Singapore, Hàn Quốc chiếm vị trí đầu bảng
Dẫn đầu vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn là Singapore với tổng vốn đầu tư đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế đến là Hàn Quốc 1,04 tỷ USD, chiếm 10,7%. Vị trí thứ 3 thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc với 1,02 tỷ USD, chiếm 10,5%.
Tuy nhiên, so với thống kê 6 tháng đầu năm 2020 thì vị trí các nhà đầu tư ngoại đã có sự thay đổi. Ngoại trừ Singapore vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, vị trí thứ 2 đã thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc (trước đó đứng thứ 5). Điều này cho thấy, đang có sự đổ bộ mạnh mẽ của doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc vào Việt Nam.
Gần đây nhất, UBND TP.HCM vừa có công văn trình Chính phủ về việc cho phép Samsung chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN chế xuất (do đạt quy mô xuất khẩu 90%). Việc chuyển đổi này cũng sẽ tạo động lực thu hút mạnh dòng vốn đầu tư cho ngành chế biến chế tạo đến Việt Nam, nhất là các DN Hàn Quốc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ còn đón thêm làn sóng đầu tư lớn từ Nhật Bản và châu Âu. Đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã nâng gói hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho DN nước này lên 2,2 tỷ USD. Việc triển khai gói chương trình sẽ thúc đẩy nhanh sự dịch chuyển đầu tư DN Nhật Bản đến khu vực ASEAN mà trọng tâm là Việt Nam. Hiện đang có 3.500 DN Nhật Bản đến tìm hiểu và có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, đã có 15 DN nước này điều chỉnh mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam.
Đánh giá chung về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khẳng định, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, châu Âu, liên minh kinh tế Á - Âu… rất có lợi cho việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, những phản ứng nhanh chóng cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN trong dịch Covid 19 đã làm gia tăng chỉ số niềm tin của các DN nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Chỉ tính riêng DN châu Âu, chỉ số niềm tin môi trường đầu tư và kinh doanh đã tăng mạnh từ 27 điểm phần trăm trong quý 1-2020 lên 34% trong tháng 4, và giữ ổn định đến nay. Hiện đã có hơn 30% DN châu Âu tiếp cận chính sách hỗ trợ về giảm thuế, chi phí thuê đất…
Cấp tập đón sóng đầu tư ngoại
Theo đánh giá gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu thụ nội địa tăng nhanh. WB đã xếp Việt Nam đứng thứ 70 trong 190 quốc gia trên toàn thế giới về mức độ dễ dàng kinh doanh của năm 2020. Thứ hạng này so với năm 2019 có giảm một bậc, nhưng vẫn là một sự cải thiện đáng kể so với vị trí 82 vào năm 2016.
Ngoài ra, WB nhận thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt trong nhiều lĩnh vực như “cấp tín dụng” và “nộp thuế”. Đây sẽ là nền tảng cơ sở để DN nước ngoài chọn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Để đón làn sóng đầu tư mới này, nhiều địa phương đã cấp tập hoàn thiện hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN FDI muốn đầu tư tại Việt Nam. Đơn cử, tại TP.HCM, UBND TP đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) rà soát những dự án đầu tư không hiệu quả hoặc chậm tiến độ đầu tư. Từ đó, thu hồi dự án, tạo quỹ đất sẵn sàng để bố trí cho những nhà đầu tư tiềm năng. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng những khu chế xuất, khu công nghiệp đón nhà đầu tư cần quỹ đất rộng. Riêng với những khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào vận hành nhưng vẫn còn quỹ đất dư thì xây dựng thành những nhà xưởng cao tầng để phục vụ cho số lượng nhà đầu tư cần quỹ đất nhỏ, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ và vừa.
Tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… lợi thế quỹ đất sạch lớn, hàng loạt khu công nghiệp với hạ tầng hoàn chỉnh đã được hoàn thành để chờ đón nhà đầu tư. Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải siết chặt điều kiện thu hút đầu tư. Theo đó, phải ưu tiên thu hút những nhà đầu tư công nghệ cao, có trung tâm nghiên cứu, có khả năng lan tỏa, hình thành và dẫn dắt phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Còn về chính sách ưu đãi đầu tư, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10%-25% (lên đến 9 năm); thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị công nghệ 0%... Ngoài ra, tùy theo lĩnh vực và khu vực đầu tư, DN nước ngoài còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt khác.
Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính vẫn là khâu cần nỗ lực hơn. “Trong đó, tập trung chủ yếu giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh “có điều kiện”, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, xóa bỏ giấy phép con trong hoạt động ngành nghề… Đặc biệt, minh bạch đầu tư công và giảm hoạt động thanh kiểm tra tại DN. Ở góc độ cao hơn, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách dài hơi để hỗ trợ DN phát triển theo định hướng kinh tế xanh”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.
Theo SGGP