Dự kiến ngoại trưởng bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản (còn gọi là “bộ tứ kim cương” - nhóm QUAD) sẽ tiến hành đối thoại bốn bên tại thủ đô Tokyo ngày 6-10 tới. Sự kiện được giới chuyên gia đánh giá là sẽ đánh dấu thời kỳ hoạt động mới của liên minh không chính thức giữa lúc Trung Quốc (TQ) tăng cường hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông. Bên cạnh đó, việc “bộ tứ kim cương” khởi động đối thoại có thể xem là sự tái khẳng định cam kết của các nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nhiều kỳ vọng cho “bộ tứ kim cương”
Phát biểu về cuộc đối thoại nói trên hôm 30-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định đây trước mắt sẽ là dịp để ngoại trưởng bốn nước có cùng tham vọng và tư duy về các vấn đề khu vực trao đổi quan điểm đối phó với các thách thức đang hiện hữu giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, theo tờ The Japan Times.
Trong khi đó, tạp chí The Diplomat bình luận việc “bộ tứ kim cương” quy tụ trong thời điểm này là một phản ứng hợp lý nhằm củng cố một mặt trận thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực, bởi thực tế cho thấy sức ảnh hưởng về quân sự và kinh tế của TQ trong khu vực và trên thế giới đang ngày một gia tăng đến mức đáng lo ngại. Bên cạnh đó, bốn ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận về các phương án hỗ trợ lẫn nhau đối phó dịch bệnh COVID-19, vấn đề an ninh công nghệ, an ninh kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS nghiên cứu châu Á thuộc ĐH London (Anh), còn cho rằng những thành viên như Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đều có lý do để trông đợi ở kỳ đối thoại sắp tới bởi nó diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á đang phai nhạt, còn chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình ngày càng quyết đoán hơn.
Các nước này thời gian qua liên tục bất đồng hoặc đối đầu với TQ, với Ấn Độ là hai đợt đụng độ đẫm máu ở biên giới với TQ và Úc gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền Biển Đông phi pháp của TQ lên Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Mỹ hiện đang xuất hiện nhiều diễn biến khó lường như việc Tổng thống Donald Trump nhiễm COVID-19 nên Ngoại trưởng Mike Pompeo cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc trấn an và đưa ra các cam kết chắc chắn của Washington để hỗ trợ đồng minh vạch ra đối sách riêng của họ, bất kể ai sẽ bước vào Nhà Trắng vào năm sau.
Ông Tsang cũng lưu ý là tầm quan trọng đặc biệt về mặt chính trị, kinh tế của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố và khu vực này đang là trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia và thể chế khu vực. Do đó, “bộ tứ kim cương” cần chuẩn bị tham dự cuộc đối thoại sắp tới với tâm thế phải cụ thể hóa hơn nữa ý tưởng và chiến lược của họ về triển vọng sắp tới cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu như không muốn đánh mất thế chủ động đang có, hoặc tệ hơn là để TQ lấn lướt.
Tàu chiến Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chung ở Ấn Độ Dương hồi tháng 6-2020. Ảnh: AP
Tiến tới nâng cấp hợp tác toàn diện
Bên cạnh vạch ra hướng đi mới của nhóm QUAD trong giai đoạn sắp tới, không ít ý kiến cho rằng Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để tiến tới thúc đẩy “bộ tứ kim cương” trở thành một liên minh quân sự toàn diện - một “NATO của châu Á”. Ý tưởng này trên thực tế đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun trong một cuộc họp với một số quan chức ngoại giao Ấn Độ hồi tháng 9 và phía New Delhi cũng không tỏ ý phản đối.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, chính quyền đương nhiệm sẽ muốn thể hiện nỗ lực đẩy lùi sự ảnh hưởng của TQ. Đương kim Tổng thống Donald Trump cần đạt được những bước tiến cụ thể trong cuộc cạnh tranh với đối thủ chiến lược của Washington là Bắc Kinh. PGS ROBERT NAGY, học giả thuộc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (Canada) |
Trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Times, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Wilson (Mỹ) Michael Kugelman nhận định môi trường quốc tế gần đây đang phát triển theo hướng tạo điều kiện cho sự hình thành của khối NATO ở châu Á. Theo ông, nếu như mỗi quốc gia trước đây phải đơn độc đối mặt với những thách thức an ninh đến từ TQ thì bây giờ tình hình đã khác, ngày càng nhiều quốc gia không có lợi ích địa chính trị trực tiếp ở châu Á cũng đã lên tiếng phản đối TQ, như công hàm chung về Biển Đông của ba nước Pháp, Anh, Đức trình lên Liên Hợp Quốc hồi ngày 21-9.
“Việc biến QUAD thành NATO châu Á chắc chắn được rất nhiều bên quan tâm và tôi nghĩ rằng lãnh đạo bốn nước này nhiều khả năng cũng sẽ đồng ý triển khai kế hoạch này, các nước khác trong khu vực cũng vậy. Những hành vi của TQ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến nay không chỉ mang tính công kích mà còn ngày càng đe dọa đến sự ổn định toàn cầu” - ông Kugelman nói. Ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên các thực thể nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, việc TQ sử dụng cái gọi là “ngoại giao chiến lang” trong những năm gần đây đã khiến các nước láng giềng tức giận và bất bình.
Trung Quốc phản đối các nước “kết thành bè phái” Phản ứng trước cuộc đối thoại bốn bên của nhóm QUAD vào ngày 6-10 tới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân mới đây khẳng định các quốc gia không nên “kết thành bè phái riêng biệt”, theo tờ South China Morning Post. Đồng thời, ông kêu gọi các nước nên nỗ lực để tăng cường tin tưởng lẫn nhau thay vì nhắm vào một bên thứ ba, ám chỉ việc “bộ tứ kim cương” tìm đối sách kìm hãm ảnh hưởng của Bắc Kinh. “Chúng tôi tin rằng xu hướng chủ yếu của thế giới hiện nay là hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Thay vì hình thành các nhóm độc quyền, cần thúc đẩy sự hợp tác đa phương và đa dạng rộng mở, toàn diện và minh bạch” - ông Uông cho hay. |
Theo PLO