[Infographic] Kỳ vọng gì từ EVFTA?

Thứ năm, 30/07/2020, 09:01
"Bức tranh" tương lai EVFTA mang tới bước đầu định hình bởi những kỳ vọng mà BizLIVE tổng hợp từ các nghiên cứu, phân tích của các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, qua những con số.
Ngày 30/6/2020, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông báo: Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), ký kết ngày 30/6/2019, sẽ có hiệu lực từ 01/8 tới.
Đây cũng là mốc kết thúc quá trình gần 10 năm đàm phán kể từ khi chính thức khởi động.
Việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển. EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Những nghiên cứu của các bộ ngành của Việt Nam cho thấy EVFTA không chỉ có những tác động nhanh chóng, tích cực tới quá trình tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu... mà còn kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn FDI chất lượng từ châu Âu vào Việt Nam.
Thông qua EVFTA, Việt Nam sẽ được thúc đẩy tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
"Bức tranh" tương lai EVFTA mang tới bước đầu định hình bởi những kỳ vọng mà BizLIVE tổng hợp từ các nghiên cứu, phân tích của các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, qua những số liệu thống kê dưới đây:

Trước thềm EVFTA, nhìn lại chặng đường 10 năm đàm phán hiệp định, có thể thấy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU cũng đã có những bước tiến rất dài. Trong 10 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 3,8 lần từ mức 14,8 tỷ USD năm 2009 lên 56.4 tỷ USD của 2019.

Tham gia vào EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với nếu không có Hiệp định.
Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (trong giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (ở 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ theo lộ trình, các nghiên cứu của nhiều cơ quan đều cho thấy, bên cạnh "sức bật" với các nhóm mặt hàng may mặc, da giày, vận tải thủy và hàng không...  EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho ta trong một số ngành như dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics.

Điển hình, theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn. Tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam...
Ở một khía cạnh khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Ngoài ra, không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm, EVFTA còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước...

Các nghiên cứu cho thấy, lợi ích của EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.

Cụ thể, tuy EVFTA làm giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu song hiệp định cũng làm tăng thu NSNN do có nguồn thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo, tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng. Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn