Các điểm sáng
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, cho biết, trong 8 tháng của năm 2020, TP.HCM thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 2,61 tỷ USD. Bà Mai khẳng định, TP.HCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư. UBND TP.HCM đã giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan để thảo luận, tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Đồng thời, khai thác chương trình chuyển đổi số, phát huy hiệu quả các dịch vụ trực tuyến công.
TP.HCM đã lên nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn FDI. Nhà xưởng xây sẵn ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3... đang được xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó là nhà xưởng cao tầng để phục vụ các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
Khu công nghệ cao TP.HCM tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do đã hết quỹ đất nên đơn vị này sẽ thu hút các nguồn FDI chất lượng, công nghệ cao, có khả năng liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
|
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, đánh giá, Việt Nam đang được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19. Việt Nam đang là điểm sáng tại Đông Nam Á khi các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… quyết tâm chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc. “Không chỉ Chính phủ mà các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng phải chuẩn bị về đất đai, hạ tầng, thủ tục hành chính… để sẵn sàng đón dòng đầu tư mới”, ông Bé nói.
Tại Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này cho biết, dù khó khăn, nhưng tình hình doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai vẫn tương đối tốt. Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có 60 dự án FDI được cấp mới với vốn đầu tư trên 261 triệu USD, đồng thời có 80 doanh nghiệp tăng vốn lên gần 658 triệu USD. Nếu so với kế hoạch thu hút vốn đầu tư FDI 1,1 triệu USD ở năm 2020 thì đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện ảnh hưởng toàn cầu do dịch COVID-19.
|
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch bệnh lắng xuống, có thể đón làn sóng đầu tư FDI có chất lượng. Trong gần 9 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore đang chạy đua trong đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp và đa số các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết, có nhiều nhóm nhà đầu tư đang tìm quỹ đất từ 500-700ha hoặc đến 1.000ha để đầu tư khu công nghiệp. Một số nhà sản xuất lại muốn đầu tư tăng diện tích nhà máy nên thị trường bất động sản công nghiệp tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... đang khởi sắc.
Môi trường tốt
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, nói: “Chúng ta phải tập trung vào sự đổi mới sáng tạo, chứ không phải chỉ thu hút những dự án FDI đơn thuần chỉ là sản xuất”. TP.HCM đang có nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để đạt được mục tiêu thu hút nguồn FDI chất lượng cao trong tình hình mới, TP.HCM cần lập một danh sách các doanh nghiệp công nghệ lớn hàng đầu trên thế giới. Có như vậy, những dòng vốn FDI chất lượng mới thật sự mang lại hiệu quả, giúp chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong nước cũng như nâng cao chất lượng lao động tay nghề cao, ông nói.
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Minh Hoàng nói rằng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong như chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.
Trong số yếu tố bên ngoài, phải kể đến xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian qua.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết, thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng của TP.HCM. TP.HCM ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư...
Tương tự, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ chọn những dự án FDI công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao. Đồng Nai xác định, công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh những năm tới.
|
Theo TPO