Vàng miếng trong nước tăng vọt, vượt 62 triệu đồng

Thứ năm, 06/08/2020, 10:56
Trong khi vàng thế giới giao dịch vùng dưới 2.050 USD/ounce, giá vàng miếng SJC đến trưa 6/8 đã tăng vọt lên tới 62,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,45 triệu đồng so với buổi sáng.

Vàng miếng trong nước bước vào giai đoạn tăng nóng khi các doanh nghiệp trong nước liên tục đẩy giá bán tăng cả triệu đồng chỉ trong nửa ngày.

Sáng nay (6/8), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 58,6 - 59,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tuy nhiên, đến 14h chiều nay, giá bán tại đây đã tăng vọt lên mốc 62,3 triệu/lượng, tăng gần 2,5 triệu đồng so với vài giờ trước và tăng tới 3,2 triệu so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào cũng được doanh nghiệp đẩy lên mức 62,32 triệu đồng. Giá vàng SJC lẻ loại 0,5-1-2 chỉ cũng đã được đẩy lên mốc 60,33 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử giao dịch kim loại quý trong nước.

Người mua vàng lãi 1,7 triệu/lượng trong nửa ngày

Tập đoàn Vàng bạc Đá Quý DOJI đến đầu giờ chiều nay đã chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 60,1 triệu đồng và bán ra ở giá 61,5 triệu đồng, tăng lần lượt 2 triệu (mua) và 2,5 triệu (bán) so với sáng nay.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay mới tăng giá mua bán vàng thêm 300.000 đồng so với chiều qua, đến trưa đã tăng thêm gần 3 triệu đồng, hiện ở mức 60,8 - 62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Cả Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý sáng nay vẫn để giá bán vàng miếng ở mức 59,6 triệu đồng, đến trưa nay đã tăng lên 61,5 triệu. Giá mua cũng được điều chỉnh tăng từ 58,7 triệu đồng lên 60,4 triệu đồng trong chưa đầy nửa ngày. Thậm chí, mức tăng của vàng miếng hôm nay còn giúp người mua vàng buổi sáng đến trưa đã có lãi 1,7 triệu đồng/lượng bất chấp chênh lệch giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra.

Trước đó, sau khi vượt 2.000 USD/ounce và đóng cửa ở mức 2.019,4 USDvào cuối phiên 4/8 (giờ Mỹ), giá vàng thế giới trong phiên 5/8 tiếp tục tăng vọt có thời điểm đã vượt mốc 2.055 USD. Tuy nhiên, áp lực chốt lời từ giới đầu tư đã khiến vàng suy yếu và chốt phiên ở vùng 2.040 USD.

Vàng giao dịch trên sàn New York đêm qua (giờ Việt Nam) đã tăng 20,1 USD, đóng cửa ở 2.039,5 USD/ounce, mức kỷ lục mới của sàn này. Trong khi đó, vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện ở mức 2.043 USD, tăng 23,6 USDso với cuối ngày 4/8.

Hợp đồng vàng tương lai giao tháng 10 đêm qua cũng tăng 28,9 USD, giao dịch lần cuối ở mức 2.037,4 USD/ounce.

Chỉ trong tuần này, kim loại quý thế giới đã tăng hơn 60 USD/ounce từ vùng 1.977 USDxác nhận vào cuối tuần trước, tương đương mức tăng 3,2% trong 3 ngày.

Tại thị trường trong nước, giá vàng sáng nay các doanh nghiệp trong nước đưa ra cũng đã bỏ xa mốc 59 triệu đồng và hướng tới vùng 60 triệu/lượng, vượt xa mọi dự báo trước đó của các chuyên gia.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 58,6 - 59,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 700.000 đồng chiều mua và 750.000 đồng chiều bán so với hôm qua. Đây cũng là giá cao nhất trong lịch sử SJC từng niêm yết tại TP.HCM.

Gia vang tang ky luc anh 1

Giá vàng tại ngày 6/8 ghi nhận lúc 14h.

Cũng trong sáng nay, giá vàng miếng bán ra tại Hà Nội đã được đẩy lên mức 59,87 triệu đồng, giá bán lẻ vàng SJC loại 0,5-1-2 chỉ hiện lên tới 59,88 triệu, cao nhất thị trường trong nước.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay niêm yết giá vàng ở mức 58,1 triệu/lượng mua, tăng 100.000 đồng, và 59 triệu/lượng bán, tăng 50.000 đồng.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiều qua đóng cửa giá vàng ở mức 58 - 58,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đến sáng nay đã tăng lên 58,2 - 59,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tương tự, cả Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý sáng nay đều đưa giá bán vàng miếng bỏ xa mốc 59 triệu đồng, phổ biến ở mức 59,5 triệu/lượng.

Trong tuần này, vàng miếng đã tăng 1,93 triệu/lượng, tương đương 3,2% bằng với mức tăng của thế giới.

Nếu tính từ đầu năm, giá kim loại quý trong nước đã tăng tới 17,1 triệu đồng, tương đương 40% giá trị. Đà tăng này cũng mang lại cho nhà đầu tư mức lãi ròng 15,85 triệu/lượng, xấp xỉ 37% giá trị đầu tư.

Chưa có dấu hiệu dừng tăng

Trong phiên 4/8 (giờ Mỹ), dữ liệu của Kitco chỉ ra mục tiêu tăng giá ngắn hạn của kim quý là đóng cửa ở mức 2.100 USD/ounce. Và để đạt được mốc này, vàng phải vượt qua 2 ngưỡng kháng cự đã được nhìn thấy là 2.025 USDvà 2.050 USD.

Tuy nhiên, đến phiên 5/8 đêm qua, kim loại quý đã vượt mốc 2.025 USDmột cách dễ dàng và chỉ xuất hiện áp lực chốt lời khi giá chạm vùng 2.050 USD.

Vì vậy, ngưỡng kháng cự mới với kim loại quý được chỉ số kỹ thuật đưa ra trong đêm qua là 2.048 USDvà 2.075 USD/ounce, trước khi có thể đạt mốc 2.100 USD.

Gia vang tang ky luc anh 2

Giá vàng trong nước đang tiệm cận mức 60 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng.

Trường hợp chịu rủi ro giảm giá, kim quý đang có vùng hỗ trợ đầu tiên là 2.015 USDvà 2.000 USDsau đó. Mức hỗ trợ cứng của vàng ghi nhận được trong thời gian vừa qua là mốc 1.950 USD/ounce.

Ông Steve Dunn, người đứng đầu quỹ ETF vàng của Aberdeen Standard Investments cho biết để giá kim quý tăng cao hơn nữa cần có nhiều kích thích hơn từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trước đó, Fed đã cam kết sẵn sàng làm bất cứ điều gì để nền kinh tế không đi vào suy thoái. “Hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ, kết quả là lạm phát có thể xảy ra. Tuy nhiên chưa ai biết Fed sẽ bơm thêm bao nhiêu nghìn tỷ ra nền kinh tế”, Steve Dunn nói.

Tuy vậy, ông khẳng định việc Fed bơm thêm 1.000 tỷ USDhay 3.000 tỷ USDsẽ dẫn tới lạm phát, và trở thành môi trường lý tưởng cho vàng tăng giá.

Theo một số chuyên gia, vàng đêm qua được hưởng lợi khi ADP đưa ra báo cáo số lượng công việc mới trong tháng 7 thấp hơn nhiều so với dự báo.

Tổng cộng đã có 167.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 7, giảm so với 4,314 triệu việc đã được điều chỉnh vào tháng 6.

Trước đó, kỳ vọng của thị trường đưa ra là sẽ có khoảng 1 triệu việc làm mới trong tháng. Thời điểm ADP đưa ra thông báo này cũng là lúc vàng tăng vọt lên vùng 2.056 USD/ounce, trước khi đóng cửa ở mức giá hiện tại.

Ở chiều ngược lại, công ty TD Securities hôm qua đã cảnh báo nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng về việc vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce, cho thấy kim quý đang bắt đầu nóng.

Về tổng thể, trợ lực của vàng vẫn còn nguyên, bao gồm đại dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ - Trung, phòng ngừa danh mục đầu tư chứng khoán, bầu cử Mỹ, các gói kích thích kinh tế và các tình hình địa chính trị khác… Tuy nhiên, vàng đã tăng quá nóng trong ngắn hạn và sẽ sớm bước vào chu kỳ điều chỉnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn