có biện pháp thích đáng với những ai không tuân thủ quy định này.

Thị trưởng thành phố New York cũng kêu gọi chính quyền liên bang nên ra quy định yêu cầu khách du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới trong vòng 72h đồng hồ mới được cho phép lên máy bay.

Hiện các sân bay tại thành phố New York như John F. Kennedy và LaGuardia đều có khu vực xét nghiệm và làm thủ tục truy xuất tiếp xúc đối với hành khách.

Cũng trong ngày 27/10, hệ thống 64 trường đại học công lập tại bang New York cũng yêu cầu sinh viên nội trú phải xét nghiệm bắt buộc trước khi rời trường về nghỉ lễ Tạ Ơn vào tháng 11.

New York hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng dịch COVID-19 bùng phát cục bộ ở một số trại giam tại bang. Nhà tù Elmira hiện có 459 trường hợp phạm nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, tính tới cuối tuần vừa qua, và tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại đây cao gấp 30 lần so với tỷ lệ chung của bang, khiến chính quyền sở tại không thể không lo ngại và tạm thời phải dừng cho phép gia đình phạm nhân tới thăm đồng thời cũng tạm dừng các hoạt động tiếp nhận hoặc chuyển phạm nhân đi các nơi khác.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn