Theo phương án của đơn vị xây dựng đề án là Trung tâm quản lý khai thác hạ tầng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) 5 tuyến đường được đề xuất thành tuyến phố đi bộ, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Đây là các đường nằm trong khu vực có mạng lưới giao thông công cộng tương đối phát triển, giúp hạn chế xe cá nhân và là cơ sở để hình thành phố đi bộ.
Cụ thể, nơi đây có hơn 50 tuyến xe buýt tỏa đi khắp thành phố. Tương lai 11 tuyến tàu điện (dài 160km) đều chạy qua, kết nối giao thông với 5 con đường được đề xuất. Năm 2025 khi cả Metro Số 1 và Số 2 đều hoạt động, khu vực nhà ga chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Hàm Nghi thành những điểm đầu mối giao thông, mỗi năm đón hàng triệu khách bộ hành...
5 tuyến đường đi bộ đề xuất (màu xanh) và 2 phố hiện hữu (đỏ). Đồ họa: Thanh Huyền.
Để biến 5 tuyến phố thành đường đi bộ, đơn vị nghiên cứu đề xuất bố trí giao thông, cải tạo các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng trên những con đường này. Trong đó một số đoạn sẽ được thu hẹp dành không gian cho bãi đỗ xe và người đi bộ.
Cụ thể, đường Đồng Khởi sẽ được điều chỉnh hai chiều dành cho ôtô, xe máy và có bãi đỗ xe; đường Nguyễn Thiệp tổ chức hai chiều dành cho xe máy, cấm ôtô; đường Thái Văn Lung thành một chiều cho ôtô, hai chiều cho xe máy, vỉa hè dành cho người đi bộ.
Riêng đường Hàm Nghi, với không gian chất lượng cao, sẽ được cải tiến dành cho người đi bộ: bố trí chỗ ngồi, trồng cây, làn đường và nhà chờ dành riêng xe buýt chất lượng cao.
Các nút giao và lối sang đường ở các tuyến đường được đề xuất cải tạo và bổ sung thêm đảm bảo an toàn cho khách qua đường. Giai đoạn đầu, những con đường này chỉ hạn chế xe vào tối cuối tuần như đang làm ở đường Nguyễn Huệ và Bùi Viện, sau đó mới dành toàn thời gian cho đi bộ.
Để phục vụ nhu cầu đi lại ở khu vực có các tuyến phố này, đề án cũng tính toán dịch vụ xe đạp công cộng. Thời gian đầu khu vực đi bộ được đề xuất bố trí 388 xe đạp ở 52 vị trí, tương lai có 3.000 xe bố trí ở 350 điểm...
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra nhu cầu đỗ xe trong giờ cao điểm và ngày cuối tuần: gần 12.000 xe máy (có thể đáp ứng đỗ 7.800 xe) và hơn 4.500 ôtô (đáp ứng 4.000 xe). Ngoài ra, phí giữ xe ở khu vực gần 5 tuyến đường được đề xuất điều chỉnh từ giá cố định sang lũy tiến theo giờ; xây thêm các bãi đỗ xe vừa và nhỏ.
Tổng chi phí cải tạo, xây mới các phố đi bộ được đơn vị tư vấn dự kiến hơn 74 tỷ đồng với nhiều hạng mục liên quan. "Việc xây mới hoặc mở rộng khu vực đi bộ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần thu hút khách du lịch, giảm ùn tắc, ô nhiễm, tiếng ồn...", đề án nêu.
Đánh giá đề xuất mở các tuyến phố đi bộ lần này, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đề án của Trung tâm quản lý khai thác hạ tầng có hướng tiếp cận tốt, nghiên cứu và điều tra xã hội. Tuy nhiên, hiện đề án mới dừng ở mức thu thập hiện trạng và chưa có phương án chi tiết.
Theo ông Sơn, muốn xây dựng phố đi bộ, ngoài vấn đề kết nối giao thông, quan trọng nhất bên tổ chức phải xác định phương án tài chính và mô hình quản lý. Đây là điểm yếu của 3 tuyến đi bộ hiện hữu, trong đó đường Nguyễn Huệ chủ yếu dùng ngân sách; doanh thu từ đường Bùi Viện chưa đóng góp để tái đầu tư tuyến phố; doanh thu từ đường sách Nguyễn Văn Bình chưa thật sự hiệu quả.
Đường Đồng Khởi, quận 1 theo đề án trở thành tuyến phố đi bộ. Ảnh: Quỳnh Trần.
Một vấn đề khác được ông Sơn lưu ý là "bài toán" tổ chức giao thông khi có thêm 5 con đường đi bộ. Trên thực tế, khi đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ năm 2017, lượng xe đổ dồn ra đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn tăng lên rất nhiều. Nếu tổ chức không tốt, 5 tuyến phố dễ dẫn đến ùn tắc khu trung tâm.
Do đó, ông Sơn cho rằng cần xem lại việc kết nối đường Lê Lợi và Hàm Nghi vì chưa có phương án giao thông hợp lý hỗ trợ đi lại của người dân hai tuyến đường này. Nếu đường Lê Lợi tiếp nối trục Nguyễn Huệ thành không gian đi bộ kéo dài sẽ cắt khu vực trung tâm thành phố làm đôi, các loại xe sẽ phải đi vòng. Mặt khác, việc này làm tuyến đường quan trọng, xương sống là Pasteur bị đứt khúc khiến giao thông xáo trộn rất nhiều.
Theo ông Sơn, với tình trạng giao thông hiện hữu, thành phố cần chia thành hai giai đoạn khi hình thành các phố đi bộ phạm vi lớn. Đầu tiên cải tạo đường Nguyễn Huệ, liên kết đường Đồng Khởi, có thể nối tới đường sách, kéo từ phía nhà thờ Đức Bà ra tới bến Bạch Đằng. Xung quanh khu vực này có đường Pasteur, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn... giúp xe cứu hỏa, cứu thương dễ dàng tiếp cận hiện trường khi có sự cố.
Giai đoạn sau đó, thành phố tính toán tổ chức khu thứ hai là phố đi bộ Bùi Viện nối ra công viên 23 Tháng 9. Khu vực này có đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Trãi... kết nối. Bán kính đi bộ ở cả hai cụm này được cho là vừa phải, không quá dài.
TS Phạm Phú Cường, Trưởng khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc TP.HCM, cho rằng cần mở rộng không gian đi bộ bởi điều này sẽ "kích hoạt" được nhiều mô hình kinh tế, phát huy giá trị văn hóa cũng như bảo vệ tốt hơn những di sản kiến trúc đặc trưng từng khu vực.
Trong bối cảnh TP.HCM định hướng phát triển kinh tế đêm, việc mở rộng các khu phố đi bộ nếu quản lý tốt sẽ giúp thành phố tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch, nhất là về đêm - vốn có nhiều tiềm năng. Từ đó thành phố có thêm ngân sách nâng cao đời sống xã hội.
Để triển khai hiệu quả các tuyến phố đi bộ, ông Cường cho rằng yếu tố đầu tiên là giao thông công cộng phải phát triển đồng bộ. Trong đó các loại hình như xe buýt, metro, buýt sông, và cả xe đạp cần phát triển, hình thành một mạng lưới hoạt động trơn tru, giúp tăng khả năng tiếp cận những tuyến phố đi bộ này.
Theo ông Cường, yếu tố quan trọng không kém là phải tính việc quản lý và khai thác vỉa hè ở các tuyến phố đi bộ. Bởi làm tốt điều này sẽ khai thác được giá trị kinh tế vỉa hè - một nét văn hóa đặc trưng của thành phố, không để hàng rong lấn chiếm, giúp người bán hàng có thêm thu nhập.