Nhiều băn khoăn với việc sáp nhập quận, phường

Thứ ba, 06/10/2020, 17:51
Tên đơn vị hành chính mới, đời sống người dân bị xáo trộn… là băn khoăn của chuyên gia, trí thức đối với việc sáp nhập quận, phường.

Tại Hội nghị phản biện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 6/10, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố, cho rằng đề án lập thành phố Thủ Đức chưa luận giải được cụ thể nguyên nhân cần thiết để ra đời đơn vị hành chính mới. Những cơ sở khoa học của đề án chưa nêu bật được lý do bắt buộc phải thực hiện sự sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức.

"Đề án cần làm rõ nội dung nào các quận, huyện không làm được mà chỉ khi nhập vào thành TP.Thủ Đức mới làm được. Tôi cũng chưa thấy thông tin trong đề án đánh giá vì sao chuyển UBND 3 quận vào một đơn vị duy nhất", ông Cương nói.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP HCM phát biểu góp ý Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính ở TP HCM, ngày 6/10. Ảnh: Hữu Công.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM phát biểu góp ý Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính ở TP.HCM, ngày 6/10. Ảnh: Hữu Công.

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM kiến nghị đơn vị thực hiện đề án cần có nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc giữa phương án giữ nguyên các đơn vị hành chính hiện tại và phương án thành lập TP.Thủ Đức.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc lập TP.Thủ Đức cần có những số liệu, chứng minh cụ thể. Ngoài ra, đề án cần phân tích sự tác động tới chính trị, cơ sở hạ tầng, an ninh xã hội của 3 quận.

"Không thể chỉ vì muốn lược bớt đơn vị hành chính mà sáp nhập 3 quận làm thành phố Thủ Đức. Chúng ta còn nhiều câu hỏi về đề án như thế này thì người dân sống tại đó, bị ảnh hưởng còn thắc mắc nhiều hơn", luật sư Hòa băn khoăn.

Trong khi đó, thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng trong Đề án lập thành phố Thủ Đức, TP.HCM cần xin Quốc hội nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này. Bởi sau sáp nhập, dân số thành phố mới cao hơn một số tỉnh nhưng vẫn là đơn vị cấp huyện sẽ khó đảm bảo quản lý được hiệu quả.

"Cái áo đô thị đang chật rồi mà sắp tới 3 người mặc chung một cái nữa thì liệu có giải quyết được hay không? Nếu chủ tịch thành phố mới, trưởng công an mà thẩm quyền cũng ngang với các quận, huyện khác thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ", ông Minh nói.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM phát biểu tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Hữu Công

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại hội nghị sáng 6/10. Ảnh: Hữu Công.

Với kinh nghiệm ở vị trí công tác, tướng Minh cho biết sau sáp nhập dân số sẽ biến động nhanh nên việc quản lý, nắm nhân khẩu tạm trú và vãng lai sẽ rất khó. Vì vậy, đề án phải tính tới việc các địa bàn sau sáp nhập đều là đô thị, đông dân nhập cư để thấy khối lượng công việc sắp tới phải giải quyết.

"Về lý thuyết, việc sáp nhập sẽ giúp giảm biên chế nhưng có một thực tế sau khi nhập, khối lượng công việc sẽ tăng lên", tướng Minh nói và cho hay thời gian đầu nhân sự có thể phải tăng lên để hỗ trợ người dân thay đổi giấy tờ.

Liên quan tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nguyên Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng thành phố có tình trạng nhiều tên đường, địa danh bị thay đổi tùy tiện. Có những địa danh đổi 2-3 lần mà vẫn đề xuất đổi tiếp. Vì vậy, để tránh xáo trộn nhiều thì không nên lấy tên mới mà dùng tên một phường cũ để đặt cho đơn vị hành chính mới.

"Mỗi lần đổi tên là khổ dân, cán bộ quản lý hành chính ở địa bàn cũng khổ", ông Minh nói và đề nghị nếu bắt buộc phải đổi cần giải thích rõ lý do và cam kết "đây là lần đổi cuối cùng".

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố cũng cho rằng, đề án cần phân tích cụ thể những hệ lụy liên quan đến đời sống người dân, việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sáp nhập.

Trả lời các ý kiến phản biện tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết kỳ họp HĐND thành phố tới đây sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến Đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Các đại biểu sẽ thảo luận phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân.

Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND TP.HCM về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập. Ngoài ra, sở cùng đơn vị tư vấn đang hoàn thiện các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền đơn vị hành chính mới.

Thành phố dự kiến gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đồ họa:Khánh Hoàng.

Thành phố mới dự kiến gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Theo kết quả bỏ phiếu được TP.HCM tổ chức hôm 3/10, có 82% đến 97% cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức đồng ý phương án sáp nhập, hơn 20% cử tri quận 2 không muốn lấy tên thành phố Thủ Đức. Một số người dân quận 2 đề xuất nhiều tên khác như: thành phố Sài Gòn, thành phố Gia Định, thành phố Thủ Thiêm...

Người dân 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đồng tình phương án nhập phường với tỷ lệ phiếu 85-99%, tên gọi phường mới là 74-99%.

Theo kế hoạch, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. HĐND TP HCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10. UBND TP.HCM trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.

Theo VNE

Các tin cũ hơn