Chính sách đối ngoại có thay đổi?

Thứ ba, 13/10/2020, 10:04
Tại cuộc tranh luận giữa các ứng viên Phó Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris khi nhắc đến sự suy giảm vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã trích dẫn lời ông Joe Biden: “Chính sách đối ngoại, nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực sự là các mối quan hệ”.

Nếu chỉ có vậy, thì với những thiệt hại từ sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, và giả sử thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, ông Joe Biden và bà Harris liệu có khôi phục được uy tín của Mỹ trên thế giới?

Chính sách đối ngoại có thay đổi? ảnh 1
Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris,  ứng viên tranh cử Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ. Ảnh: CNN
Bilahari Kausikan, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Singapore và hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định trên báo Straits Times rằng, ngay cả nếu đảng cầm quyền và ông chủ Nhà Trắng thay đổi thì cũng không nên kỳ vọng có những thay đổi căn bản trong quỹ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ. Đó chủ yếu sẽ là những thay đổi về cách thức, hình thức cũng như tiến trình đưa ra và truyền đạt các quyết định. Những thay đổi đó quan trọng nhưng mang tính căn bản. Mỹ không tìm cách rút khỏi thế giới bởi đó là điều bất khả thi. Cái họ tìm kiếm là trạng thái cân bằng mới. Họ điều chỉnh sự can dự của mình trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự, đồng thời xác định các lợi ích của mình một cách hạn hẹp hơn, ít quan tâm hơn đến đồng minh và bạn bè.

Hiện không có vấn đề nào quan trọng hơn mối quan hệ Mỹ - Trung. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đều nhất trí rằng mối quan hệ đó đang trong tình trạng cạnh tranh chiến lược. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Joe Biden đã cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc và thừa nhận rằng cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump chỉ là thiếu nhất quán chứ không sai.

Ông Joe Biden tuyên bố sẽ tìm cách ổn định các mối quan hệ và cải thiện tình hình bằng cách thực hiện những biện pháp đó một cách trật tự và minh bạch hơn. Nói chung, cách tiếp cận của ông Joe Biden đối với vấn đề thương mại có thể sẽ giống với cách tiếp cận của ông Donald Trump nhưng nhẹ nhàng hơn. ASEAN và phần còn lại của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ cần được đảm bảo rằng chính phủ của ông Joe Biden (nếu ông thắng cử) có tầm nhìn chiến lược về khu vực và sẽ không bị phân tâm bởi vấn đề nhân quyền cùng các vấn đề thứ yếu khác.

Các chính phủ kế tiếp nhau ở Mỹ đã thúc ép châu Âu phải đóng góp nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ của chính họ. Tất cả đều đã thất bại và ông Joe Biden khó có thể làm tốt hơn. Việc xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh sẽ không phải là một cuộc dạo chơi.

Nhìn chung, cử tri Mỹ muốn các ứng viên giải quyết các vấn đề trong nước và thiết lập trật tự ở nước Mỹ. Khẩu hiệu của ông Donald Trump là “Đặt nước Mỹ trước tiên” hay kế hoạch kinh tế “Made in All of America” của ông Joe Biden đều phù hợp với xu hướng chính trị này. Nếu ông Joe Biden thắng, Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ đi vào một chặng đường rất khó khăn, ưu tiên giải quyết các hậu quả kinh tế trong nước do đại dịch gây ra, chứ không phải tập trung vào chính sách đối ngoại. Còn nếu ông Donald Trump thắng, mớ hỗn độn toàn cầu do Mỹ gây ra mà ông Joe Biden đang cam kết cứu vãn có thể sẽ trầm trọng thêm.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn