Vào buổi sáng thứ Hai, khi ông Azar đặt chân đến Đài Bắc, nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến trên eo biển ngăn cách Trung Quốc đại lục với Đài Loan.
Đến cuối tuần, quân đội Trung Quốc tiến thành đợt tập trận quy mô lớn ở vùng biển gần Đài Loan, sự kiện mà báo chí nhà nước Trung Quốc gọi là “lời cảnh báo” cho những kẻ muốn tìm kiếm độc lập cho hòn đảo.
Mỹ vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Đài Loan từ khi đảo này tách khỏi đại lục năm 1949. Nhưng đến mãi gần đây Washington vẫn tránh thể hiện quan hệ gần gũi này để không chọc giận Bắc Kinh. Các lãnh đạo Trung Quốc luôn tuyên bố sẵn sàng “thống nhất” hòn đảo, có thể bằng vũ lực. Chuyến thăm của ông Azar – quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng đặt chân lên hòn đảo kể từ năm 1979 - là một trong hàng loạt bước đi mạnh bạo của chính quyền Trump nhằm đưa Mỹ lại gần Đài Loan.
“Thông điệp gửi đến Bắc Kinh là chúng tôi có đối tác ở Mỹ và Mỹ có bằng hữu ở Đài Loan”, quan chức phụ trách đối ngoại Đài Loan Joseph Wu nói trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN hôm 12/8.
Ông Wu nói rằng dù ông “rất quan ngại” về những hành động hung hăng của chính phủ Trung Quốc trong những tháng gần đây đối với cả Đài Loan và các nước trong khu vực, nhưng ông tin rằng Đài Bắc có thể tách biệt quan hệ với Bắc Kinh và Washington.
“Mỹ luôn khẳng định công khai rằng quan hệ của họ với Đài Loan độc lập với bất kỳ ai khác. Chúng tôi luôn đối mặt với mối đe doạ từ Trung Quốc bất kể quan hệ của chúng tôi với Mỹ xấu hay tốt, luôn là như vậy”, ông Wu nói.
Nhưng khi Washington tiến lại gần Đài Loan và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, Đài Bắc có thể nhận ra mình rơi vào vị thế bấp bênh với Bắc Kinh.
CNN dẫn lời ông bà Maggie Lewis, một chuyên gia về luật Trung Quốc đương đại tại ĐH Seton Hall, nói rằng Đài Loan cần có quan hệ ổn định với Mỹ, với những việc làm thực chất thay vì ủng hộ bằng lời nói.
“Điều Đài Loan cần từ Mỹ là một mối quan hệ mạnh mẽ ổn định chứ không phải kiểu lãng mạn tức thời”, Lewis nói.
Khi sức mạnh và tầm ảnh hưởng gia tăng, chính phủ Trung Quốc khẳng định thế giới công nhận chính sách Một Trung Quốc, nghĩa là Đài Loan là một phần trong đó.
Ngày nay, chỉ còn 15 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chủ yếu là những quốc đảo nhỏ, nhưng số lượng ngày càng giảm đi vì tác động từ Bắc Kinh.
Dù Washington công khai thừa nhận chính sách Một Trung Quốc, nhưng không công nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với hòn đảo và thường xuyên hỗ trợ, bao gồm việc bán nhiều vũ khí quân sự, cho Đài Bắc.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc xấu đi từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo hòn đảo năm 2016.
Ông Wu nói rằng chính quyền Đài Bắc “rất quan ngại” khi quan hệ với đại lục xấu đi, và khả năng Bắc Kinh sẽ dùng Đài Loan để khiến dư luận phân tán bận tâm khỏi những khó khăn kinh tế và xã hội trong nước.
“Từ quan điểm của Đài Loan, quan hệ với Mỹ càng tốt lên thì Đài Loan càng được bảo vệ”, ông Wu nói.
Các cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu Pew thực hiện vào tháng 5 vừa qua cho thấy 79% người Đài Loan muốn xây dựng quan hệ gần gũi với Mỹ. Trong khi đó, chỉ có 36% muốn gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền của bà Thái đang cẩn trọng với việc xích lại gần Mỹ quá nhanh, hoặc rơi vào tình thế mắc kẹt trong căng thăng gia tăng giữa hai cường quốc.
Trong tuyên bố đưa ra tại cuộc họp với các lãnh đạo đảng ngày 5/8, chưa đầy 1 tuần trước chuyến thăm của ông Azar, bà Thái nói rằng khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Đài Loan “không được nhượng bộ trước áp lực”.
“Nhưng chúng ta không nên tiến đến một cách hấp tấp vì sự hỗ trợ”, bà Thái nói, ngụ ý rằng Đài Bắc cần thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh, dù Washington công khai thể hiện đoàn kết.
Ông Wu thừa nhận rằng Đài Loan không muốn gây thù địch với Trung Quốc. “Chúng tôi có chiến lược riêng trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và chúng tôi không muốn rơi vào tình huống bị coi là mục tiêu. Chúng tôi không muốn khiêu khích Trung Quốc”, ông Wu nói.
Dù nội bộ chính quyền Đà Bắc có thể không muốn chọc giận Bắc Kinh bằng cách xích lại gần Washington, các chuyên gia cho rằng hòn đảo này có ít lựa chọn.
Ông Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu SOAS Trung Quốc ở London, nói rằng Đài Loan còn rất ít bạn bè quốc tế, và khi bị Bắc Kinh gây sức ép quyết liệt, họ không có mấy lựa chọn ngoài việc thân với Mỹ.
“Đài Loan ở trong tình thế rất khó khăn. Mỹ là nước duy nhất ủng hộ họ công khai. Vì thế, Đài Loan không thể lựa chọn hợp tác dù chính quyền nào đang điều hành ở Washington”, ông Tsang nói.
Sau tháng 11
Việc Mỹ xích lại gần Đài Loan hơn diễn ra khi Washington triển khai hàng loạt hành động nhằm vào Trung Quốc, trong đó có việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và ban hành sắc lệnh nhằm vào những ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat.
Các chuyên gia cho rằng những quyết định này được thiết kế nhằm tăng cơ hội tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay, bằng cách thể hiện với cử tri Mỹ rằng ông rất cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng chưa có dấu hiệu chắc chắn cho thấy quan điểm cứng rắn này sẽ tiếp tục được duy trì sau khi cuộc bầu cử qua đi, dù ông Trump tái đắc cử hay không.
Phát biểu tại ĐHQG Đài Loan hôm 11/3, ông Azar nói rằng Mỹ sẽ không tránh né việc hỗ trợ Đài Loan. “Trong khoản thời gian này, Mỹ biết rằng chúng tôi luôn có người bạn ở Đài Loan”, ông Azar nói.
Còn ông Wu cho biết ông và chính quyền Đài Loan đã liên lạc với nhóm tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden để trao đổi về quan hệ trong tương lai giữa hai bên.
“Họ nói rằng Mỹ đang bị chia rẽ trong tất cả các vấn đề, nhưng có một vấn đề đoàn kết người Mỹ là Đài Loan. Họ nói rằng Đài Loan luôn nhận được ủng hộ cao từ cả hai đảng trên Đồi Capitol”, ông Wu nói.
Còn GS Zhu cho rằng quan hệ đối kháng Mỹ - Trung sẽ không tồn tài lâu dài sau cuộc bầu cử tháng 11 vì có nhiều vấn đề kinh tế và an ninh quốc tế mà hai nước cần phối hợp với nhau.
“Tôi nghĩ Đài Loan cần nghĩ về điều đó…rằng điều họ đang làm hiện nay có ý nghĩa khi xét theo quan điểm của họ, nhưng đó có phải lợi ích lâu dài của Đài Loan?” ông Zhu nói.