Ba điểm nhấn từ chuyến thăm của Thủ tướng Suga

Thứ tư, 21/10/2020, 12:50
Trả lời Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng chuyến thăm gặt hái nhiều thành công của Thủ tướng Nhật Bản sẽ tăng cường niềm tin của các nước khác vào tương lai kinh tế của Việt Nam.

Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9.

Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật, với bước đi này, Tokyo hy vọng gửi thông điệp mạnh mẽ rằng “chủ đề trung tâm trong chính sách ngoại giao của Thủ tướng Suga là hợp tác với các nước ASEAN".

Thu tuong Nhat tham Viet Nam anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Hà Nội ngày 19/10. Ảnh: Hoàng Hà.

“Thật không may, trong khu vực này, những diễn biến trái với thượng tôn pháp luật và cởi mở” đã xảy ra ở Biển Đông, Thủ tướng Suga nêu trong bài phát biểu tại Đại học Việt - Nhật ở Hà Nội chiều 19/10. “Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông”.

Công nhận vai trò quốc tế của Việt Nam

Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật có bài phát biểu chính sách như vậy tại Việt Nam.

Chia sẻ với Zing, giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định chuyến thăm của ông Suga đã thể hiện rõ nét sự công nhận đối với vai trò quốc tế của Việt Nam.

“Tất cả văn bản chính sách trọng yếu về quốc phòng và an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump đều nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ trong việc phát triển quan hệ chiến lược với Việt Nam. Australia cũng công nhận vai trò đặc biệt trong khu vực của Việt Nam. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide tới Việt Nam là sự tái khẳng định riêng biệt về vai trò trung tâm của Việt Nam đối với an ninh của Đông Nam Á. Thủ tướng Suga đã tuyên bố tại Hà Nội rằng: ‘Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở’”.

Ông Suga cũng nêu rõ Nhật Bản là quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. "Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, ông nói.

Khi thông báo kết quả hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 19/10, Thủ tướng Suga cho biết hai nước “cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là bước phát triển lớn trong hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước”. Giáo sư Thayer đánh giá cả hai bên đều có lợi với thỏa thuận về nguyên tắc này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomoyuki Yoshida nêu rõ hơn trong họp báo sau đó tại Hà Nội rằng thỏa thuận mới là khuôn khổ nhằm đảm bảo việc chuyển giao thiết bị, kỹ thuật quốc phòng tuân theo những nguyên tắc cơ bản của Tokyo.

Ông Yoshida nói việc chuyển giao phải đảm bảo sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực, được dùng cho mục đích hòa bình, và không được chuyển giao cho bên thứ ba một cách trái phép - lập trường chung, nhất quán của Nhật Bản trong hợp tác quốc phòng với mọi quốc gia.

Thu tuong Nhat tham Viet Nam anh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Tăng cường vị thế kinh tế của Việt Nam

Về mặt hợp tác kinh tế, Thủ tướng Suga cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên khắp Đông Nam Á, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực.

"Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với ASEAN để thúc đẩy sự phục hồi của chuỗi cung ứng và xây dựng các nền kinh tế ở châu Á đang phải chống chọi với khủng hoảng”, Thủ tướng Suga nói trong bài phát biểu tại Đại học Việt - Nhật.

Theo phân tích của ông Thayer, trước chuyến thăm này, Thủ tướng Suga đã khởi xướng chương trình trợ cấp để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường bằng cách chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á.

Theo dữ liệu sơ bộ, 30 công ty Nhật Bản đã tận dụng chương trình 23,5 tỷ yen (hơn 220 triệu USD) này của chính phủ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, 15 công ty đã chọn Việt Nam.

Trong chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản tới Hà Nội ngày 18-20/10, hai biên bản ghi nhớ đã được ký kết. Trong đó, văn kiện đầu tiên là cam kết từ công ty Marubeni Corporation của Nhật Bản sẽ đầu tư 1,3 tỷ USDvào một nhà máy điện ở Cần Thơ.

Biên bản ghi nhớ thứ hai giữa công ty Tokyo Gas của Nhật và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam để cùng phát triển một nhà máy nhiệt điện 1,9 tỷ USDở Việt Nam.

Thêm vào đó, ngân hàng Gunma Bank sẽ mở văn phòng đại diện ở TP.HCM để cung cấp cho khách hàng thông tin về điều kiện thị trường và các quy định hành chính ở Việt Nam.

Về hợp tác chống dịch Covid-19, Thủ tướng Suga cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 19/10: “Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa (sử dụng) tối đa trang thiết bị y tế mà chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, với tổng số tiền 4 tỷ yen Nhật (38 triệu USD), hai nước sẽ phối hợp để có thể chung bước trên con đường phục hồi sau dịch Covid-19”.

Thu tuong Nhat tham Viet Nam anh 4

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Reuters

Theo nhận định của giáo sư Thayer, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga với những kết quả tích cực, bao gồm nối lại các chuyến bay giữa hai nước, thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng và công nghệ, cùng các thỏa thuận đầu tư, sẽ tăng cường niềm tin của các nước khác vào tương lai kinh tế của Việt Nam - vốn đang hồi phục sau đại dịch Covid-19.

“Điều này sẽ thúc đẩy các nền kinh tế phát triển đầu tư vào một Việt Nam ổn định khi nhiều hoạt động sản xuất của các nước này đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc”, giáo sư Thayer nói với Zing.

Trụ cột là hợp tác về nguồn nhân lực và công nghệ

Với tiến sĩ Aizawa Nobuhiro (giáo sư tại Đại học Kyushu University, Nhật Bản, và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson, Mỹ), việc Thủ tướng Suga chọn một trường đại học để phát biểu chính là phản ánh thông điệp rằng một trong những trụ cột chính trong quan hệ Việt - Nhật là phát triển nhân lực.

"Trong bài phát biểu (ở Đại học Việt - Nhật), ông Suga nêu bật tiểu sử cá nhân về việc đạt được ước mơ nhờ học vấn. Ông cũng tiết lộ chính ông khi còn là chánh văn phòng nội các đã tiến hành những cải cách pháp lý để mở cửa thị trường lao động tại Nhật Bản cho người dân Việt Nam. 1/3 bài phát biểu của ông Suga tại đây là về giao lưu nhân lực và giáo dục", tiến sĩ Nobuhiro nói với Zing.

Vị chuyên gia người Nhật cũng lưu ý việc Thủ tướng Suga dùng cụm từ "đối tác bình đẳng" trong bài phát biểu.

"Đây là từ quan trọng, có thể xem như tuyên bố là Nhật không muốn một thế cục quyền lực bất cân xứng. Điều đó cũng thể hiện đây không phải một mối quan hệ 'giao dịch'. Đó là một mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy", theo tiến sĩ Nobuhiro.

Điểm nhấn thứ 3 mà tiến sĩ Nobuhiro lưu ý là thách thức về hợp tác công nghệ số. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản sẽ "hỗ trợ việc ban hành quyết định dựa trên 'Dòng chảy dữ liệu tin cậy tự do', hay DFFT".

Vị chuyên gia Nhật cho rằng việc hiện thực hóa ý định này sẽ có tác động đến quan hệ hai nước trong thời gian tới.

"Có nhiều lý do để Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, áp dụng ban hành quyết định dựa trên quản trị dữ liệu hay DFFT. Nhưng đây chỉ là khởi đầu. Kể từ thỏa thuận về quản trị dữ liệu, chúng ta có thể tiến tới các tiêu chuẩn về phần mềm và đạo đức quản trị," ông Nobuhiro nói.

Trong thời gian tới, từ bài phát biểu của Thủ tướng Suga, tiến sĩ Nobuhiro cho rằng Nhật Bản và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác thúc đẩy sự hội nhập xã hội giữa hai đất nước, thông qua con người và hợp tác công nghệ. "Đó là một mục tiêu tham vọng nhưng đáng đầu tư về mặt chiến lược", ông nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn