Sản lượng, số lượng đơn hàng và niềm tin kinh doanh của Việt Nam bật tăng

Thứ sáu, 02/10/2020, 12:54
"Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng, trong khi niềm tin kinh doanh tăng, và tốc độ giảm việc làm chậm lại", IHS đánh giá.

Ảnh minh họa.
Theo báo cáo từ IHS Markit, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 9.
IHS Markit là một công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) có trụ sở tại London, Anh. Theo báo cáo phân tích mà đơn đơn vị này đưa ra hôm 1/10,  lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong tháng 9 khi lo ngại về đại dịch Covid-19 trong nước đã giảm bớt.
"Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng, trong khi niềm tin kinh doanh tăng, và tốc độ giảm việc làm chậm lại", IHS đánh giá.
Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính ( mốc 50 điểm) trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm.
So với mức 45,7 điểm của tháng 8, kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lần đầu trong 3 tháng, đây cũng là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ từ IHS Markit cũng cho thấy, việc kiểm soát đại dịch Covid-19 là nhân tố chủ chốt giúp hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh, sau khi số ca nhiễm bệnh tăng lên trong kỳ báo cáo trước.
Số ca nhiễm bệnh giảm đã góp phần đẩy mạnh nhu cầu khách hàng, từ đó làm tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng trong tháng 9, và đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 1.
“Sau khi tăng số lượng ca nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, lĩnh vực sản xuất đã bị trệch khỏi hướng hồi phục trong tháng 8, kết quả chỉ số PMI tháng 9 đã tích cực hơn nhiều. Với khả năng kiểm soát đại dịch được duy trì trở lại, các công ty đã có số lượng đơn đặt hàng mới tăng, từ đó tăng sản lượng và tâm lý lạc quan là cao nhất trong hơn một năm. Tuy nhiên, việc duy trì xu hướng tích cực còn phục thuộc vào việc số ca nhiễm virus sẽ không tăng trở lại. Một diễn biến mới trong kỳ khảo sát gần đây là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, và đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu quốc tế đã hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của khu vực sản xuất”.Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit,
IHS Markit cho rằng, sản lượng cũng tăng mạnh, và được hỗ trợ bởi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Trên thực tế, mức tăng sản lượng là mạnh nhất trong 14 tháng.
Niềm tin kinh doanh cũng cải thiện vào cuối quý III của năm khi tăng mạnh thành mức cao nhất kể từ tháng 7/2019. Số lượng đơn đặt hàng mới dự báo tăng được kỳ vọng làm tăng sản lượng trong năm tới, nhưng một số công ty cho biết kỳ vọng tích cực đó còn tùy thuộc vào khả năng vẫn kiểm soát được đại dịch trong nước.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng hoạt động mua hàng lần đầu tiên trong 3 tháng. Đồng thời, hoạt động mua hàng tăng đã góp phần làm nguyên liệu dự trữ trước sản xuất tiếp tục tăng, đây cũng là giai đoạn có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp tăng hoạt động mua hàng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, ngược lại số lượng nhân công tiếp tục bị giảm vào cuối quý 3 song, một phần trong số đó là do tình trạng lao động nghỉ việc. Dù vậy, đây cũng là tháng có lượng việc làm cắt giảm thấp nhất trong 8 tháng qua.
IHS Markit cho hay, chi phí đầu vào tăng khiến các công ty tăng giá bán ra lần đầu tiên trong 8 tháng qua, song chỉ ở mức tăng nhẹ trong do áp lực cạnh tranh.
Đơn vị này cũng cho biết thêm, nguyên nhân khiến giá cả đầu vào tăng là do thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Đây cũng là nhân tố làm cho thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài. Tuy nhiên, mức độ kéo dài của thời gian giao hàng cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích