HSBC: Căng thẳng thương mại đang giúp Việt Nam tăng tỷ trọng trong xuất khẩu toàn cầu
Thứ năm, 06/08/2020, 09:22
HSBC từng nhấn mạnh rằng nhiều công ty đã chuyển sang Việt Nam bởi chi phí thấp, chính sách thuế ưu đãi, lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động trẻ.
Việt Nam là một trong những đất nước có triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt nhất trong nhóm các thị trường cận biên mà HSBC theo dõi, theo nhận định của báo cáo có tựa đề “Asia Frontier Insights Equity Strategy- Reassessing the markets: Vietnam encore” mới được ngân hàng HSBC công bố cuối tháng 7/2020. Trong đó HSBC phân tích những lý do tại sao HSBC lạc quan về triển vọng của thị trường cũng như kinh tế Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) , theo đó các mức thuế hàng hóa sẽ được điều chỉnh xuống 0% từ 71% với hàng hóa của hai nước, tỷ lệ hàng hóa được giảm thuế lên đến 99% sau 7 năm. Các mức thuế mới này sẽ mang đến yếu tố tích cực cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất hàng điện tử cho đến dệt may.
Đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến cho nhiều công ty phải tính đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Có thể kể đến việc gần đây, Nhật đã thông báo danh sách nhiều doanh nghiệp mà chính phủ Nhật sẽ trợ cấp để chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc về Nhật hoặc sang Đông Nam Á.
Giới truyền thông loan tin rằng khoảng 30 công ty có kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất sang Đông Nam Á. Khoảng nửa trong số các công ty này có thể chuyển sang Việt Nam để sản xuất thiết bị y tế, thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa hoặc các thiết bị năng lượng.
Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 5/2020, HSBC từng nhấn mạnh rằng nhiều công ty đã chuyển sang Việt Nam bởi chi phí thấp, chính sách thuế ưu đãi, lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động trẻ.
Tất cả những yếu tố này đã giúp cho Việt Nam nâng được tỷ trọng của Việt Nam trong tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu từ 0,9% vào năm 2009 lên 1,4% vào năm 2019. Căng thẳng thương mại chỉ khiến cho tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu toàn cầu nói chung cải thiện hơn.
Bất chấp đại dịch Covid-19, phần lớn các chỉ số kinh tế Việt Nam đang phát đi dấu hiệu bình ổn. Kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo. GDP quý 2/2020 của Việt Nam tăng trưởng 0,4% bất chấp các biện pháp phong tỏa và tác động của Covid-19. HSBC dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể tăng trưởng được 3,0% - Việt Nam có thể là nước Đông Nam Á duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay.
Doanh số bán lẻ phục hồi, tăng 6,2% trong tháng 6/2020, tuy nhiên so với cùng kỳ giảm 0,8% trong nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tháng 6/2020 tăng 7,0% và trong nửa đầu năm 2020 tăng trưởng được 2,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu của Việt Nam suy giảm, trong tháng 6/2020 giảm 2% so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện nhiều so với các tháng trước đó. Xuất khẩu Việt Nam nửa đầu năm 2020 giảm 1,1% so với cùng kỳ, kết quả của việc nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam giảm xuất khẩu.
Xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử tăng trưởng tốt, và riêng trong tháng 6/2020 tăng trưởng 26,6% so với cùng kỳ, trong khi đó xuất khẩu điện thoại di động đi xuống. Chính phủ tuy nhiên cũng đã ứng phó nhanh chóng bằng cách giảm thuế trước bạ và bỏ đi một số thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô không sản xuất được tại nội địa.
Ước tính, đầu tư công của Việt Nam năm 2020 khoảng 30 tỷ USD. Dù rằng chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, tốc độ giải ngân đang khá chậm bởi chỉ 20% vốn đầu tư công được giải ngân trong nửa đầu năm 2020. Nhiều thành phố và tỉnh thành cho đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ.
Đầu tư công sẽ giúp tăng cầu trong nền kinh tế trong ngắn hạn và cũng hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn. Nhiều vấn đề như trách nhiệm giải trình chưa đầy đủ, khó khăn trong thủ tục hành chính và khó thu hồi đất đai cho một số dự án đang khiến cho đầu tư công chậm lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã hối thúc chính quyền địa phương và các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng đã nhấn mạnh cần phải có chế tài phạt với những địa phương không hoàn thành được mục tiêu đầu tư công và rằng vốn cần phải được chuyển từ những nơi chậm giải ngân sang những địa phương giải ngân nhanh chóng.
Tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội đã quyết nghị chuyển đổi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Mới đây, Thủ tướng nêu rõ, Bộ GTVT phải tập trung, làm quyết liệt hơn để khởi công xây dựng các gói thầu đầu tiên của 3 dự án này vào cuối tháng 8/2020.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng 3 dự án đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành (đoạn Mai Sơn - QL45 đạt 81,3%; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 95%; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 76,8%).