Lý do Trump liên tục ngắt lời Biden

Thứ sáu, 02/10/2020, 10:26
Trump không còn thông điệp tranh cử hấp dẫn, trong khi thiếu chiến lược tấn công sắc bén, khiến ông phải "câu giờ" trước Biden bằng cách cướp lời đối thủ.

"Nỗi ô nhục", "hỗn loạn ở Cleveland", "tai nạn tàu hỏa" là những bình luận phổ biến nhất về cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden.

Đây là cuộc tranh luận rất quan trọng, được chiến dịch của Trump kỳ vọng là cơ hội tốt nhất để ông "lật ngược tình thế" trong bối cảnh ông đang bị Biden dẫn trước 6 điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát quốc gia. Tuy nhiên, Trump đã gây thất vọng khi "cắt vụn" cuộc tranh luận bằng các đòn công kích cá nhân, liên tục ngắt lời và lấn át đối phương.

Donald Trump nghe phần tranh luận của Joe Biden tại cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: AP.

Donald Trump nghe phần tranh luận của Joe Biden tại cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: AP.

Ryan Lizza, nhà phân tích của Politico, nhận định hình ảnh của Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên năm nay rất khác biệt so với ông của 4 năm trước. Trong suốt các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2015 và 2016, giữa rất nhiều ứng viên cạnh tranh, Trump nổi lên như "trung tâm" của các cuộc tranh luận với khả năng thuyết trình trên sân khấu, chiến lược hạ bệ đối thủ, cùng chiêu bài dân túy về nhập cư và thương mại. Ông gần như liên tục là người dẫn đầu trong các cuộc khảo sát và giành được đề cử của đảng Cộng hòa.

Mùa thu năm 2016, Trump đã khéo léo sử dụng các vấn đề về chính sách nhập cư, thương mại, Obamacare và cáo buộc tham nhũng để chống lại ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Công thức đó đã đem lại cho Trump những phiếu đại cử tri mang tính quyết định ở ba bang Trung Tây gồm Pennsylvania, Wisconsin và Michigan, các khu vực vốn được xem là "địa bàn" của phe Dân chủ.

Dù các cuộc tranh luận năm 2016 vẫn chứa đầy thông tin sai lệch, những lời công kích cá nhân và chiến lược gây gián đoạn của Trump, ứng viên đảng Cộng hòa khi đó luôn gửi tới khán giả một thông điệp cốt lõi cùng lập luận sắc bén về đối thủ của mình.

Nhưng cuộc tranh luận hôm 29/9 ở Cleveland hoàn toàn khác biệt và Lizza nhận định có ba lý do dẫn tới điều đó.

Đầu tiên, Trump, ông vua làm chính trị kiểu đơn giản hóa nhưng đầy quyền lực, giờ đây dường như không còn thông điệp tranh cử nào. Năm 2016, ông có 4 trụ cột chính để tranh luận gồm nhập cư, thương mại, Obamacare và tham nhũng. Trump cũng đưa ra các khẩu hiệu rất hiệu quả như "Make America Great Again (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) hay "Build the Wall" (Xây tường Biên giới).

Nhưng với chiến dịch 2020, Trump dường như không đưa ra một thông điệp mới nào. Ông cũng không có chương trình nghị sự về lập pháp nào tại Đồi Capitol. Khi được phóng viên NYTimes hỏi về điều ông muốn làm trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump nói ông muốn cắt giảm quy định và thuế, bổ nhiệm thẩm phán và kiểm soát biên giới.

"Nhưng tôi nghĩ, tôi nghĩ nó sẽ là, tôi cho là nó sẽ rất, rất, tôi nghĩ chúng ta có kết quả rất rất vững chắc và sẽ tiếp tục thực hiện những điều đang làm. Chúng ta sẽ củng cố những gì đã làm được. Và chúng ta sẽ có những điều khác mà mình muốn thực hiện", NYTimes dẫn lời Trump. Tờ báo đánh giá cách trả lời của ông khá quanh co và thiếu cụ thể.

Chiến dịch của Trump đã đưa ra chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai với "thập cẩm" các tham vọng lớn như "tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng", "xóa sổ Covid-19", hay "dạy người Mỹ về chủ nghĩa biệt lệ". Tuy nhiên, Tổng thống lại tỏ ra thất thường trong việc thảo luận về chương trình này hay các chính sách quan trọng của nó.

Lý do thứ hai mà nhà phân tích Lizza đưa ra là Trump thiếu chiến lược tấn công sắc bén đối với Biden. Năm 2016, Trump có một đường lối công kích rõ ràng và nhất quán đối với Hillary Clinton: Bà là thành viên tha hóa của giới tinh hoa chính trị và ông sẽ tống bà vào tù nếu trở thành Tổng thống.

Trump cũng cáo buộc bà Clinton "phản trắc" vì xóa email cá nhân mà bà được cho là đã dùng để xử lý công vụ khi còn làm ngoại trưởng Mỹ. Điều này đã khiến ứng viên Dân chủ Hillary Clinton trở thành "người đáng khinh" trong mắt nhóm ủng hộ nền tảng của Trump.

Nhưng trong chiến dịch năm nay, Trump chỉ công kích Biden theo cách gọi ông là "Joe buồn ngủ", hay "con rối" của phe cực tả, hay thành phần cực đoan nguy hiểm, nhưng không đưa ra lập luận sắc bén nào để hạ bệ Biden. Điều này không đủ khiến cho nhóm ủng hộ "không lay chuyển" của Trump có nhiều ác cảm với Biden giống như với Hillary hồi năm 2016.

Cuối cùng và quan trọng nhất là Trump phải chịu áp lực rất lớn khi tỷ lệ ủng hộ của ông thấp kỷ lục trong vài năm nay, ngay cả khi nền kinh tế bùng nổ. Trump từng trở thành tâm điểm hút cử tri năm 2016 với hình ảnh một tỷ phú, một ngôi sao truyền hình, một nhà "ngoại đạo chính trị" theo chủ nghĩa dân túy dấn thân vào chính trường Mỹ. Nhưng chiêu bài này năm nay không còn mới mẻ và thu hút với cử tri Mỹ.

Giới phân tích, các chính trị gia và nhiều cử tri Mỹ cho rằng họ đã nhìn ra những hạn chế khi quốc gia được lãnh đạo bởi một người không có kinh nghiệm chính trị. Trong cuốn sách với tựa đề "The Room Where It Happened", cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từng nhận định Trump "không phù hợp" với chiếc ghế Tổng thống và "không đủ năng lực thực hiện công việc".

Donald Trump (trái) và Joe Biden tại cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: Washington Post.

Donald Trump (trái) và Joe Biden tại cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: Washington Post.

Nhiều người cho rằng phần gây thiệt hại cho Trump nhiều nhất trong cuộc tranh luận ngày 29/9 là cáo buộc của Biden về cách Tổng thống Mỹ ứng phó với đại dịch, kinh tế và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là vấn đề Obamacare.

Tuy nhiên, nhà phân tích Lizza cho rằng Biden đã không thể hiện được nhiều trong cuộc tranh luận đầu tiên, đồng thời cho rằng Trump sẽ chịu đòn giáng mạnh hơn với các chỉ trích trên nếu ứng viên Dân chủ là người nhanh nhẹn và giàu năng lượng hơn.

Không thông điệp rõ ràng, không có đường lối tấn công Biden sắc bén, không bảo vệ được hồ sơ cá nhân là các yếu tố "phủ bóng đen" lên triển vọng "lật ngược thế cờ" của Trump với Biden sau các cuộc tranh luận Tổng thống. Khép lại buổi tranh luận đầu tiên, ấn tượng sâu sắc nhất mà Trump để lại cho cử tri Mỹ và khán giả là liên tục ngắt lời Biden cùng người điều hành Chris Wallace.

18 phút sau khi cuộc tranh luận bắt đầu, Biden nói với Trump: "Ông có im đi không?". Trong khi Wallace, người dường như không thể kiểm soát việc Trump liên tục ngắt lời, phải lên tiếng "Ngài Tổng thống, xin hãy dừng lại!"

Theo VNE

Các tin cũ hơn