Nikkei Asian Reviewdẫn nguồn tin cho biết ông Raab sẽ thăm Hà Nội trong hai ngày theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Anh đang mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng thương mại bên ngoài châu Âu sau Brexit. Việt Nam đã thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) hồi tháng 6, có hiệu lực vào tháng 8.
Nếu không có thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, Anh sẽ gặp mức thuế cao hơn từ tháng 1/2021.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sẽ thăm Việt Nam hai ngày từ ngày 29/9. Ảnh: Reuters. |
Anh cũng đang muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện có 11 thành viên (Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile và Brunei).
Sau khi đạt thỏa thuận đối tác kinh tế với Nhật Bản đầu tháng này, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Anh, bà Liz Truss, nói với Nikkei rằng London sẽ đẩy mạnh đàm phán với các thành viên CPTPP. Dự kiến Anh sẽ họp kín với các nước trong CPTPP.
Việt Nam cũng đang muốn thúc đẩy hiệp định tự do thương mại (FTA) với Anh, giữa bối cảnh Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu.
Chính phủ đang hy vọng cả năm 2020 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5% - giảm đáng kể so với mục tiêu 5% vào tháng 5, trước khi dịch quay trở lại vào tháng 7.
Nếu có FTA mới, thương mại giữa Anh và Việt Nam sẽ đỡ bị gián đoạn do thay đổi về thuế.
Trong chuyến thăm này, hai Bộ trưởng Ngoại giao sẽ thảo luận về hợp tác chống dịch, theo Nikkei Asian Review. Về an ninh, ông Raab nhiều khả năng sẽ ủng hộ các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Trước đó, ngày 13/7, hai Bộ trưởng Ngoại giao có cuộc điện đàm, trong đó ông Phạm Bình Minh kêu gọi đẩy nhanh các nỗ lực hướng đến FTA song phương. Ông Raab nhấn mạnh Anh muốn làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam về kinh tế và thương mại, nhất là sau khi rời EU.
Theo Zing