Tại Hội nghị đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết xuất khẩu đã đạt một số kết quả tích cực nhờ EVFTA.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU và Anh trong tháng 8 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Sang tháng 9, con số này là 3,54 tỷ USD, tăng 7,9%.
Lãnh đạo ngành công thương cho rằng đây là tín hiệu tích cực để dự báo về viễn cảnh tăng trưởng dương cho xuất khẩu cả năm 2020, bởi tổng GDP của thị trường EU vẫn đang tăng trưởng âm, với sức mua nhìn chung sụt giảm nặng nề.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lan Anh. |
Đáng chú ý, tính đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2,5 tháng thực thi EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch lên đến 963 triệu USDđi 28 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu còn tự thực hiện chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.
“So với các FTA khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, FTA giữa Việt Nam và Cuba... thì số lượng C/O mẫu EUR.1 cấp trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực lớn hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá.
Cụ thể, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 8,64%, tăng lên mức 14,65% vào cuối tháng 9.
Đặc biệt, theo bà Cẩm Trang, sản phẩm gạo của Việt Nam trước nay khó vào EU vì thuế suất ngoài hạn ngạch khá cao.
"EU áp thuế tuyệt đối 175 euro/tấn đối với gạo xay xát, 65 euro/tấn đối với gạo 5% tấm và 211 euro/tấn đối với thóc. Nay theo EVFTA, chúng ta đạt được cam kết ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan, riêng gạo thơm được xóa bỏ thuế trong vòng 5 năm. Do đó sang tháng 9, các doanh nghiệp bắt đầu xin cấp C/O với số lượng rất lớn để đưa hàng sang EU. Trong khi kim ngạch theo C/O EUR.1 trong tháng 8 chỉ là 0,93 triệu USD, sang tháng 9 đã tăng lên 3,05 triệu USD", bà cho biết.
Kết quả là, kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng 8.
Trong khi đó, kim ngạch C/O mẫu EUR.1 ở các mặt hàng thủy sản trong 2 tháng qua cũng lên đến 183,4 triệu USD. Thông qua EVFTA, 50% số dòng thuế ngành thủy sản lập tức được giảm ngay về 0% từ mức 6-22%, nâng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 8, 9 lên mức 263 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thêm, riêng xuất khẩu tôm từ tháng 8 đến nay gia tăng rõ rệt với mức bình quân 15% so với trước thời điểm EVFTA có hiệu lực.
Ngành hàng đáng chú ý khác là giày dép, với kim ngạch cấp C/O mẫu EUR.1 cao nhất, đạt gần 391 triệu USDtrong tháng 8 và 9. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU.
Hai tháng qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép đến thị trường này đạt 594,8 triệu USD. Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng dù còn giảm so với cùng kỳ, nhưng đã bắt đầu tăng dần qua từng tháng, cho thấy dấu hiệu lạc quan trong tương lai.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng khẳng định, lượng đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp đã dần hồi phục, tình hình tuyển dụng lao động đã quay trở lại.
Tuy nhiên, qua khảo sát với nhiều nhà cung ứng và nhãn hàng, bà đánh giá EVFTA chỉ là chất xúc tác chứ không phải yếu tố quyết định đến tăng trưởng trong tương lai của ngành da giày. Bởi lẽ, đa số nguyên phụ liệu ngành da giày của Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, Luật Lao động chặt chẽ hơn so với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh có thể khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh.