Cũng như một số nhân vật có uy tín trên các lĩnh vực, ngay sau khi tiếp tục nổi tiếng, GS Trần Đông A được một bộ phận truyền thông quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, khai thác, không chỉ về đề tài chuyên môn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn ông, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề này.
Càng nổi tiếng càng phải có bản lĩnh
PV: Xin chúc mừng GS Trần Đông A và tập thể y sĩ, bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ tách cặp song sinh Song Nhi. Sau gần 32 năm kể từ ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức, ông lại tiếp tục góp công đưa vị thế của nền y học Việt Nam lên tầm cao mới trên bản đồ y khoa thế giới.
GS Trần Đông A: Sau gần 3 tháng thực hiện ca phẫu thuật lịch sử và thực hiện quy trình hậu phẫu nghiêm ngặt, đến hôm nay chúng ta đã tự tin khẳng định, ca mổ tách cặp Song Nhi đã thành công tốt đẹp. Với ca mổ này, tôi tham gia cố vấn chuyên môn cho các học trò của mình ở tất cả các khâu. Rất hạnh phúc vì sau gần 32 năm kể từ khi mổ tách thành công cặp song sinh Việt - Đức, thế hệ học trò của tôi, nay đã là các phó GS, tiến sĩ, đã hoàn toàn làm chủ y thuật hiện đại để có thể thực hiện, xử lý những tình huống rất phức tạp và hiếm gặp của y văn thế giới.
Không ít người là chuyên gia trên các lĩnh vực, sau khi nổi tiếng thường được một bộ phận truyền thông quốc tế và hải ngoại quan tâm rất kỹ lưỡng. Một số trường hợp có biểu hiện sa đà quá mức, có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, phán xét những vấn đề ngoài chuyên môn, ngoài tầm hiểu biết của mình, tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công kích, chống phá đất nước. GS có lúc nào rơi vào hoàn cảnh này không?
Có chứ! Chẳng phải đến bây giờ người ta mới để ý khai thác mà truyền thông quốc tế và hải ngoại đã quan tâm đến tôi từ rất lâu rồi, bởi tôi từng là sĩ quan quân y phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi là một trong 30 trường hợp được ưu tiên, bảo lãnh cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) để sang Mỹ định cư, nhưng tôi đã khước từ, quyết định ở lại đất nước.
Sau ca mổ tách cặp song sinh Việt-Đức, tôi liên tục được mời đi nhiều nước tham quan, giao lưu, tham dự các hội nghị quốc tế, gặp gỡ nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong khuôn khổ của những diễn đàn ấy, người ta không chỉ hỏi mình về chuyên môn mà còn đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, đường lối đối ngoại của đất nước, về hòa hợp dân tộc, tình hình thời sự của đất nước. Nếu mình không tỉnh táo, rất dễ nói “hớ”. Từ những phát ngôn thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến những sai lầm, hậu quả rất khó lường.
GS Trần Đông A. Ảnh: LỮ NGÀN.
Trong những hoàn cảnh đó, GS ứng xử như thế nào để không bị “hớ”?
Phải đọc, phải chịu khó nghiên cứu. Trước khi ra nước ngoài, tôi phải tìm hiểu, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tôi nói được cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên việc giao tiếp với khách quốc tế không gặp khó khăn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức dân tộc, bản lĩnh chính trị. Đi đâu, làm gì mình cũng phải thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước. Nói gì, làm gì đều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Người nổi tiếng càng đòi hỏi phải có bản lĩnh, bởi những phát ngôn của cá nhân, dù trong hoàn cảnh nào, về lĩnh vực gì cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn với công chúng, nhất là trong môi trường công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay.
GS có thể nêu dẫn chứng?
Nhiều lắm. Những nội dung mình chủ động, có sự chuẩn bị từ trước thì không vấn đề gì. Nhưng có những tình huống người ta hỏi bất ngờ, kiểu như “cài” mình vậy, thì mình cũng phải có cách ứng xử tỉnh táo. Năm 2003, khi sang Mỹ, trong một diễn đàn có nhiều nghị sĩ và truyền thông tham dự, người ta hỏi tôi: “Được biết ngài từng bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt cải tạo 2 năm sau ngày giải phóng miền Nam. Ngài có bị họ phân biệt, đối xử không”? Tôi trả lời: “Hai năm trong trại cải tạo là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi. Nhưng sau đó và cho đến hôm nay nhìn lại, tôi luôn thấy đó là điều cần thiết. Nếu có sự phân biệt đối xử, chắc hôm nay tôi không có vinh hạnh được gặp quý vị ở đây”. Đó là một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Người ta hỏi nhanh và tôi cũng trả lời rất nhanh. Câu trả lời ấy đã được nhiều người tán thưởng.
Lại có lần truyền thông một nước đặt vấn đề như thế này: Ở nhiều nước, dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam nhưng người ta có 4-5 đảng, kinh tế mạnh hơn hẳn Việt Nam. Tại sao Việt Nam dân số đông lại chỉ có một đảng? Có phải vì thế nên Việt Nam vẫn nghèo? Tôi nói, ở Việt Nam, thế hệ như tôi đã mất hơn nửa cuộc đời chìm trong khói lửa chiến tranh thì làm sao đất nước có thể giàu nhanh được. Những người như tôi, cho dù trước đây đứng ở bên kia chiến tuyến, nhưng hiện nay chỉ có khát vọng duy nhất là giữ cho đất nước hòa bình, ổn định, phát triển. Vì vậy chúng tôi chỉ cần có một đảng thôi. Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đặt trong bối cảnh chung, trong lúc nhiều nước xảy ra khủng bố, bạo loạn, biểu tình, nội chiến... thì hơn 90 triệu dân Việt Nam vẫn chung sống thân thiện, đoàn kết. Vậy, chúng tôi đâu cần phải có nhiều đảng để rước cái rối ren, phức tạp cho quốc gia, dân tộc?
