Chia sẻ với VnExpress, TS Vũ Thành Tự Anh – Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhìn nhận, kinh tế Việt Nam năm nay suy giảm nặng nhưng không đến mức suy thoái, ngay cả khi phải lặp lại việc giãn cách xã hội.
- Ông đánh giá thế nào về cách thức chống dịch của Chính phủ lần này khi chọn cách ly theo cụm chứ không giãn cách toàn xã hội như trước?
- Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã cảm nhận rõ rệt hơn về sự đánh đổi giữa một bên là y tế và bên kia là kinh tế, giữa bảo vệ sinh mạng và duy trì sinh kế. So với đợt dịch trước, có vẻ như trọng số kinh tế đang tăng.
Mặt khác, kinh nghiệm chống dịch vừa qua cho chúng ta một bài học quan trọng về điều chỉnh phong toả, cách ly linh hoạt hơn. Và khi linh hoạt như thế, tác động tới kinh tế sẽ hạn chế hơn. Tôi nghĩ cách tiếp cận khoanh vùng của Chính phủ là đúng đắn, tránh trường hợp "một người ốm bắt cả làng uống thuốc".
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh chia sẻ về những thách thức với nền kinh tế trong đợt dịch mới hôm 10/8 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Huế.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Nếu vì lý do nào đó không kiểm soát được sự lây lan của virus, bỏ qua một điểm dịch, những mầm bệnh này chỉ là vài tia lửa nhỏ nhưng có thể tạo thành đám cháy lớn. Do vậy, khi Chính phủ chọn phương án này thì đồng thời phải nâng cao mức độ cảnh báo và kiểm soát dịch ở các địa phương, tuyệt đối không được chủ quan. Trong bối cảnh dịch đã lan rộng trong cộng đồng như ở Đà Nẵng, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hệ quả lớn.
Như tôi đã chia sẻ trước đây, nếu chống dịch không thành công, nền kinh tế chắc chắn thất bại. Kiểm soát được dịch, kinh tế sẽ có khả năng phục hồi. Nếu không, khủng hoảng y tế chắc chắn dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Kinh nghiệm của thế giới đã cho thấy điều đó. Vấn đề còn lại là tùy mức độ dịch bệnh mà Việt Nam cần những biện pháp ứng xử phù hợp.
- Vậy để tránh khủng hoảng y tế xảy ra khi nền kinh tế vẫn duy trì sự vận động cần lưu ý điều gì?
- Mục tiêu của Việt Nam là vừa chống dịch, vừa duy trì, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tôi nghĩ bây giờ nên bỏ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đi. Làm sao đòi hỏi nền kinh tế tăng trưởng cao khi cả thế giới đang trong "cơn đại hồng thuỷ"?
Do vậy, mục tiêu năm nay đơn giản là tăng trưởng ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện giữ ổn định và an toàn tốt nhất về y tế. Khi y tế - lĩnh vực quan trọng nhất - đã ổn rồi thì tăng trưởng kinh tế được bao nhiêu chúng ta chấp nhận bấy nhiêu. Đừng đưa ra bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào, vì điều đó là vô nghĩa. Thế giới bây giờ cũng không nói được tăng trưởng sẽ là bao nhiêu.
Tất nhiên, chúng ta có thể đưa ra dự báo, nhưng khi bị trói chặt vào một con số tăng trưởng là tự đặt mình vào tình trạng rủi ro lớn về y tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chúng ta có thể sẽ phải thoả hiệp với các biện pháp y tế, dẫn đến chậm cách ly, giãn cách ngay cả khi cần thiết.
Để tránh khủng hoảng y tế, cần đảm bảo kiểm soát được dịch bên trong, đồng thời không bị lây nhiễm từ các ca nhập khẩu ra cộng đồng. Khi ấy, nếu duy trì được kinh tế nội địa thì tuy xuất khẩu có bị giảm vài điểm phần trăm cũng không thể làm nền kinh tế rơi vào suy thoái, tức là có tốc độ tăng trưởng âm được.
Đừng băn khoăn khi Việt Nam phải chấp nhận hạn chế du lịch, đầu tư nước ngoài. Chỉ cần một vài ca dính bệnh, nền kinh tế trong nước lại trở nên bất định, thậm chí đóng cửa trở lại. Cái giá của việc cả nước phải giãn cách, người dân sống trong sợ hãi với một vài dự án đầu tư, du lịch, nếu mang lên bàn cân so sánh, bên nào nặng hơn?
Điều đáng lo ngại giờ đây là tâm lý chủ quan, tăng trọng số của kinh tế, giảm trọng số của y tế. Đầu năm tới Đại hội Đảng, tôi cho rằng Chính phủ đã đạt được thành tích kép là chống được dịch và giữ kinh tế không suy thoái. Không dễ gì để người dân cảm thấy tin tưởng, đồng thuận với những chính sách của Nhà nước như lần này. Chính phủ nên coi chống dịch thành công và ngăn chặn suy thoái là thành tích quan trọng nhất, chứ không nhất thiết phải cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xe buýt phải dừng hoạt động, xếp hàng dài trong bãi đỗ dưới chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu, Đà Nẵng) trong những ngày tái cách ly xã hội. Ảnh: Nguyễn Đông.
- Nếu ưu tiên sức khoẻ, kịch bản cách ly toàn xã hội một lần nữa có thể lặp lại. Nếu tình hình xấu hơn, ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của nền kinh tế?
- Nếu số liệu thống kê của chúng ta là đúng thì kinh tế Việt Nam sẽ không suy thoái. Trong quý I, tháng 1, tháng 2 là Tết, mọi người vẫn đi lại, tiêu dùng bình thường, sản xuất bị đình trệ một chút vì nghỉ tết, tăng trưởng vẫn đạt 3,68%, tức là mất khoảng 2 điểm phần trăm khi dịch diễn ra vào tháng 3.
Sang quý II, đặc biệt là tháng 4 và 5 bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, kinh tế vẫn tăng trưởng 0,36%. Lúc đó chúng ta vẫn sản xuất chứ không đóng cửa hoàn toàn, hoạt động nông nghiệp vẫn được duy trì, xuất khẩu vẫn ổn.
Điều này có nghĩa là ngay trong trường hợp giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì kinh tế cũng chưa đến độ suy thoái.
Thế nhưng, khi dịch bùng phát lần hai, bên cạnh những vấn đề cũ như xuất nhập khẩu gặp khó, chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư bị gián đoạn..., nền kinh tế sẽ đối diện thêm những yếu tố mới.
Đầu tiên đó là sức chống chịu đã giảm. Mỗi lần giãn cách xã hội với doanh nghiệp và người dân giống như một lần phải ngụp đầu xuống nước và nín thở. Lần "nín thở" thứ hai, nếu xảy ra, sẽ rất khác vì thể trạng của nền kinh tế, bao gồm cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng đều đã mất sức rất nhiều qua đợt "nín thở" đầu tiên.
Thứ hai là sự bất định. Sau khi kiểm soát dịch thành công với hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới, Việt Nam đã tính đến mở cửa lại du lịch, tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, khi bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng xuất hiện, chúng ta mới thấy một thực tế phũ phàng, không thể chủ quan được khi mức độ bất định của đại dịch này vô cùng khủng khiếp. Đến giờ, thế giới cũng đang có những dấu hiệu rõ rệt về làn sóng thứ hai của Covid-19 và có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông này.
Sự bất định này khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất, người tiêu dùng với tâm lý lo sợ thì cũng khó mở hầu bao. Chẳng hạn việc đi du lịch không còn nữa, giờ ra sân bay chỉ ai có việc mới phải đi thôi.
- Vậy theo ông có cách nào để giảm đau?
- Nếu chúng ta bảo vệ được các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19..., kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tối thiểu ở mức tương tự năm 2019, tăng trưởng chắc chắn sẽ thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái.
Điều quan trọng nhất bây giờ, tương tự cách ly địa điểm bị dịch, là phải khu trú được những khu vực trong nền kinh tế bị tổn thương và hỗ trợ những khu vực này thật tốt. Để làm được điều này một cách hiệu quả, cần tiếp cận có trọng điểm và kịp thời. Chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi và triển khai chính sách hỗ trợ, nhờ đó duy trì việc làm và hạn chế tối đa tổn thương cho doanh nghiệp và người dân.
Theo VNE