Con số này tăng so với năm ngoái, giúp quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt Singapore (337 tỷ USD) và Malaysia (336 tỷ USD). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 3.416 USD năm ngoái lên gần 3.500 USD năm nay.
Số liệu mới nhất của IMF chênh lệch khá lớn với quy mô GDP Việt Nam theo công bố định kỳ của Tổng cục Thống kê, nhưng tương đồng với kết quả sau đánh giá lại.
Theo số liệu đến cuối quý III, quy mô kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước tính gần 4,17 triệu tỷ đồng, khoảng 181 tỷ USD. Trước đó, cuối năm 2019, quy mô GDP cũng mới đạt trên 6 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 260 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo kết quả đánh giá lại nền kinh tế giai đoạn 2010-2017, quy mô GDP Việt Nam đến cuối năm 2019 đã vượt ngưỡng 300 tỷ USD.
Nói với VnExpress sáng nay (14/10), TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc IMF sử dụng số liệu sau đánh giá lại để tính toán GDP Việt Nam là điều bình thường, bởi trước đó IMF cũng chính là đơn vị hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá lại nền kinh tế.
Vị thế và hình ảnh của Việt Nam có thể được cải thiện khi con số quy mô GDP tăng lên, một số chỉ tiêu tích cực hơn, nhưng điều này theo ông Thế Anh, không phải là một bước tiến đột phá bởi việc đánh giá lại chỉ là điều chỉnh từ quá khứ, "bản chất nền kinh tế đã diễn ra như thế nào thì sẽ vẫn như vậy".
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, GDP và các chỉ số tính toán dựa trên GDP chỉ là một trong số rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá tính hấp dẫn của một quốc gia trên phương diện môi trường đầu tư. "Những nhà đầu tư, họ cần nhiều thước đo để đánh giá nền kinh tế có tốt lên hay không, hoặc bớt rủi ro hay không, chứ không đơn thuần chỉ nhìn vào quy mô GDP", Kinh tế trưởng VEPR bình luận.
Theo IMF, Việt Nam cũng thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo tăng trưởng dương năm nay, khoảng 1,6%. Hôm qua (13/10), tổ chức này dự báo GDP toàn cầu giảm 4,4% năm nay, ít bi quan hơn so với báo cáo tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năm tới lại bị hạ từ 5,4% xuống 5,2%.
Hàng loạt nền kinh tế khác trong ASEAN cũng được dự báo tăng trưởng âm, từ Indonesia (-1,5%), Thái Lan (-7,1%), Malaysia (-6%), Philippines (-8,3) đến Singapore (-6%). Trước đó, hàng loạt tổ chức khác cũng cho rằng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng năm nay. ADB ước tính GDP Việt Nam tăng 1,8%. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo mức tăng là 3,1%.
Kinh tế trưởng tại IMF Gita Gopinath cảnh báo quá trình phục hồi "sẽ còn kéo dài, không đồng đều và nhiều bất ổn". Sáng nay, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng công bố GDP nước này giảm 7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 7,9% so với quý trước đó. Nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái từ quý trước với mức giảm kỷ lục 12,6% so với cùng kỳ.
Cuối tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam tăng trưởng 2,8% năm 2020 - cao thứ năm thế giới. Dù vậy, báo cáo này chưa tính đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Đại dịch đã giáng đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu năm nay, đẩy hàng loạt quốc gia vào suy thoái do mọi hoạt động bị đình trệ, từ Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Australia.
Theo VNE