Muốn hòa hợp phải thực tâm, xây dựng
Đất nước hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ, vậy nhưng trong các mối quan hệ quốc tế, hội nhập, chúng ta vẫn gặp những biểu hiện mang tư tưởng thù hận. GS có cho rằng, những điều ấy đang là lực cản của hòa hợp dân tộc?
Tư tưởng thù hận vẫn còn dai dẳng ở một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài và cả một số thành phần ở trong nước. Tôi nghĩ, trước những biểu hiện kích động hận thù, chống đối, cản trở hòa hợp dân tộc, chúng ta phải luôn bình tĩnh, đường hoàng trong ứng xử, vì lẽ phải, chân lý thuộc về mình. Nếu mình cũng có biểu hiện cay cú như họ, rồi thì đôi co, “trả đũa” nhau trên truyền thông và mạng xã hội thì không nên. Mình phải nói lẽ phải. Nói phải thì củ cải cũng nghe.
Khi tôi sang Mỹ, gặp những thành phần chống đối, ban đầu họ tỏ thái độ ra mặt. Nhưng tôi cứ bình thản bước vào hội trường, đường hoàng đăng đàn phát biểu. Họ thấy mình như thế thì ngay sau đó họ kiếm cớ “lủi” mất. Vậy là người phải xấu hổ là họ chứ đâu phải mình. Khi ra nước ngoài, giữ phong thái, vị thế của đất nước là rất quan trọng. Bạn bè quốc tế người ta nhìn mình để đánh giá đất nước, dân tộc mình. Vì thế, chúng ta phải chứng tỏ cho người ta thấy, những gì mà một bộ phận người Việt thể hiện tư tưởng chống đối, thù địch với đất nước chỉ là thiểu số, lạc lõng.
Về phần mình, có bao giờ GS tự đặt câu hỏi, nếu ngày đó GS quyết định sang Mỹ định cư thì cuộc sống của bản thân hiện nay sẽ thế nào?
Chưa bao giờ. Hơn 45 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, tôi đã được rèn luyện, trưởng thành và cống hiến trong môi trường thuận lợi ở đất nước mình, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình, đặc biệt là bệnh nhi. Các danh hiệu Đảng, Nhà nước phong tặng cho tôi đã phần nào nói lên điều đó.
Để chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả, thực chất, theo GS, chúng ta cần phải đẩy mạnh và khắc phục những vấn đề gì?
Chủ trương hòa hợp dân tộc đã áp dụng ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhưng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thì phải đến khi chúng ta có Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Hơn 16 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 36, vấn đề hòa hợp dân tộc ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Chúng ta đã thu hút được nguồn lực to lớn từ kiều bào khắp nơi trên thế giới, chung tay, góp sức xây dựng đất nước. Tôi cho rằng, những vướng mắc hiện nay không phải ở chủ trương, mà ở cách vận dụng, thực hiện chủ trương từ cơ sở, địa phương và từ phía đối tượng của hòa hợp dân tộc.
Người tài trong cộng đồng Việt kiều không hiếm, nhưng để thu hút họ toàn tâm toàn ý đóng góp xây dựng quê hương, đất nước thì phải có môi trường, bệ đỡ vững chắc từ cơ sở. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng từ cơ sở phải năng động, nhạy bén, cởi mở. Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, sự thông thoáng không đồng nghĩa với dễ dãi. Mọi hoạt động đều phải thượng tôn pháp luật, không để tình trạng lợi dụng tính nhân văn của chủ trương, sự thông thoáng của cơ chế để thực hiện các âm mưu đen tối.
Người Việt Nam ở nước ngoài, bất kể là ai, ở đâu, đều phải có nhận thức thấu đáo, bản thân mình vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của hòa hợp dân tộc. Thế nên, trước hết và trên hết, muốn hòa hợp thực chất, hiệu quả, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, mang tinh thần xây dựng. Mọi hành động, việc làm hướng về quê hương đất nước phải thực tâm. Đã là người Việt Nam thì phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Xin cảm ơn GS đã trả lời phỏng vấn!
GS Trần Đông A sinh năm 1941 tại Hải Hậu (Nam Định), theo gia đình vào định cư ở Sài Gòn năm 1954. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học ngành y tại Đại học Y khoa Sài Gòn, sau đó phục vụ trong ngành quân y của quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1968 đến tháng 4-1975. Sau ngày đất nước thống nhất, ông từ chối sang Mỹ định cư, tham gia học tập cải tạo, thực hiện cuộc hành trình phấn đấu, cống hiến bền bỉ. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI và XII; là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên tục từ khóa VI đến nay. Không chỉ đóng góp xuất sắc cho y học nước nhà, GS Trần Đông A còn là tấm gương mẫu mực về y đức và tinh thần cống hiến. Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2006, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008. |
Theo qdnd.vn