“Hãy để tôi nói điều này: Ông ấy là một người tranh biện giỏi”, Harris nói trong một buổi gây quỹ trực tuyến vào tháng trước. "Vì vậy, tôi rất lo lắng, như thể tôi chỉ có thể thất vọng".
Đánh giá của ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris về Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence cũng được các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng tình. Họ biết Phó Tổng thống và hiểu các kỹ năng của ông khi từng là người dẫn chương trình radio và là người truyền đi những thông điệp kỷ luật nhất của chính quyền Trump.
John Gregg, một đảng viên Đảng Dân chủ ở Indiana, người đã học trường luật với Pence và đối đầu với ông trong cuộc chạy đua thống đốc năm 2012 của bang, cho biết mọi người đánh giá thấp kỹ năng của Phó Tổng Thống. “Bạn biết đấy, ông ấy rất dễ bị chọc phá. Nhiều người làm vậy vì ông ấy bảo thủ - hoặc vì những điều ông ấy nói. Nhưng họ đang đánh giá thấp Mike. Ông ấy là một nhà tranh luận rất cừ. Những năm Pence làm người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh đã giúp ông trở thành 'ông hoàng thông điệp', kết hợp với kĩ năng truyền tải tập trung".
Trong khi đó, Harris có thể dựa vào các kỹ năng tố tụng của bà, vị thế được xem như ngôi sao đang lên trong Đảng Dân chủ và là người phụ nữ da màu đầu tiên có đề cử của một đảng lớn.
Với kinh nghiệm từng làm công tố viên, Harris không giấu giếm chuyện sẽ sử dụng "phong cách" này vào chiến dịch tranh cử.
"Vụ việc chống lại Donald Trump và Mike Pence sẽ được mở ra", bà nói khi được đề cử làm ứng viên Phó Tổng thống.
Kamala Harris và Mike Pence.
Bên cạnh đó, giới tính cũng trở thành một yếu tố được quan tâm vì chiến dịch tranh cử của ông Trump được cho là đang gặp khó khăn với các cử tri nữ, và những lời chỉ trích mà ông Pence nhận từ cánh tả vì thói quen tránh ở một mình với một phụ nữ không phải vợ mình.
Nhìn chung, các cuộc tranh luận Phó Tổng thống không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng phiếu bầu. Hiện tại, truyền thông Mỹ vẫn liên tục đưa tin ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong các cuộc khảo sát chưa đầy đủ.
Nhưng giới quan sát cho rằng cuộc tranh luận Pence-Harris đáng chú ý vì một số yếu tố: Thứ nhất, với dịch bệnh COVID-19 và những diễn biến khó lường, mỗi lần đối đầu hiếm hoi giữa hai đảng đều có thể là lần đối đầu cuối cùng của chiến dịch. Thứ hai, các ứng viên Phó Tổng thống lần này có khả năng lớn kế nhiệm người tranh cử cùng họ và trở thành Tổng thống trong tương lai gần.
Thứ ba, sau màn đối đầu căng thẳng hỗn loạn ban đầu giữa hai ứng viên Tổng thống, cuộc tranh luận Phó Tổng thống có thể là cơ hội cho cử tri “chậm lại” và nhìn rõ hơn những quan điểm, chính sách của cả hai đảng.
Mike Pence
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không còn xa lạ với chính trường Mỹ sau 4 năm giữ chức thống đốc bang Indiana và 12 năm ở Hạ viện.
Sinh năm 1959 tại Columbus, Indiana, ông Pence là một trong 6 người con. Ông lớn lên như một người Công giáo và Gia đình ông là những người ủng hộ Đảng Dân chủ. Trong thời gian trưởng thành, ông chuyển sang trung thành với Đảng Cộng hòa.
Khi còn là thống đốc bang Indiana, ông đã ký hai luật đặc biệt gây tranh cãi.
Dự luật đầu tiên, được gọi là dự luật "phản đối tôn giáo", được xem là để bảo vệ các chủ doanh nghiệp không muốn tham gia các đám cưới đồng giới. Năm 2016, ông cũng thông qua luật cấm phá thai chỉ dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc chẩn đoán khuyết tật của thai nhi. Các luật này đã được sửa đổi hoặc ngăn chặn.
Ông Donald Trump và ông Mike Pence. Ông Trump chọn ông Pence đồng hành tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. (Ảnh: Getty)
Pence được coi là một sự lựa chọn an toàn, với tư cách là một quan chức đảng Cộng hòa phục vụ lâu năm có quan hệ chặt chẽ với cơ sở đảng. Ông đã được ca ngợi trong đảng vì kinh nghiệm và các quan điểm bảo thủ vững chắc. Khi còn đương chức, ông đã thúc đẩy cắt giảm chi tiêu của chính phủ, nhanh chóng nổi tiếng là một người bảo thủ ngoan cố. Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện, đã mô tả ông là một "người bạn cá nhân" và một "nhà phong trào bảo thủ".
Đối với nhiều người ủng hộ, ông Pence được xem là “chốn bình yên” trong chiến dịch tranh cử hỗn loạn.
Trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống của mình, ông đã thường xuyên bảo vệ các chính sách của Tổng thống và được bổ nhiệm làm lãnh đạo lực lượng chuyên trách chống COVID-19 của Nhà Trắng vào tháng 2/2020. Pence thường xuyên đứng sau Tổng thống Trump qua nhiều tranh cãi.
Kamala Harris
Thượng nghị sĩ Kamala Devi Harris, sinh năm 1964, ở Oakland, California. Bà là con cả trong gia đình có hai người con. Sau khi tốt nghiệp trung học, Harris theo học tại Đại học Howard, trường cao đẳng danh tiếng ở Washington, D.C. Bà học chuyên ngành khoa học chính trị và kinh tế. Sau khi được một đồng nghiệp cũ ở Alameda tuyển dụng vào văn phòng Biện lý quận San Francisco, Harris đã trấn áp hoạt động mại dâm ở tuổi vị thành niên trong thành phố.
Kamala Harris đạt được một danh sách dài những điều đầu tiên: người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm luật sư quận trong lịch sử California, người phụ nữ đầu tiên làm Bộ trưởng Tư pháp California, người gốc Ấn Độ đầu tiên là Thượng nghị sĩ Mỹ, và bây giờ, là phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên được chọn làm Phó Tổng thống tranh cử theo đề cử của một đảng lớn.
Ứng viên Joe Biden và Kamala Harris. (Ảnh: The World)
Ngày 11/8, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden chính thức thông báo lựa chọn Thượng nghị sỹ Kamala Harris trở thành người đồng hành, và là ứng viên Phó Tổng thống của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11.
Harris nổi bật trong các cuộc bầu cử sơ bộ với các cuộc tấn công sắc bén nhắm vào đối thủ. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai người là việc bà không dành nhiều sự ủng hộ cho chương trình chăm sóc sức khỏe "Medicare for All".
Ngoài ra, bà Harris được đánh giá là chưa thể hiện rõ ràng tư tưởng "nghiêng về bên nào" giữa hàng loạt ứng viên trong các cuộc tranh cử sơ bộ, như Bernie Sander hay Elizabeth Warren.
Với việc hiện tại trở thành người đồng hành tranh cử, bà được cho là sẽ tấn công vào cách phản ứng với đại dịch COVID-19 của chính quyền Trump, trong đó ông Pence đứng đầu nhóm chuyên trách.
Có lợi thế lớn khi có kinh nghiệm hoạt động chính trị tại California, bang kinh tế lớn nhất tại Mỹ, bà Harris nhận được sự ủng hộ, ca ngợi từ nhiều người trong đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ hy vọng bà Harris sẽ thu hút phiếu bầu từ những người Mỹ gốc Phi, những cử tri trung thành nhất của đảng.
Tuy nhiên sẽ cần nhiều hơn những lời chỉ trích đối thủ, hay nói cách khác là kiểm tra thông tin đối thủ một cách chặt chẽ, để ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ thêm vào điểm cộng cho đảng của mình trong cuộc tranh luận sắp tới.