Xuất khẩu gạo có triển vọng vượt cả giá và lượng so với năm 2019

Thứ sáu, 25/09/2020, 10:52
Nếu vẫn duy trì tốc độ như các tháng gần đây, xuất khẩu gạo năm nay có khả năng vượt kết quả đạt được trong năm 2019, cả về giá và lượng.

Bên cạnh nhu cầu, giá gạo Việt Nam tăng lên thời gian qua một phần nhờ chất lượng đã được cải thiện - Ảnh minh họa.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9/2020 ước đạt 405.780 tấn với 202,725 triệu USD, so với tháng 9/2019 giảm 15,35% về lượng và giảm 3,89% về trị giá.
Cộng dồn 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt 5,012 triệu tấn, với 2,46 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về kim ngạch.
Nếu vẫn duy trì tốc độ như các tháng vừa qua, xuất khẩu gạo năm 2020 có khả năng đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn, tăng từ 5,18% - 9,89% về lượng so với năm 2019 (6,37 triệu tấn). Cùng đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang ở vùng cao nhất trong nhiều năm qua.
Giá tăng nhờ nâng chất lượng
Xét riêng tháng 8/2020 cho thấy, lượng gạo xuất khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng cao so với tháng 7/2020, đạt 605.566 tấn, tương đương 304,33 triệu USD; giá xuất khẩu trung bình 502,6 USD/tấn, tăng 26,3% về lượng, tăng 31% kim ngạch và tăng 3,8% về giá so với tháng 7/2020.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay cả nước xuất khẩu gần 4,61 triệu tấn gạo, tương đương trên 2,25 tỷ USD, giá xuất trung bình 489,2 USD/tấn; tăng cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng tương ứng 0,6%, 13% và 12,4%.
Trong tháng 8/2020, các thị trường tăng trưởng nổi bật so với tháng 7/2020 gồm: Senegal tăng 176,9% về lượng, tăng 104,9% về kim ngạch, đạt 670 tấn, tương đương 0,27 triệu USD; Hà Lan tăng 84,8% về lượng, tăng 103,8% về kim ngạch, đạt 730 tấn, tương đương 0,43 triệu USD; Philippines tăng 86,7% về lượng, tăng 102,% về kim ngạch, đạt 222.866 tấn, tương đương 109,35 triệu USD; Pháp tăng 103,2% về lượng, tăng 80,8% về kim ngạch, đạt 191 tấn, tương đương 0,11 triệu USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo nhiều nhất sang thị trường Philippines, với 1,72 triệu tấn, tương đương 797,61 triệu USD, giá trung bình 464,2 USD/tấn, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 10,9% về kim ngạch và tăng 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường này chiếm 37,3% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những tháng gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, trong tháng 8 loại gạo 5% tấm đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn.
Hồi đầu năm nay, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cao hơn Việt Nam khoảng 50 - 60 USD/tấn nhưng đến giữa tháng 8, gạo Việt Nam ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan chỉ đạt 473 - 477 USD/tấn; gạo Pakistan 423 - 427 USD/tấn, gạo Ấn Độ 378 - 382 USD/tấn...
Nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang có giá tốt. Chẳng hạn, các giống gạo DT8 giá 570 USD/tấn trong khi vụ trước cao nhất chỉ 540 USD/tấn; gạo 5451 đang xuất khẩu giá 540 - 550 USD/tấn, trong khi vào vụ Đông Xuân trước, mức giá cao nhất cũng chỉ đạt 500 USD/tấn.
Theo nhận định từ giới xuất khẩu gạo, sở dĩ gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện.
Philippines sẽ giảm mua gạo 
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam với 1,72 triệu tấn, tương đương 797,61 triệu USD, giảm 2,4% về lượng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Philippines vẫn sẽ nổi lên là nhà nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, tuy nhiên dự báo nhập khẩu của Philippines có thể sẽ giảm nhẹ trong năm nay và đạt 2,6 triệu tấn, giảm 10% so với năm trước.
Có nhiều dữ liệu cho thấy, Philippines sẽ tăng nhập khẩu gạo vào năm 2021 do sản lượng nội địa sẽ giảm.
Trong năm 2021, dự kiến nhập khẩu gạo của Philppines sẽ tăng 15% tương đương 3 triệu tấn. USDA đã hạ dự báo nhập khẩu cho Philippines từ 3,3 triệu tấn trước đó.
“Năm 2020, thương mại gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm do Philippines, Nigeria và Cote d'Ivoire giảm nhập khẩu vì các nhà xuất khẩu lớn Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đối mặt với nguồn cung thắt chặt hơn. Tuy nhiên, trong năm tới, Philippines vẫn sẽ là nhà nhập khẩu hàng đầu vì Trung Quốc dự kiến chỉ mua 2,2 triệu tấn. Luật thuế quan được ban hành vào năm 2019 đã giúp lượng gạo nhập khẩu vào Philippines dối dào hơn trên thị trường và làm giảm giá gạo xay xát nói chung”, USDA cho biết.
Đối với thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 536.191 tấn, tương đương 316,93 triệu USD, giá trung bình 591 USD/tấn; tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 82,5% về kim ngạch và tăng 18,2% về giá so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 11,6% trong tổng lượng và chiếm 14,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp đến là thị trường Malaysia đạt 450.444 tấn, tương đương 192,36 triệu USD, giá 427 USD/tấn, tăng 9% về lượng, tăng 10% về giá và tăng 19,9% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm gần 9,8% trong tổng lượng và chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay, có đến 65% số thị trường tăng kim ngạch so cùng kỳ năm trước, còn lại 35% số thị trường sụt giảm. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao ở một số thị trường như: Tây Ban Nha tăng mạnh đến 220% về lượng và tăng 277% về kim ngạch, đạt 1.347 tấn, tương đương 0,73 triệu USD; Senegal tăng 245,6% về lượng và tăng 255,3% về kim ngạch, đạt 42.061 tấn, tương đương 14,98 triệu USD; Indonesia tăng 132,5% về lượng và tăng 193,9% về kim ngạch, đạt 64.943 tấn, tương đương 36,21 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm mạnh ở các thị trường như: Brunei giảm gần 96% cả về lượng và kim ngạch, Algeria giảm 94,4% cả về lượng và giảm 90,8% kim ngạch; Bangladesh giảm 88,8% về lượng và giảm 84,1% kim ngạch.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang có cơ hội tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu.
Ngoài ra, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng giúp một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính chốt được giá xuất khẩu cao đối với một số chủng loại gạo đặc biệt. Điều đáng nói, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích