Thành công của tập đoàn Huawei (Hoa Vi) là một nhân tố lớn trong việc chuyển đổi thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) từ một làng chài thành một trung tâm công nghệ tầm cỡ quốc tế.
Giới phân tích nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào công ty này sẽ là đòn giáng mạnh không chỉ đối với thành phố Thâm Quyến mà còn cả nền kinh tế Trung Quốc.
Minh họa về tác động mạnh của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei và kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc). Tranh: Lau Ka-kuen.
Gã khổng lồ không thể ngờ trước đây
Khi ông Nhậm Chính Phi, cựu sĩ quan Quân giải phóng Trung Quốc, lập ra hãng Huawei ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào năm 1987, nơi đây vẫn phải chật vật tìm một vị trí đáng kể trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khi ấy. Thâm Quyến khi đó chỉ là một “chú lùn” trước không chỉ Hong Kong hàng xóm mà mà còn cả các thành phố Trung Quốc khác ở đại lục.
Ít người khi ấy có thể tượng tưởng được rằng 4 thập kỷ sau đó, một ngôi làng đánh cá năm nào lại có thể trở thành hình mẫu cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Càng ít người hơn có khả năng tiên đoán được Huawei, bây giờ đã là một phần quan trọng trong nền kinh tế thành phố, sẽ trở thành một gã khổng lồ về thiết bị viễn thông toàn cầu mà Mỹ coi là mối đe dọa an ninh và đối thủ thách thức tiềm tàng đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt.
Tuy nhiên, vào lúc Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm làm đặc khu kinh tế của Trung Quốc (Trung Quốc có 4 đặc khu kinh tế như vậy), người ta không còn rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có tiếp tục tỏa sáng trong lúc quốc gia Đông Bắc Á này đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất hay không.
Khi Mỹ lựa chọn cách tiếp cận đối đầu hơn nữa với Trung Quốc thì thành phố Thâm Quyến không còn dễ dàng tiếp cận vốn, công nghệ, và thị trường nước ngoài như trước đây – những nhân tố này rất quan trọng đối với sự vươn mình của thành phố.
Vận may của Huawei đang cạn dần khi Washington cương quyết ngăn ngừa hãng này tham gia các mạng lưới liên lạc 5G thế hệ mới trên toàn cầu cũng như hạn chế sự tiếp cận của công ty này với các nhân tố công nghệ thiết yếu của Mỹ.
Một sắc lệnh mới của chính phủ Mỹ sẽ cấm Huawei và các công ty con, công ty liên kết của nó mua các thiết bị bán dẫn được tạo ra bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ từ tháng 9/2020. Quy định này được một số nhà phân tích xem là bản án tử đối với công ty Huawei.
Sự suy giảm hoạt động hoặc sự sụp đổ hoàn toàn của Huawei sẽ không chỉ giáng đòn mạnh vào kinh tế Thâm Quyến mà còn phá hoại niềm tin trên diện rộng vào sức mạnh công nghệ và kinh tế của Trung Quốc, mà Bắc Kinh đang nỗ lực quảng bá thông qua việc tổ chức kỷ niệm rùm beng 40 năm nói trên.
Tác động tiêu cực lên thành phố Thâm Quyến
Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương thời ở Thâm Quyến (chuyên theo dõi tình trạng các nhà sản xuất Trung Quốc), cho hay các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực lên toàn chuỗi cung ứng đồ điện tử của Trung Quốc.
Liu nói: “Không một công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei để dẫn dắt công nghệ và quá trình toàn cầu hóa của đất nước. Nếu đến cả Huawei còn không chịu đựng được đòn trừng phạt của Mỹ thì còn ai chịu được nữa?”
Đối với nền kinh tế Thâm Quyến (vào năm 2019 đã vượt qua cả quy mô kinh tế Hong Kong), việc đánh mất Huawei sẽ là điều vô cùng tai hại, vì Huawei là một trong những hòn ngọc sáng nhất ở đỉnh cao của trung tâm công nghệ này. Huawei là công ty đơn lẻ lớn nhất đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân của Thâm Quyến năm 2016. Theo dữ liệu mới nhất của Cục thống kê Thâm Quyến, Huawei góp tới 7% sản lượng kinh tế của thành phố năm 2016, với hơn 14,4 tỷ USD.
Con số trên mới chỉ tính tới tác động trực tiếp của Huawei đối với nền kinh tế Thâm Quyến. Nếu tính các nhà cung cấp và các hãng khu vực dịch vụ có làm ăn với Huawei (từ nhà hàng tới y tế) thì tác động của Huawei còn lớn hơn nhiều lần.
Hãng Huawei đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại thành phố này từ năm 2014-2016 nhiều hơn bất cứ hãng nào khác của Thâm Quyến, và vì vậy đã biến gã khổng lồ về trò chơi điện tử và viễn thông Tencent Technologies, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI, và nhà sản xuất xe điện BYD thành các “chú lùn”. Đó là nhận định trong một công trình nghiên cứu do Ủy ban khoa học, công nghệ, và đổi mới của Thâm Quyến công bố.
Tầm quan trọng của hãng đối với thành phố cũng được nhấn mạnh vào năm 2018 khi hãng quyết định xây dựng một căn cứ vận hành mới ở thành phố Đông Quản láng giềng. Sự kiện này khiến nhiều người địa phương băn khoăn tìm câu trả lời vì sao Thâm Quyến lại không lôi cuốn được hãng lớn như vậy. Các bài viết về việc giữ chân Huawei đã lan tỏa rộng trên các mạng xã hội.
Huawei đã giúp Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu cho các kỹ thuật viên và kỹ sư phần mềm Trung Quốc. Huawei đã xây dựng được danh tiếng đối đãi tốt với các bộ óc xuất sắc nhất và nhân viên chăm chỉ nhất.
Zhang Ji, một tiến sĩ 27 tuổi chuyên ngành trí tuệ nhân tạo đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, đã được Huawei tuyển dụng với mức lương khởi điểm lên tới 291.000 USD một năm, cao hơn nhiều mức trung bình 29.200 USD dành cho tân tiến sĩ ở nước này.
Huawei cũng là nhà tuyển dụng lớn nhất của các tân cử nhân tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2019, bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang, và Đại học Phúc Đán.
Trong 194.000 nhân viên của Huawei trên toàn cầu, một nửa tham gia nghiên cứu và phát triển.
Peng Peng, một phó chủ tịch của Hội nghiên cứu cải cách hệ thống Quảng Đông – một cơ sở nghiên cứu có liên hệ với chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Huawei sẽ tác động lên toàn quốc và gửi đi tín hiệu rằng trên toàn cầu, các doanh nghiệp Trung Quốc không còn được chào đón như trước đây.
Ông Peng nói thêm: “Vẫn khó dự đoán phạm vi tác động của trừng phạt. Nhưng thị trường toàn cầu có những thái độ khác nhau trước ngành sản xuất Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Ảnh hưởng tiêu cực lan ra cả kinh tế Trung quốc
Nhà nghiên cứu Liu ở Thâm Quyến nhất trí rằng các vấn đề của Huawei sẽ có tác động sâu rộng lên nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc, và là chỉ dấu cho sự chấm dứt kỷ nguyên các công ty Trung Quốc được chấp nhận làm nhân tố chính trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Logic của sự hợp tác trên đã bị đứt gãy và việc chia tách đã bắt đầu, ông Liu nói. Ông này dự báo rằng một số công ty Trung Quốc với vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm nhiều hãng đặt trụ sở ở Thâm Quyến, bây giờ sẽ khăn gói ra đi.
Ông Liu nhận định tiếp: “Các công ty điện tử sở hữu vốn nước ngoài này thực sự là khu vực cao cấp trong ngành sản xuất điện tử có định hướng xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc... Việc các hãng này chuyển trụ sở không đem lại ích lợi gì cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.
Đầu tháng 8/2020, hãng Catcher Technology có trụ sở ở Đài Loan (hãng này cung ứng cho công ty Apple) công bố mình sẽ bán toàn bộ cổ phần của họ ở hai đơn vị tại Trung Quốc cho hãng Lens Technology trụ sở ở Hồ Nam, để lấy 1,43 tỷ USD tiền mặt.
Hồi tháng 7, một nhà cung ứng khác cho Apple cũng có trụ ở Đài Loan, hãng Wistron cho biết họ sẽ bán toàn bộ các công ty con của họ ở miền Đông Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
Liu nói: “Chỉ như đầu thập niên 2000, khi các bên mua của Mỹ yêu cầu các hãng cung ứng của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc chuyển từ Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc, thì nay cũng các hãng đó của Mỹ lại yêu cầu họ chuyển kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ, và Đài Loan”.
Tất nhiên tương lai của Thâm Quyến và Huawei chưa hẳn là tối tăm hoàn toàn do thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là một nguồn tăng trưởng.
Li Daokui, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, trả lời trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 7 rằng thị trường nội địa của Trung Quốc có 1,4 tỷ người tiêu dùng, cùng với các thị trường tại các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ đủ hỗ trợ các công ty Trung Quốc như là Huawei.
Ông Li nói tiếp: “Hãy cứ để các thị trường châu Âu và Mỹ ra đi. Khó hàn gắn trong tương lai nếu họ không tin tưởng chúng tôi. Đây sẽ là kỷ nguyên toàn cầu hóa mới”.
Theo VOV