Đại sứ Phạm Quang Vinh: “Bầu cử Mỹ năm 2020 có thể trở thành cuộc đối đầu căng thẳng về chính trị và pháp lý”
Thứ năm, 01/10/2020, 08:23
Người ta nói rằng, trong cuộc tranh luận lần thứ nhất này, hai bên “ăn miếng trả miếng” với nhau, cả trên những vấn đề chính sách và trên vấn đề cá nhân, ông Vinh nhận xét.
Hôm qua cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ bao gồm đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden đã diễn ra vô cùng kịch tính, hai bên đã lớn tiếng chỉ trích, ngắt lời nhau với tham vọng giành lợi thế để chiến thắng.
BizLIVE đã có cuộc trao đổi với Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh về những diễn biến trong khoảng thời gian còn lại từ nay đến cuộc bầu cử, lợi thế của mỗi ứng viên cũng như tác động của cuộc tranh luận lần này đến lá phiếu cử tri.
Cuộc tranh luận "ăn miếng trả miếng", quá thiếu định hướng chính sách
Thưa ông, ông có nhận xét gì về phong cách và nội dung tranh luận của hai ứng viên trong buổi tranh luận đầu tiên ngày hôm nay?
Cuộc tranh luận ngày hôm nay nhận được sự quan tâm vô cùng lớn của giới chính trị gia, công chúng Mỹ cũng như toàn thế giới. Với các vấn đề mà ban tổ chức đưa ra thì hai bên đều rất khác biệt, dường như ai cũng muốn tranh thủ giành phần thắng về mình, nói những điểm mạnh của mình và chỉ trích điểm yếu của bên kia.
Và dường như, Tổng thống Trump tận dụng lợi thế của mình trong tranh luận nhiều nơi. Trong khoảng 30 phút đầu của cuộc tranh luận, ông Trump dường như muốn cắt ngang, áp đặt, áp đảo đối phương của mình. Sau những ngập ngừng ban đầu, ông Biden cũng đã vững vàng trở lại. Có thể thấy cuộc tranh luận rất gay gắt, rất đối chọi nhau, hai bên đã làm xong “bài tập” của mình.
Người ta nói rằng, cuộc tranh luận này là hai bên “ăn miếng trả miếng” với nhau, cả trên những vấn đề chính sách và trên vấn đề cá nhân, nhưng chính cuộc tranh luận này lại cho thấy một điểm thứ ba. Dường như nền chính trị Mỹ, thể hiện qua hai ứng viên này, phân hóa rất lớn trong nội tình. Phân hóa trên các vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm.
Vì họ tranh luận “ăn miếng trả miếng” với nhau rồi họ tranh thủ ngắt lời nhau để áp đảo đối phương, tranh thủ giành phần thắng về mình và đổ lỗi lên đối phương, cho nên dường như phần thông điệp về tầm nhìn trong 4 năm tới rồi những giải pháp đưa ra để khắc phục hậu quả, vấn đề mà nước Mỹ đang đối đầu còn thiếu. Thiếu đi giải pháp tổng thế cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra, nhưng lại nổi lên quá nhiều kịch tính.
Người Mỹ chắc chắn rất muốn hai vấn đề: làm sao thoát ra khỏi đại dịch, làm sao mở cửa được kinh tế và hồi phục kinh tế thì hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ chỉ bận tranh luận để chỉ trích nhau mà thiếu giải pháp được đưa ra có đủ tính ổn định, lâu dài và khả thi.
Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ có tác động mạnh nhất
Thông thường, trong 3 cuộc tranh luận, cuộc tranh luận nào sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến ý kiến cử tri và tại sao lại như vậy, thưa ông?
Trong lịch sử nước Mỹ, càng gần đến ngày bầu cử, cuộc cạnh tranh sẽ càng quyết liệt. Bao nhiêu lâu nay luôn có 3 cuộc tranh luận, mỗi cuộc tranh luận có đặc thù khác nhau, và càng gần cuối, càng căng thẳng hơn, cuộc tranh luận nào cũng có vị trí của nó cả. Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, có một số điểm mà tôi cho rằng cuộc tranh luận lần này sẽ là quan trọng nhất:
Vì đại dịch nên từ đầu năm đến nay, không có ứng cử viên nào đi ra đường mà gặp trực tiếp dân chúng được. Chỉ mới 1,2 tuần gần đây mới ra đường được thôi. Thứ hai, có kịch bản đảo chiều. Lẽ ra Tổng thống Trump với thành tích của mình trong hơn 3 năm cầm quyền nếu tính đến đầu năm nay vẫn là thế rất mạnh, nhưng khi đại dịch đến, nhiều thành tích của Tổng thống Trump đã bị “xóa sạch”.
Biden từ tháng 5/2020 đến giờ liên tục dẫn. Bối cảnh như vậy nên Biden ở “cửa trên” còn Trump lại xuống “cửa dưới” với tư cách một Tổng thống đương nhiệm. Cho nên chiến lược của hai bên cũng khác nhau.
Khi cuộc tranh luận này bắt đầu vào ngày hôm nay, cử tri Mỹ thực ra đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm, nhất là thông qua bỏ phiếu bằng bưu điện. Lúc này là lúc người ta phải tiếp tục tác động vào để giữ được cử tri đã từng ủng hộ mình, đồng thời tác động vào những cử tri còn chần chừ.
Ảnh: Reuters
Khi mà rất nhiều vấn đề xảy ra rồi cả hai ứng cử viên dù thăm dò dư luận có lợi hay không có lợi đều có mục tiêu phải giữ được cử tri của mình, như Biden chẳng hạn. Có nhiều cuộc khảo sát cho thấy ông dẫn nhưng không lấy gì đảm bảo ông sẽ chiến thắng trong bầu cử.
Tổng thống Trump dường như thấp hơn trong thăm dò dư luận, nhưng cũng không ai có thể nói rằng ông không còn cửa gì nữa mà bất cứ lúc nào, tỷ lệ ủng hộ dù có phân biệt như vậy nhưng cuộc cạnh tranh vô cùng sát sao.
Người ta trông chờ vào cuộc này có thể có những tác động nào đó đến cử tri. Vì đại dịch, lần đầu tiên người ta mới xuất hiện đối diện nhau trước công chúng. Rồi có những câu chuyện đảo chiều như vậy, người từ mạnh thành yếu từ yếu thành mạnh. Họ sẽ đều có những cách giữ vững và nhân lên được cái của mình.
Cuối cùng, nước Mỹ đã bước vào quá trình bỏ phiếu sớm nên càng cần phải tranh thủ cử tri.
Cuộc tranh luận đầu tiên này cho thấy cạnh tranh sẽ rất gay gắt, từ nay cho đến bầu cử.
Câu chuyện cử tri nồng cốt và cử tri do dự
Trong nhóm cử tri phổ thông ở Mỹ, có cử tri nòng cốt và cử tri còn đang do dự. Vậy theo quan điểm của ông, cuộc tranh luận trực tiếp lần này sẽ tác động thế nào đến nhóm cử tri nòng cốt của mỗi ứng viên và cử tri hiện còn đang lưỡng lự?
Nếu như chúng ta nhìn vào cuộc tranh luận ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy tranh luận về thông điệp chính sách và tầm nhìn ít hơn tranh luận về qua lại, đối nghịch nhau.
Cuộc tranh luận lần này sẽ tác động nhiều hơn đến cử tri nòng cốt, đó là những người dù thế nào sẽ vẫn hoặc ủng hộ Trump, hoặc ủng hộ Biden. Còn vì không có tầm nhìn, thông điệp lớn được đưa ra chung cho cử tri Mỹ, cho nên cuộc tranh luận sẽ khó tác động đến những cử tri còn “lừng chừng”. Như vậy cả hai ông sẽ còn rất nhiều việc để làm.
Tổng thống Trump đang chịu rất nhiều khó khăn từ bị luận tội, rồi đến chuyện đại dịch, rồi đến câu chuyện về đóng cửa nền kinh tế, tất cả những yếu tố đó tác động. Thế nên dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ thấp hơn so với Biden nhưng ông vẫn giữ được trên 40%.
Rõ ràng, lực lượng cử tri nòng cốt với Trump là tương đối trung thành, tương đối chắc chắn. Vì vậy dù cuộc này có làm thế nào đi chăng nữa, ai đánh giá người này thắng người kia thắng thì bộ phận đó đối với Trump sẽ không suy chuyển.
Nhưng cùng lúc đó cũng phải thấy rằng, ông Joe Biden dẫn hơn 50%. Trong lực lượng nòng cốt đó, có cử tri trung thành của Đảng Dân chủ, nhưng cũng có lực lượng cấp tiến trong Đảng Dân chủ nghiêng về cánh tả như Bernie Sanders và cũng có những lực lượng không phải vì trùng quan điểm với Biden nhưng không thích Trump nên thà chọn Biden còn hơn. Sau cuộc tranh luận lần này, làm sao Biden có thể giữ được sự ủng hộ của nhiều thành phần để dẫn tiếp trong chặng đường còn lại là hơn 4 tuần là một câu chuyện cũng rất thách thức.
Trong bất kỳ cuộc bầu cử nào cũng vậy, sẽ có những người hoặc ủng hộ hẳn ứng cử viên này, hoặc ủng hộ hẳn ứng cử viên kia, nhưng có những người vào phút cuối họ mới tính. Vì nước Mỹ phân hóa trong 4 năm qua, nên dường như người ta đã quyết. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy dường như tỷ lệ cử tri lừng chừng không nhiều như năm 2016.
Cuộc chuyễn giao quyền lực (nếu có) liệu có êm ả?
Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ hoàn tất bầu Thẩm phán Tòa án Tối cao. Như vậy trong nhóm bao gồm 9 Thẩm phán Tối cao trong đó có 3 thẩm phán do Đảng Cộng hòa bầu ra. Nếu Tổng thống Trump thua cuộc, liệu có hay không một cuộc chuyển giao quyền lực êm ả, điều mà Tổng thống Trump đã từ chối cam kết gần đây?
Trong bất kỳ một nền dân chủ nào, không nên quá đặt nặng những phát biểu mang tính dân túy của Trump. Khi ông Trump nói rằng ông sẽ phải xem xét kết quả đã rồi mới tính chuyện chuyển giao, ông có những quan điểm riêng theo cách lập luận đó.
Thứ nhất, liệu các phiếu bầu có được xác nhận trung thực hay không hay là có gian lận. Quan điểm của ông Trump, ông Biden hay giữa Cộng hòa và Dân chủ rất khác nhau trong việc bỏ phiếu đại trà bằng bưu điện. Bởi khi bỏ phiếu bằng bưu điện sẽ rất khó xác thực tính chính xác của các phiếu bầu.
Và ông để ngỏ cửa đó. Điều đó không đồng nghĩa ông sẽ không chuyển giao, nhưng nó sẽ là cuộc chiến chính trị và pháp lý để xem xem rằng kết quả bầu cử như thế nào là đúng.
Nếu chúng ta nhớ lại cuộc bầu cử năm 2000 giữa Bush con và AlGore, đến phút cuối cùng AlGore yêu cầu kiểm phiếu lại tại Florida. Lúc đó tòa án tối cao phải can thiệp để xem tính xác thực như thế nào. Câu chuyện tính xác thực của cuộc bầu cử không phải lúc nào ý chí chính trị cũng quyết được đâu, nó còn phải là khách quan thực tế. Nên cách ông Trump đặt vấn đề như vậy.
Vì năm nay có Covid-19 và phía Dân Chủ rất muốn đẩy cao câu chuyện bỏ phiếu bằng bưu điện, và ông thấy rằng bỏ phiếu bằng bưu điện chưa chắc mang tính xác thực so với bỏ phiếu trực tiếp và ông đặt ra nghi ngờ đó chứ không phải là cứ ngồi yên đó rồi phải cưỡng chế, không có chuyện đó. Đó chẳng qua là câu chuyện giới truyền thông không thích ông nên thêu dệt. Điều ông nói đến báo hiệu một cuộc cạnh tranh rất sát sao. Nếu có điều gì xảy ra, sẽ có cuộc chiến cả chính trị lẫn pháp lý.
Theo ông dự báo, sau cuộc tranh luận đầy căng thẳng, kịch tích lần này, chiến lược tiếp theo của hai ứng viên trong các cuộc tranh luận sắp tới sẽ thế nào?
Sau cuộc tranh luận lần này, đến cuộc tranh luận lần tới, hai ứng viên có lẽ sẽ tìm điểm yếu của nhau để chỉ trích. Và chính như vậy, khả năng về một tầm nhìn, nếu mà đã có thì phải có từ đầu năm đến nay. Theo tôi, họ sẽ tìm cách khai thác điểm yếu của nhau nhiều hơn là đưa ra chiến lược có tầm nhìn lớn để nâng cao nhận thức chung của cả xã hội.
Đương nhiên sẽ có những so sánh, ví dụ như Trump có thể nói Trump tăng ngân sách quốc phòng, hoặc giảm thuế với doanh nghiệp rồi ủng hộ câu chuyện nhập cư, nhưng sẽ rất khó có tầm nhìn trung dung được cả hai đảng.